+Aa-
    Zalo

    Bài dự thi: Trường Sa – Tổ quốc nơi đầu sóng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Ai đặt tên cho quần đảo Trường Sa? Dải cát dài vươn mình qua bão tố, Đảo hiện lên giữa sóng tự bao giờ? Mặc sóng gầm xanh thắm phía trùng khơi".

    (ĐSPL) - "Ai đặt tên cho quần đảo Trường Sa? Dải cát dài vươn mình qua bão tố, đảo hiện lên giữa sóng tự bao giờ? Mặc sóng gầm xanh thắm phía trùng khơi".

    Người về từ Trường Sa

    Tôi đã gặp Trường Sa giữa lòng thủ đô Hà Nội. Trong cái tấp nập, bon chen chốn thị thành vẫn đau đáu, da diết một nỗi niềm trăn trở với Trường Sa. Người lính đảo ấy là thầy giáo dạy tôi trong học kỳ giáo dục quốc phòng. Thầy đã kể cho chúng tôi về những đảo nổi, đảo chìm.

    Lần đầu tiên tôi được nghe những cái tên như Song Tử Tây, Sơn Ca, Phan Vinh, Nam Yết, Sinh Tồn...Trường Sa đẹp lắm, nhưng cũng nhiều giông tố, khó khăn, thiếu thốn và cả những mất mát, hi sinh.

    Người về từ Trường Sa, mỗi lần nhắc đến quần đảo ấy lại thấy nghèn nghẹn, tự hào. Thầy nói rằng nhớ đảo, nhớ đồng đội, nhớ cái vị mặn mòi của biển vô cùng. Càng nhớ lại càng thương anh em ngoài đó, không biết bữa cơm có đủ rau xanh, có đủ nước ngọt?

     Thầy Nguyễn Ngọc Sơn - Người lính đảo trở về từ Trường Sa.

    Cảm ơn những câu chuyện của thầy, cảm ơn Trường Sa đã khơi dậy trong tôi tình yêu với quê hương đất nước, tình yêu với những hòn đảo tiền tiêu, tình yêu với người giữ đảo, cho tôi biết đất nước tôi có một quần đảo thân thương, thiêng liêng nhưng cũng đau thương nhường vậy. Đâu cứ phải hi sinh bởi chiến tranh, biết bao người đã ngã xuống giữa Tổ Quốc thời bình. Nhưng có lẽ trái tim của họ sẽ không bao giờ ngừng đập, đêm ngày vẫn canh giữ từng tấc đất ông cha.

    Trường Sa - quần đảo bão tố

    Trường Sa thuở ban đầu còn rất hoang sơ, chỉ có mênh mông nắng gió và những cánh chim biển, cây cối trên đảo rất ít, lưa thưa bóng dừa trên đảo Nam Yết và một vài gốc bàng vuông cổ thụ trên các đảo nổi. Trong điều kiện khó khăn, gian khổ đến vậy nhưng các cán bộ, chiến sĩ vẫn kiên cường bám đảo, giữ vững chủ quyền.

    Tất cả đã được ghi lại qua loạt ảnh, bài báo, kí sự của các nhà báo đầu tiên ra Trường Sa như Nguyễn Khắc Suể, Hà Đình Cẩn, Nguyễn Thắng. Danh từ "đảo bão tố" cũng được nhà báo Nguyễn Thắng đặt cho Trường Sa từ đó.

     Đảo Tường Sa Lớn năm 1989 - Ảnh tư liệu.
     Bữa cơm vội vã bên mâm pháo của cán bộ chiến sĩ đảo Phan Vinh năm 1988 - Ảnh: Nguyễn Viết Thái.

    Gần 30 năm sau ngày giải phóng(tháng 4/1975), Trường Sa hôm nay đẹp đến ngỡ ngàng. Đảo đã nhiều hơn những bóng cây bàng vuông, phong ba, bão táp, mù u, tra biển... Ngay từ cái tên đặt cho các loài cây mang cũng theo cái hồn của biển.

