(ĐSPL)- Các chuyên gia cho rằng, hiện nay nhiều người vẫn ngang nhiên mua bán, sở hữu và sử dụng các loại vũ khí, nhất là công cụ hỗ trợ (CCHT), trong khi, các quy định xử phạt hiện nay còn quá nhẹ. Điều đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình hình tội phạm diễn biến phức tạp và nguy hiểm hơn…
Kỳ cuối: Khẩu súng trường trong cây đàn ghi ta và những quả bom nổ chậm cần tháo ngòi
Chặn đứng âm mưu vận chuyển cả... lựu đạn
Thời gian qua việc buôn bán, vận chuyển “hàng nóng”, đặc biệt là từ nước ngoài vào Việt Nam diễn biến khá phức tạp. Vụ việc mới nhất chính là vào ngày 31/7, chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) phối hợp với các lực lượng thuộc bộ Công an tạm giữ lô hàng gồm 94 khẩu súng mẫu CZ-P 07 và 472 hộp tiếp đạn đều chưa qua sử dụng. Mẫu súng này do công ty Ceska Zerojovka A.S Svat (Cộng hòa Czech) sản xuất.
Các chuyên gia cho rằng, chỉ cần người dân sở hữu vũ khí (chưa gây án) và các loại CCHT cũng nên khép vào tội hình sự, chứ không chỉ tịch thu và xử phạt hành chính. |
Lô hàng này được vận chuyển và đăng ký là hàng bình thường, xuất phát từ một sân bay tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, có nguồn tin cho rằng, lô hàng này bị gửi nhầm địa chỉ. Theo đó, điểm dừng chân của lô hàng này là tại Singapore, nhưng lại bị gửi nhầm một cách kỳ lạ về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện, vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Điều này cho thấy, nếu những lô hàng như thế này được gửi vào Việt Nam và thực hiện trót lọt, thì các đối tượng mua bán “chó lửa” có thể kiếm lời, còn những ai có nhu cầu thì vẫn có thể sở hữu các loại “hàng khủng”, chứ không riêng gì những con “chó lửa” như PV đã đề cập trong các kỳ trước.
Thực tế, các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ luôn nêu cao tinh thần cảnh giác. Cửa khẩu hải quan sân bay Tân Sơn Nhất được xem là điểm nóng về việc vận chuyển vũ khí quân dụng và các loại CCHT, do đó nó là “phòng tuyến” quan trọng ngăn chặn việc thẩm lậu vào Việt Nam.
Một cán bộ chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, thực hiện chỉ đạo của cục Hải quan TP, toàn đơn vị đã tập trung tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Theo đó, chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đã xây dựng các phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường trọng điểm, mặt hàng trọng điểm, nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn hiệu quả hành vi tuồn qua cửa khẩu các loại hàng cấm, vũ khí, quân trang quân dụng, thiết bị kỹ thuật công nghệ cao...
Theo thống kê, từ cuối năm 2014 đến hết quý 1/2015, cơ quan chức năng đã phát hiện 10 vụ vận chuyển vũ khí trái phép qua đường hàng không và chủ yếu tại cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất. Ngoài vụ việc mới được phát hiện về lô hàng gồm 94 khẩu súng và 472 hộp tiếp đạn mới đây thì còn nhiều vụ việc vận chuyển hàng lẻ tẻ khác. Điển hình như mới đây, hai nhân viên một công ty ở Q.Tân Bình đưa một cây đàn ghi ta đến sân bay Tân Sơn Nhất để chuyển ra một tỉnh ở phía Bắc. Nhưng, đến khi làm thủ tục tại kho hàng quốc nội thì bị phát hiện bên trong có chứa một khẩu súng trường, 10 viên đạn và một quả lựu đạn. Ngay lập tức hai đối tượng này bị bắt giữ... Hành vi buôn bán kinh doanh trái phép “hàng nóng” thực tế được ví như một “quả bom nổ chậm” cần được tháo ngòi. Nó đòi hỏi từ ý thức của người dân đến sự quyết tâm của các lực lượng chức năng.
Trao đổi với PV, luật gia Đỗ Thị Yến, Trưởng ban Tuyên truyền pháp luật, trung tâm Tư vấn pháp luật tại TP.HCM (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng: “Ngoài con đường hàng không, thì đa phần các loại “hàng nóng” này thường được tập trung gần với biên giới Trung Quốc, Campuchia, Lào... thông qua nhiều con đường, nhưng chủ yếu là con đường lậu tràn vào Việt Nam. Rồi các cơ sở kinh doanh lén lút trên thực tế, hay các điểm bán hàng online trên các trang mạng... rao bán công khai, nên các đối tượng có ý đồ phạm tội mua hàng là không khó. Tôi cho rằng, điều này rất nguy hiểm cho xã hội hiện nay”.
