+Aa-
    Zalo

    Bài thuốc chữa bệnh méo mồm bằng lá cây rừng của bà lang vườn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Thiệp (SN 1948, thôn Tòng Thái, Tòng Bạt, Ba Vì, Hà Nội) nổi tiếng với biệt tài chữa méo mồm chỉ bằng vài nắm lá cây rừng.

    (ĐSPL) - Nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Thiệp (SN 1948, thôn Tòng Thái, Tòng Bạt, Ba Vì, Hà Nội) nổi tiếng với biệt tài chữa méo mồm, liệt miệng cho thiên hạ chỉ bằng vài nắm lá cây rừng.

    Bài thuốc truyền cho con dâu

    Vượt gần 100km, chúng tôi tìm đến Ba Vì, nơi mà người ta kháo nhau về một bài thuốc thần kỳ, chỉ cần dùng vài lá cây là có thể trị được căn bệnh méo mồm. Đến đầu xã Tòng Bạt, hỏi thăm nhà bà lang Nguyễn Thị Thiệp, ai cũng biết: "Các cháu lấy thuốc về cho người nhà thì phải đưa họ đi cùng để bà Thiệp nhìn mới có thể lấy đúng thuốc được.

    Đây là bài thuốc gia truyền của dòng họ Đỗ. Nhiều người bị bệnh méo mồm, đi châm cứu, điều trị nhiều nơi không khỏi, nhưng dùng thuốc của bà Thiệp một thời gian thì hết bệnh". Cũng theo người dân nơi đây, bà không nhận mình là thầy lang hay thần y, cũng không quảng cáo về bài thuốc gia truyền của mình, bà chỉ chữa bệnh bằng cái tâm sáng và kinh nghiệm gia truyền.

    Người nắm giữ bài thuốc lạ và độc.

    Tiếp chúng tôi, bà Thiệp nhẹ nhàng rót chén trà mời khách rồi trầm tư nhớ lại: "Bài thuốc này đến tôi là đời thứ 5 rồi, có một điều kỳ lạ là bài thuốc chỉ được truyền lại cho con trai, con dâu.

    Theo các cụ thì truyền lại cho con dâu mới giữ được nghề. Còn con gái thì nhất định không được vì sẽ mang bài thuốc về nhà chồng. Và theo như lời dặn của bố chồng tôi, chỉ khi nào người nắm giữ bài thuốc mắt mờ, chân chậm, không thể vào rừng hái lá thuốc được thì mới được truyền lại cho con cháu. Nếu cả hai thế hệ cùng biết thì bài thuốc sẽ không phát huy hết tác dụng".

    Bà chỉ nhớ rằng, khi về làm dâu dòng họ Đỗ đã thấy các cụ dùng bài thuốc quý để trị bệnh cho nhiều người. Cũng từ ngày về làm dâu, bà được theo bố chồng vào rừng hái thuốc.

    Bà kể: "Ban đầu, tôi chỉ được đi cùng mang thuốc về cho bố chồng, sau dần, khi ông không thể đi được nữa và thấy tôi "say" với bài thuốc này thì ông mới bắt đầu truyền dạy. Phải làm sao để phân biệt được những loại cây lá trên rừng? Phải kết hợp những loại lá ra sao cho phù hợp, khi chế biến, những loại nào giã trước, loại nào cho vào sau cùng? Tất cả ông chỉ nói ngắn ngọn trong vòng 30 phút, nếu không ghi nhớ rõ, hái nhầm thuốc, sẽ rất nguy hiểm. Nên tôi chăm chú và ghi nhớ từng lời ông nói".

    Sau khi truyền lại cho con dâu bài thuốc quý, cụ dẫn bà Thiệp lên ngọn đồi Ba Mọi dưới chân dãy Cẩm Lĩnh để nhận biết các loại lá rừng.

    Trên đường đi, ông giảng giải về bí ẩn của bài thuốc và dặn không được để người ngoài biết vì đây là bài thuốc "có một không hai" để trị căn bệnh này và dặn, không vì thế mà dùng bài thuốc để kiếm tiền, phải dùng cái tâm để chữa bệnh. Bởi vậy, hơn 40 năm qua, hễ ai tìm đến nhờ giúp đỡ là bà lại lặn lội vào rừng hái thuốc, không quản mưa nắng.

    "Nhiều người cũng tò mò hỏi tôi về những vị trong bài thuốc này để họ tự đi hái. Nhưng tôi không thể nói được. Bởi, người làm thuốc phải tùy thuộc vào "duyên", cũng những loại lá đấy, nhưng nếu họ cứ tự tiện đi hái về rồi dùng thì sẽ không có hiệu quả.

    Còn việc truyền lại bài thuốc quý, đợi đến khi nào tôi không thể tự mình vào rừng tìm thuốc được thì mới có thể truyền lại cho con dâu, con trai. Không làm sai lời của các cụ được", bà Thiệp tâm sự.

    Mẹo đau bên trái đắp thuốc bên phải

    Quả thực, bài thuốc chữa bệnh của gia đình bà Thiệp khiến không ít người tò mò. Chúng tôi cũng thắc mắc về phương pháp chữa bệnh méo mồm lạ và độc này thì bà bảo: "Đây là phương thuốc có một không ai, quý hiếm, không phải ai cũng học được. Bài thuốc này có phần lạ và độc, nhưng rất hiệu quả. Khi người bị bệnh đến, tôi phải hỏi họ xem họ đã bị lâu chưa, đi châm cứu hay đã điều trị ở những đâu rồi.