    Ngoài lực lượng quân đội giữ đảo, trên một số đảo đã có nhân dân sinh sống như đảo Trường Sa Lớn, Sơn Ca, Sinh Tồn, Song Tử Tây. Những nếp nhà, mái trường, bệnh viện, ngôi chùa đã được xây dựng như để khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

     Đảo Trường Sa Lớn năm 2012 -Ảnh: Lê Văn Hùng.

    rường Sa đã đổi thay rất nhiều, tất cả đều nhờ vào ý chí, quyết tâm bảo vệ, bàn tay dựng xây của Đảng, nhà nước, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Dẫu vậy, chưa bao giờ quần đảo bão tố ấy vợi bớt sóng gió, bão giông và hiểm nguy rình rập.

    Tôi sợ, sợ hôm nay vẫn còn kể chuyện đảo, chuyện đất liền, vẫn còn hát, đọc thơ cho nhau nghe, nhưng có thể ngày mai các anh đã xa rồi. Tôi sợ, sợ chưa một lần được gặp các anh đã không còn cơ hội, quần đảo bão tố ơi!, dịu dàng một chút có được không? Để đất liền yên tâm các anh vẫn bình an.

     Người lính đứng gác - Ảnh sưu tầm.

    Những hòn đảo giữa mênh mông biển cả, bốn phía là sóng gió bủa vây. Nhìn hình ảnh người lính chắc tay súng đứng gác biển mà bỗng thấy lòng nao nao. Thương làn da anh sạm đen, mái tóc đỏ quạch vì nắng cháy thiêu đốt. "Lính biển không trắng nổi, yêu? hay đừng em ơi?", yêu nhiều lắm, tại sao lại là không?

    Tôi yêu cả ánh mắt, nụ cười mặn mà hơi muối biển, yêu đôi bàn tay chai sần vì vác đá xây đảo, yêu giọt mồ hôi anh rơi trên nền cát san hô nóng bỏng. Tôi đã yêu, yêu những người trai đổi tuổi thanh xuân cho bình yên của Tổ Quốc.

    Yêu Trường Sa, lại thêm lo mùa biển động, sợ giông bão về lấy đi của anh những luống rau xanh, trái đu đủ mà anh ngày đêm gìn giữ, sợ ca gác đêm sương muối về thêm lạnh buốt. Thương lá cờ Tổ Quốc mới thay đã bạc, thương gió muối khô mặn chát bờ môi anh.

    Ở Trường Sa, rau xanh và nước ngọt là hai thứ quý như máu. Trong điều kiện nắng gió khắc nghiệt, khan hiếm nước ngọt, trồng được rau xanh rất khó khăn. Gió muối, nắng cháy vài hôm đã bạc lá. Ở các đảo nổi trồng rau đã khó khăn, các đảo chìm lại còn khó hơn gấp nhiều lần. Ở các đảo chìm do diện tích nhỏ, rau được những người lính tận dụng trồng trong các khay nhựa.

     Chăm sóc rau trên đảo Núi Le B - Ảnh: Nguyễn Đình Quân.

    Những người lính chắt chiu từng giọt nước, chăm sóc rau xanh như những đứa con của mình. Niềm vui, hạnh phúc của lính đảo chỉ đơn giản là bữa cơm có đủ rau xanh, nước ngọt. Có lần anh điện về chỉ để khoe với tôirằng những hạt giống rau tôi gửi ra anh gieo đã lên mầm, hay "đảo đang có mưa này em gái, bọn anh vừa đi tắm mưa về!". Nghe tiếng mưa tiếng cười hồn nhiên yêu đời giữa sóng gió, tôi lại càng thương các anh hơn.

     Tắm mưa trên đảo Sinh Tồn Đông - Ảnh sưu tầm.

