Năm 2018, nhóm gần 30 người bạn đã tập trung tại phòng tiệc ở Tokyo để chứng kiến Sanae Hanaoka, 31 tuổi, tuyên bố kết hôn với chính mình.
Hanaoka đứng trên sân khấu, cảm ơn bạn bè đã tới dự và tuyên bố: ""Tôi muốn sống một mình. Tôi muốn dựa vào năng lực của chính bản thân".
Cách đây không lâu, phụ nữ Nhật ngoài 25 tuổi vẫn chưa kết hôn bị gọi là "bánh Giáng sinh", một cách so sánh họ với những chiếc bánh cũ không thể bán sau ngày 25/12.
Ngày nay, những lời lăng mạ trực tiếp như vậy không còn phổ biến, bởi ngày càng nhiều phụ nữ Nhật Bản có xu hướng trì hoãn hoặc không kết hôn.
Tỷ lệ lao động nữ ở Nhật Bản hiện cao hơn bao giờ hết, khi 70% phụ nữ 15-64 tuổi ở Nhật có việc làm. Tuy nhiên, các chuẩn mực văn hóa vẫn chưa bắt kịp thực tế này.
Những người vợ và người mẹ Nhật Bản vẫn thường phải gánh vác việc nhà, chăm sóc con cái và giúp đỡ người già trong già đình, một yếu tố gây cản trở công việc của phụ nữ.
Theo khảo sát của chính phủ Nhật, đến giữa những năm 1990, cứ 20 phụ nữ Nhật ở tuổi 50 lại có một người chưa kết hôn. Năm 2015, tỷ lệ này tăng thành 1/7.
Năm 2018, số lượng các cặp đôi kết hôn chạm mức thấp nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến II, theo ước tính của chính phủ Nhật Bản. Đây là năm thứ 6 liên tiếp tỷ lệ kết hôn của quốc gia này giảm sút với tốc độ đáng kể.
Hậu quả là số ca sinh nở ở Nhật Bản cũng đang giảm mạnh. Năm 2018, số trẻ sơ sinh ở nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1899.
Nhằm tăng dân số, giới chức Nhật cố gắng khuyến khích các cặp đôi kết hôn và sinh con nhưng với phụ nữ nước này, độc thân là sự tự do quý giá.
"Khi kết hôn, họ phải từ bỏ rất nhiều thứ, như quyền tự do và sự độc lập", Mari Miura, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo, nói. Sự nghiệp của phụ nữ đã kết hôn thường bị kìm hãm bởi gánh nặng gia đình, từ việc chăm sóc con cái cho đến công việc bếp núc vất vả hay việc nhà.
Kumiko Nemoto, giáo sư xã hội học tại Đại học Ngoại ngữ Kyoto, cho biết "rất khó để tìm được một người đàn ông đi làm nhưng vẫn sẵn sàng chăm sóc gia đình".
Một số đàn ông Nhật Bản bày tỏ mong muốn gánh vác việc nhà giúp phụ nữ, trong khi đó chính phủ Nhật cũng khuyến khích các doanh nghiệp cải cách văn hóa làm việc.
Tuy nhiên, tình trạng nhân viên làm việc ngoài giờ, thậm chí ăn, ngủ ở văn phòng vẫn phổ biến, khiến đàn ông không thể giúp đỡ được vợ.
Shigeko Shirota, 48 tuổi, làm quản trị viên một trường mầm non, sống trong căn hộ chung cư tự mua, cho hay nhiều người bạn của mình sau khi lấy chồng chỉ ở nhà chăm con, không được chồng giúp đỡ nhiều.
"Thật không công bằng với phụ nữ khi mắc kẹt trong nhà với công việc nội trợ. Họ hạnh phúc khi ở bên con, nhưng một số thấy chồng như đứa con to xác. Họ không muốn chăm sóc chồng kiểu đó", cô nói.
Thời nay, phụ nữ Nhật không cần chồng để đảm bảo kinh tế. Với công việc ổn định, họ chủ động lo cho cuộc sống của mình và dễ dàng tham gia những hoạt động mà bà, mẹ của họ không có cơ hội tiếp xúc.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp hướng đến đối tượng khách hàng là phụ nữ độc thân, ví dụ những quán karaoke dành riêng cho chị em chưa chồng, những nhà hàng chuyên phục vụ người đi ăn một mình, những căn hộ được thiết kế riêng cho phái đẹp.
Các công ty lữ hành thường xuyên tổ chức tour du lịch cho phụ nữ độc thân trong khi các studio ảnh đưa ra những gói chụp riêng cô dâu mà không cần chú rể.
Độc thân khiến Shirota thảnh thơi đi du lịch, theo đuổi sở thích cá nhân. Cô đăng ký các lớp học làm đồ trang sức và học nhảy. Hè năm ngoái, cô từng đi thi nhảy và đưa mẹ du lịch Trung Quốc. Vài năm trước, cô tận hưởng chuyến du lịch xa xỉ trên du thuyền hạng sang Nữ hoàng Elizabeth.
Vài bữa trước, cô cùng 5 phụ nữ mải mê tập nhảy trong một studio ở trung tâm thương mại tại ngoại ô Tokyo. Sau giờ học, họ gọi trà, bánh ở nhà hàng phía dưới. Shirota rút điện thoại, khoe ảnh về chuyến đi mùa hè tới Ireland.
Một bạn cùng lớp là phụ nữ có chồng, mẹ của ba thiếu niên, hồi tưởng về chuyến du lịch gia đình nhiều năm trước, than thở đã lâu rồi không đi đâu vì chi phí cho 5 người quá đắt đỏ.
"Chúng tôi không cần dựa vào đàn ông nữa", Shirota nói.
Không chỉ phụ nữ, một bộ phận đàn ông Nhật cũng tránh kết hôn do tình hình kinh tế đi xuống. Quan niệm đấng mày râu phải là trụ cột gia đình khiến không ít đàn ông Nhật gặp áp lực. 20 năm trước, tỷ lệ nam giới 35-39 tuổi không kết hôn chưa tới 25%, đến nay đã lên hơn 30%.
"Ngày nay, lương của đàn ông không tăng, vì vậy họ không kiếm đủ tiền để nuôi gia đình", Kazuhisa Arakawa, giám đốc một công ty tiếp thị, người đã viết cuốn sách "Xã hội siêu độc thân" và "Sự trỗi dậy của kinh tế độc thân", nói. Arakawa cũng chưa kết hôn, cho hay nhiều nam đồng nghiệp luôn coi hôn nhân là trở ngại.
Theo James Raymo, giáo sư xã hội học tại Đại học Wisconsin-Madison, đàn ông Nhật Bản có xu hướng "trì hoãn kết hôn, đợi đến lúc có điều kiện thích hợp, nhưng rồi thời điểm đó không bao giờ đến và họ rơi vào tình trạng độc thân cả đời".
Ngoài ra, một số trường hợp ngần ngại lập gia đình vì đã tổn thương quá nhiều hoặc do không muốn có con.
Mộc Miên