    Sau đó mới vào rừng, tìm những vị thuốc quý đem về giã cho họ. Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ mà bốc thuốc. Điều đặc biệt, nếu người bệnh bị méo mặt bên trái thì đắp bên phải, và ngược lại. Đắp xong phải buộc khăn để giữ cố định cả khi thức lẫn khi ngủ.

    Miếng thuốc hút chất độc trong cơ thể người bệnh nóng lên khô dần thì lật ngược mặt lại đến khi kiệt hết nước bên trong mới thay miếng mới... Khi đắp, các loại nam dược ngấm vào hệ thần kinh chỉ đạo mắt, mũi, mồm giúp mọi thứ dần cân bằng trở lại. Dù mũi méo, mắt lộn ngược nhìn thấy nửa lòng trắng, miệng uống nước chỉ chực trào ra ngoài đều có thể chữa khỏi bằng bài thuốc này... Đây là mẹo đấy".

    Bà đã giã hàng trăm miếng thuốc, cứu rất nhiều người.

    Cũng theo bà Thiệp, những người thần kinh ổn định thì đắp ba, bốn ngày là khỏi. Nhưng có những trường hợp phải đắp nửa tháng mới có thể hồi phục lại được. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng người mà lấy thuốc, bà cũng không hứa trước với người bệnh là bao nhiêu ngày sẽ khỏi, mà người bệnh phải kiên trì điều trị.

    Nếu thấy lâu mà bỏ, sau này lấy lại sẽ rất khó có thể khỏi bệnh. Đã chữa cho nhiều người, nhưng trong trường hợp để quá lâu, tai biến quá nặng, não đã nhũn ra rồi thì đắp thuốc thế, đắp thuốc nữa cũng không thể khỏi, trường hợp nặng như vậy, bà đành từ chối chữa trị.

    Bà Thiệp cũng tiết lộ, theo quy định của dòng họ Đỗ, trước khi bà lên rừng hái thuốc, người nhà bệnh nhân phải dâng chút hoa quả, bánh kẹo thắp hương trước bàn thờ họ, để bà kính báo với các cụ rằng hôm nay đi hái thuốc, chữa bệnh cho người dân.

    Trước đây, khi bà con trong vùng còn nhiều khó khăn, họ đến xin thuốc chỉ bằng cân gạo hay những thứ mà gia đình làm ra. Bà cũng vui vẻ giúp và mong sau khi đắp thuốc, bệnh nhân khỏi bệnh, bởi với bà, làm nghề thuốc cần cái tâm là chính.

    Bà Thiệp nhớ, cách đây không lâu, có người tên Dũng từ Ninh Bình đưa vợ bị bệnh đến trong tình trạng không nói được, thức ăn trong miệng chỉ chực trào ra ngoài. Anh đưa vợ đi khám thì biết chị bị liệt dây thần kinh số 7. Uống thuốc và chữa nhiều nơi nhưng không khỏi, nghe nói bà Thiệp chữa được căn bệnh này, anh đưa vợ đến.

    Thấy vợ chồng anh lặn lội đến để xin thuốc, sau khi làm xong thủ tục, bà đi một mạch vào rừng hái thuốc, về giã rồi đưa cho anh 12 nắm lá thuốc và dặn những điều cần kiêng kị. 11 nắm lá thuốc để chữa bệnh, còn nắm lá cuối cùng để triệt nọc độc (thành phần nắm lá này có vài vị khác). Làm đúng như lời bà, chỉ ba ngày sau, anh Dũng gọi điện lên thông báo vợ anh đã nói được nhưng vẫn còn chậm. Sau khi đắp xong 12 miếng thuốc, bệnh nhân đã khỏi hoàn toàn.

    Em Nguyễn Thị Lan (một người cùng xã) cho biết: "Một buổi sáng ngủ dậy em bỗng bị giật méo mặt. Em khó ăn, khó nói, bố mẹ đưa đi châm cứu, uống nhiều thuốc nhưng không khỏi. Sau khi biết bà Thiệp hái thuốc chữa bệnh, bố mẹ liền đưa em đến. Thuốc bà Thiệp đắp vào rất lạ, vừa ngưa ngứa, lại mát mát. Chỉ khoảng ba, bốn ngày là em khỏi. Bà Thiệp cũng rất tốt bụng, hoàn cảnh của gia đình em rất khó khăn, nên bà cũng không hỏi tiền hay quà cáp gì".

    Nhiều người khỏi bệnh

    Ngày 7/9, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Dân, trưởng thôn Tòng Thái (Tòng Bạt, Ba Vì, Hà Nội) cho biết: "Bài thuốc chữa bệnh méo mồm này là bài thuốc gia truyền của dòng họ Đỗ. Bài thuốc này rất đặc biệt, chỉ có những người trong gia đình mới được truyền lại. Ngày trước, rất nhiều người đến nhà bà Thiệp xin thuốc và đã khỏi bệnh. Không chỉ có người dân địa phương, mà người từ các tỉnh xa cũng đến xin thuốc và chữa bệnh. Bà chữa bệnh bằng cái tâm nên được rất nhiều người quý mến".

    MAI HẰNG

    Xem thêm video:

    [mecloud]hjadZijgiL[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-thuoc-chua-benh-meo-mom-bang-la-cay-rung-cua-ba-lang-vuon-a110526.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.