    "Người đất liền người ở giữa trùng khơi
    Chung niềm vui ngày mưa về trên đảo
    Mưa thương anh và thương em hơn nữa
    Anh gọi về em khóc lúc mưa rơi"

    Trường Sa - Biển mặn

    Đã có người lính đảo nói với tôi rằng: "Chẳng nơi nào biển mặn như Trường Sa". Vì sao ư? Biển xanh thêm mặn bởi máu và mồ hôi của cha ông hòa trong từng con sóng. Để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng ấy, đã bao người ngã xuống. Những người trai ra đi không trở về, hóa hồn mình cho biển cả quê hương.

    Ngay trong trận đánh đầu tiên trên đảo Song Tử Tây ngày 14/4/1975, mở màn chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa, đã có những người lính hi sinh, ngã xuống trong chiến đấu giải phóng đảo do quân đội Sài Gòn đóng giữ.

     Vòng tròn Gạc Ma bất tử và liệt sĩ Trần Văn Phương. Ảnh sưu tầm

    Trong chiến dịch CQ-88, tối ngày 11/3/1988, các tàu HQ-604, HQ-605 và HQ-505 của Hải quân Việt Nam được lệnh đưa lực lượng công binh tới xây dựng nhà cao chân trên các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin. Sáng ngày 14/3/1988, khi lực lượng trên tàu HQ-604 lên đảo Gạc Ma cắm quốc kỳ Việt Nam và chuyển vật liệu xây dựng lên đảo, nhiều tàu chiến Trung Quốc đã bắn vào tàu HQ-604 và chiến sĩ ta trên đảo Gạc Ma, làm tàu HQ-604 bị chìm, 58 sĩ quan, chiến sĩ hải quân và công binh hy sinh.

    Tại đảo Len Đao, tàu HQ-605 cũng bị các tàu giặc bắn chìm, 6 sĩ quan và chiến sĩ ta hy sinh, nhưng ta bảo vệ được đảo Len Đao. Tàu HQ-505 do thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy đã vượt qua đạn pháo của đối phương, lao lên đảo Cô Lin, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vinh quang: Bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

    Bị đạn đối phương bắn cháy tàu, các lực lượng trên tàu HQ-505 vừa dập lửa cứu tàu, vừa dùng xuồng đi cứu vớt đồng đội ở tàu HQ-604 và ở đảo Gạc Ma đang gặp nạn… Tam giác máu Gạc Ma-Cô Lin-Len Đao vẫn còn đau đáu mãi trong trái tim người Việt Nam.

    Quên sao được hình ảnh vòng tròn Gạc Ma bất tử. Thiếu úy Trần Văn Phương đã hi sinh khi tay không giữ cờ: "Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy đề máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của quân chủng Hải Quân". Trường Sa hôm nay, trong những phút giây yên ả hiếm hoi, những người lính vẫn nhắc cho nhau nghe về một thời máu và hoa của dân tộc để tự hào và quyết tâm hơn nữa bảo vệ quần đảo thiêng liêng ấy.

    Mộ liệt sĩ trên đảo Sơn Ca - Ảnh Nguyễn Đình Quân

    Có người lính ra đi khi chưa biết mặt con. Có người ra đi chỉ kịp nhắn lại với đồng đội: "Nói với vợ mình rằng mình yêu cô ấy rất nhiều, và con chúng mình đặt tên là Trường Sa". Cũng có những binh nhất binh nhì, hi sinh khi chưa tròn tuổi quân, chưa một lần biết yêu. Có tuổi hai mươi đã hóa thành sóng nước, vẫn còn biết bao nhiêu ước mơ, hoài bão, những đam mê tuổi trẻ đành dang dở, gửi lại biển xanh. Những câu thơ của Trần Mạnh Hảo vẫn còn day dứt mãi:

    "Thế hệ chúng con đi như gió thổi
    Quân phục xanh đồng sắc với chân trời
    Chưa kịp yêu một người con gái
    Ngã vào lòng đất vẫn con trai".

