Mới đây, tạp chí Journal of Water Sanitation and Hygiene for Development đã đăng bài nghiên cứu về vấn đề này tại đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam với tựa đề “Who is being left behind? An analysis of improved drinking water and basic sanitation access in the Vietnamese Mekong Delta”.
Một trong các mục tiêu phát triển lớn của Liên Hiệp Quốc là giúp dân số thế giới có thể tiếp cận với nguồn nước sạch và vệ sinh cơ bản một cách bền vững.
Nghiên cứu được thực hiện bởi sự hợp tác giữa hai nhà khoa học người Mỹ: Caitlin A. Grady (Pennsylvania State University), Ernest R. Blatchley (Purdue University) và hai nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm nghiên cứu phát triển nông thôn - Đại học An Giang: Nguyễn Văn Kiền và Nguyễn Văn Thái.
Nhóm nghiên cứu đã đánh giá sự ảnh hưởng của mùa lũ và nước biển dâng đến khu vực này và lựa chọn huyện An Phú, Tri Tôn (Tỉnh An Giang) và quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) làm đối tượng nghiên cứu chính.
Sau đó, nhóm đã khảo sát khoảng 300 hộ dân ở các tỉnh này. Kết quả cho thấy người dân trong ba khu vực đều khó tiếp cận với nước sạch so với mức trung bình ở Việt Nam. Điều này được cho rằng xuất phát từ thiết kế nhà ở tại các khu vực này gây khó khăn cho việc xây dựng hệ thống lọc nước và làm sạch. Bên cạnh đó, vị trí địa lí hay vai trò của giới tính cũng có những tác động đến việc tiếp cận nước sạch của các hộ gia đình.
Nghiên cứu chỉ ra rằng nước sạch và vệ sinh không có cùng các nhân tố ảnh hưởng, vì thế các phương án hỗ trợ nên cần được thiết kế cụ thể cho từng vấn đề.
Và một câu hỏi đặt ra là làm sao để tăng cường tiếp cận nước sạch bền vững?
Hiện, có 3 mô hình về quản lý khai thác nước sạch gồm: Mô hình trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; mô hình doanh nghiệp và mô hình cộng đồng UBND xã. Trong đó, có 43,5% dân số nông thôn được các công trình cấp nước tập trung cung cấp, còn lại 56,5% sử dụng nước từ công trình nhỏ lẻ.
Điều đáng nói là cả nước hiện có 16.342 công trình cấp nước tập trung, trong đó chỉ có 33,5% công trình bền vững, còn lại 37,5% hoạt động trung bình, 16.7% hoạt động kém hiệu quả và 12% không hoạt động. Cá biệt, vùng Tây Nguyên có tới 45,2% công trình cấp nước tập trung hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động, tiếp đó là miền núi phía Bắc với tỉ lệ 34,8% và đồng bằng sông Hồng là 18,1%.
Để đảm bảo mục tiêu cấp nước sạch nông thôn như đã đề ra, trong thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý và cơ chế chính sách cần tăng cường xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho việc cấp nước sạch nông thôn. Theo đó, Chính phủ cần có cơ chế để các ngân hàng thương mại cho phép các doanh nghiệp, tư nhân đầu tư với mức vay vốn ưu đãi.
Chính phủ cần đảm bảo tính công bằng để mọi người, kể cả những người nghèo nhất được tiếp cận nước sạch và kiểm soát chất lượng dịch vụ (chất lượng nước). Đồng thời, đảm bảo tính có thể chi trả được của dịch vụ và cạnh tranh công bằng trong việc cung cấp các dịch vụ tới người dân.
Uyển Mỹ (T/h)