Kế sách phòng ngừa thủ đoạn tinh vi, nham hiểm
Trao đổi với PV về vấn đề này, Phó Giáo sư – Tiến sỹ (PGS-TS) Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó khoa Luật Dân sự, trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng, hiện nay, chúng ta đã có nhiều văn bản được ban hành nhằm siết chặt công tác quản lý vũ khí và CCHT. Vì đây là loại tài sản sử dụng có điều kiện và phục vụ cho những mục đích nhất định cho nên không phải tổ chức, cá nhân nào có nhu cầu thì đều được sử dụng.
Lô “chó lửa” khủng được phát hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất. |
“Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người, dù không có quyền nhưng vẫn có các loại vũ khí, CCHT và sử dụng nó. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người được cấp phép sử dụng nhưng lại sử dụng không đúng mục đích theo quy định, từ đó xảy ra nhiều hậu quả khôn lường”, PGS-TS Phương nói. Đồng quan điểm, luật gia Yến cũng cho rằng, liên hệ với tình hình tội phạm thời gian gần đây thì có thể thấy tình trạng rao bán công khai và mọi người dễ tiếp cận với các loại vũ khí, CCHT như hiện nay là rất nghiêm trọng.
“Thực tế, các loại tội phạm sử dụng các loại súng bắn đạn thật và các loại đạn khác cũng như các loại CCHT khác tăng lên đáng kể là đáng báo động. Để ngăn chặn tình trạng này thì không chỉ dựa vào lực lượng công an, hải quan, quản lý thị trường... mà phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan với nhau. Trong đó, phải tập trung xử lý nguồn cung, bởi vì lợi nhuận mà họ bất chấp hậu quả tai hại gây ra cho xã hội, đe dọa an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, ngoài các đối tượng mua bán, vận chuyển thì đối với những người chưa sử dụng, chỉ sở hữu các loại vũ khí, CCHT là phải xử lý ngay. Ví như CSGT, quản lý thị trường... khi phát hiện các loại vũ khí và CCHT này trong cốp xe thì tạm giữ ngay. Không chỉ xử lý là tịch thu hay xử phạt hành chính (nếu có) mà phải xử lý hình sự. Đồng thời, phải truy tìm bằng được nguồn cung các loại vũ khí, CCHT này ở đâu, mục đích để làm gì... đặc biệt là những nơi khá phức tạp và nhạy cảm như vũ trường, quán bar, karaoke...”, luật gia Yến khuyến nghị.
PGS-TS Phương cũng cho rằng, hiện nay, khi xảy ra một vụ vi phạm pháp luật mà đối tượng có sử dụng vũ khí hay CCHT làm hung khí gây án thì chúng ta chỉ xử lý hình sự đối với thủ phạm, đồng thời xử lý hành vi sử dụng vũ khí hay CCHT trái phép, chứ chưa truy ngược để xử lý hành chính các cơ quan, tổ chức để mất hoặc do nguyên nhân nào đó để các loại vũ khí, CCHT đó lọt vào tay các đối tượng phạm tội. Muốn thực hiện điều này, thực chất cũng chẳng khó khăn là bao, khi trên mỗi loại vũ khí hay CCHT đều có số hiệu, nhãn mác... và có nguồn gốc xuất xứ và được cấp cho ai, đơn vị nào...
Theo ông Tống Lê Dân, Phó Chi cục trưởng chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm qua đường hàng không về Việt Nam có chiều hướng gia tăng và hết sức phức tạp với các thủ đoạn tinh vi. Tình hình này cũng đòi hỏi lực lượng hải quan và các lực lượng chức năng phải đặc biệt quan tâm, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi nghiêm trọng này.
Cần tăng nặng hình phạt Luật gia Đỗ Thị Yến cho rằng, cần phải tăng cường các biện pháp mạnh mẽ và cụ thể hơn. Đồng thời, khi có hành vi vi phạm cần xét xử công khai và tăng hình phạt nặng hơn đối với những đối tượng kinh doanh và người sử dụng bất hợp pháp. |
DƯƠNG THANH
Xem thêm video:
[mecloud] KOtO4IP3m5[/mecloud]