    Trường Sa - còn mãi những ân tình

    "Ôi! Tôi đứng đẫy giữa biển trời bao la
    Tiếng học vần ê a dưới nếp nhà ngói mới
    Chẳng còn xa đâu chẳng còn đêm tối
    Đất ấm tình người, người ấm tình nhau..."

    Những ca từ bài hát "Sức sống Trường Sa" mỗi lần vang lên, tôi lại thấy xốn xang đến kì lạ, như chính tôi đang được đứng trên quần đảo "đất ấm tình người, người ấm tình nhau" ấy. Vâng, chưa ở nơi đâu tôi lại thấy tình người ấm áp như Trường Sa, tình đồng đội, quân dân, tình tiền tuyến hậu phương, tình người với đảo...

    Những người lính từ mọi miền Tổ Quốc đã cùng về đây, để Trường Sa trở thành mái nhà chung, để đồng đội trở thành anh em một nhà. Họ cùng nhau vượt qua sóng gió, san sẻ từng ngụm nước, từng cọng rau xanh. Ôi có ở đâu những cái nắm tay, những cái ôm lại thật chặt, lại thân thương đến vậy. Có người lính hoàn thành nhiệm vụ trở về với đất liền, mãi đến sau này, có lần nói chuyện anh tâm sự: "Đời lính đảo quen nắng gió, rắn rỏi là vậy, cũng nhớ đất liền, nhớ gia đình, nhưng vẫn sợ lắm giây phút đồng đội vẫy chào nhau, giây phút phải rời xa hòn đảo mình đã gắn bó, đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu để giữ gìn. Sợ khoảnh khắc tàu rẽ sóng xa dần đảo để lại những những đồng đội đang vẫy tay chào không ngớt.

    Chỉ biết gửi trao cho nhau niềm tin qua ánh mắt. Có anh lính trẻ rời đảo, lưu luyến âu yếm mãi những chú cún-người bạn của lính đảo, dặn dò người ở lại chăm sóc giúp anh đàn gà, luống rau xanh. Mỗi lần nghe các anh kể, nước mắt cứ ứa ra, thương lắm lính đảo ơi!

    Trường Sa khát bóng người, giữa mênh mông sóng nước, chỉ thèm nghe một giọng nói quê hương, một câu quan họ, thèm nghe giọng nói một người con gái. Có người lính reo vui hồn nhiên như ngày nhỏ đợi mẹ đi chợ về khi nhìn thấy bóng dáng những chuyến tàu từ đất liền ra thăm đảo. Bộ đội Trường Sa mến khách, mỗi lần có đoàn ra thăm, cả đảo lại vui như hội, thấy tàu từ xa mà các anh đã tươi cười, đón chào ở cầu cảng tự bao giờ.

     Văn công hát tặng những người lính Công Binh đang xây dựng đảo - Ảnh: Mai Thanh Hải.

    Có một điều đặc biệt ở Trường Sa, mỗi khi khách đến, những người lái xuồng CQ dường như cố ý cho xuồng không cập sát đảo, họ sẽ lội ra tận nơi để cõng, bế khách vào đảo. Và dù nước ngọt quý đến thế, nhưng các anh vẫn để những chậu nước ngọt cho khách rửa tay, rửa mặt trên đường vào đảo.

    Còn hình ảnh nào đẹp hơn thế, thắm tình quân dân, tình tiền tuyến hậu phương. Nghe văn công hát, lính đảo nghèo đâu có những đóa hoa thắm đỏ để tặng, họ chỉ có những nhành phong ba, bão táp, những đóa bàng vuông ngát hương trên đảo, những con ốc nhặt từ biển.

     Bế khách lên đảo An Bang - Ảnh: Xuân Cường.

    Đã có lần cô văn công xúc động đến nỗi khóc nức nở, không thể hát tiếp vì thương lính, anh lính đảo đang đệm đàn cũng buông đàn khóc theo. Lại có anh lính lần đầu ra đảo nói rằng: “Chị trải tóc cho bọn em xem được không? Em nhớ mẹ, nhớ gia đình quá!”.

     Ca sĩ Thanh Thanh hát và khâu áo cho chiến sĩ đảo Phan Vinh - Ảnh: Nguyễn Viết Thái.

    Trường Sa ấm áp tình người, quần đảo thiêng liêng ấy mỗi lần nhắc đến lại xúc động đến nghẹn ngào trong mỗi trái tim người dân đất việt. Đã có những con người tâm huyết, gắn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp bảo vệ biển đảo. Đó là anh hùng lực lượng vũ trang Giáp Văn Cương-Đô Đốc đầu tiên của Hải Quân Nhân Dân Việt Nam.

     

    Đó là Trung tá Nguyễn Văn Cần, người lính tận tụy của Lữ đoàn 146 với hơn 26 năm gắn bó ở Trường Sa. Đó là Thượng tá Phạm Văn Hòa, người đảo trưởng nổi tiếng khi đã có nhiều năm chỉ huy cả ba hòn đảo lớn nhất của Trường Sa là Nam Yết, Song Tử Tây và Trường Sa Lớn...

    Không chỉ có những người lính, mỗi người dân Việt Nam đã và đang góp sức mình xây dựng và bảo vệ biển đảo. Đã có rất nhiều chương trình "góp đá xây Trường Sa" thu hút được nhiều cá nhân, tổ chức tham gia.

    Tôi xúc động vô cùng khi đọc bài báo về chị là Nguyễn Thị Quí - người bán ve chai ở phường An Phú Đông quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh đã ủng hộ chương trình “Góp đá xây Trường Sa” 500 ngàn đồng - số tiền chị phải cật lực 20 ngày bán ve chai. Không chỉ có những đóng góp về vật chất mà còn cả về tinh thần. Những lá thư, những bài hát, bài thơ, những cuốn sách lần lượt gửi tới đảo xa là nguồn động viên tinh thần, giúp các anh vững vàng nơi đầu sóng, giúp Trường Sa thêm gần hơn với đất liền.

     Chị Nguyễn Thị Qúy - Người bán ve chai góp đá xây Trường Sa và những người lính Hải Quân đảo Đá Tây - Ảnh: Phan Bắc.

    Để bảo vệ, dựng xây Trường Sa, biển đảo quê hương mình cần lắm sự đoàn kết, đồng lòng của cả quân và dân. Tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước, tin tưởng vào những người lính giữ đảo. Nhất là những người trẻ hiện nay, yêu biển bằng cả tấm lòng, nhưng cũng là bằng tri thức. Những kiến thức, hiểu biết về biển đảo để đấu tranh trên mặt trận pháp lý và truyền thông.

    Yêu Trường Sa không nhất thiết phải trực tiếp đặt chân lên quần đảo ấy. Yêu Trường Sa từ đất liền là làm cho mọi người thêm hiểu, thêm yêu vùng đất, yêu những con người ngày đêm thầm lặng gìn giữ biển đảo quê hương. Trường Sa gần lắm, ở ngay trong trái tim mỗi người. Trường Sa ơi! còn mãi những ân tình!

     Đại diện những người góp đá trên đường ra khánh thành công trình "góp đá xây Trường Sa" trên đảo Đá Tây A- Ảnh: T.T.D-Minh Đức.

    "Tiền tuyến ơi anh có nghe thấy không?
    Tiếng đoàn kết cả dân tộc đồng lòng
    Bước chân anh không bao giờ đơn độc
    Triệu triệu người luôn sát cánh bên anh!"

    Bài dự thi "Tìm hiểu Pháp luật về biển, đảo Việt Nam 2014"

    Đoàn Thị Ngọc

    (Sinh viên lớp DH12A2 Khoa thiết kế nội thất - Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-du-thi-truong-sa-to-quoc-noi-dau-song-a42099.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan