(ĐS&PL) Toàn bộ hoặc phần lớn của khoản tiền 246 tỷ đồng từ hợp đồng hợp tác kinh doanh này của PROTRADE chính là tài sản của Nhà nước.
Như bài trước đã phân tích, Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (PROTRADE) là công ty nhà nước, sở hữu 100% trong thời điểm đầu tư để hình thành tài sản Khu đất 43ha. Do vậy, theo các chuyên gia về luật thì việc xác định tài sản này có phải là tài sản thuộc Nhà nước hay không và việc quản lý, sử dụng tài sản của PROTRADE chịu sự điều chỉnh của quy định nào là hết sức quan trọng.
Là tài sản của Nhà nước
Một luật sư tại TP.HCM phân tích: “Tại Điều 2, Nghị định 199 (có hiệu lực từ 28/12/2004 và hết hiệu lực từ 25/3/2009) và Điều 2, Nghị định 09 (có hiệu lực từ 25/3/2009) quy định vốn do Nhà nước đầu tư tại công ty Nhà nước có một cấu phần là vốn bổ sung từ lợi nhuận sau thuế. Điều 27 Nghị định 199 và Điều 27 Nghị định 09 quy định cơ chế phân phối lợi nhuận, trong đó có: lợi nhuận được phân phối theo tỷ lệ giữa vốn nhà nước đầu tư tại công ty và vốn công ty tự huy động bình quân trong năm”.
Toàn cảnh dự án 43ha có tên thương mại là Khu đô thị Mega City 3 - Tân Phú, phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương |
Cũng theo các quy định trên, vốn do công ty tự huy động là số tiền công ty huy động do phát hành trái phiếu, tín phiếu, vay của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trừ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ, Bộ Tài chính, các khoản vay được hỗ trợ lãi suất. Phần lợi nhuận được chia theo vốn nhà nước đầu tư được dùng để tái đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại công ty nhà nước. Lợi nhuận được chia theo vốn tự huy động được trích tối thiểu 30% vào quỹ đầu tư phát triển của công ty và Quỹ đầu tư phát triển là quỹ thuộc chủ sở hữu Nhà nước, dùng để tăng Vốn điều lệ, tức là 30% số lợi nhuận được chia theo vốn tự huy động cũng sẽ thuộc về Nhà nước.
Điều 2 Nghị định 199 và Điều 2 Nghị định 09 quy định tài sản của công ty nhà nước bao gồm: tài sản cố định (tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình, các khoản đầu tư tài chính dài hạn, chi phí xây dựng cơ bản dở dang và các khoản ký cược, ký quỹ dài hạn); tài sản lưu động (tiền, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, các khoản phải thu, hàng tồn kho, tài sản lưu động khác và chi sự nghiệp) mà công ty nhà nước có quyền chiếm hữu sử dụng và định đoạt theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, thực tế theo hồ sơ thì ngày 24/11/2004, PROTRADE ký Hợp đồng đền bù số 06/HĐ “Đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực” với Ban quản lý dự án khu liên hợp Công nghệ - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương và đã đền bù số tiền (chính xác) là 414.045.364.700 đồng.
Theo giải trình của PROTRADE (tại công văn số 113/TCTY-TCKT ngày 29/10/2018) thì nguồn vốn 414.045.364.700 đồng đền bù 567,32 ha đất (trong đó có Khu đất 43ha thuộc giao dịch chuyển nhượng) gồm có: 42,77 tỷ đồng vốn tự có (Đây là tài sản của Nhà nước), 246 tỷ đồng từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Hưng Vượng (120 tỷ đồng) từ năm 2004 và Công ty Phát triển (126 tỷ đồng) từ năm 2005.
Khoản tiền 246 tỷ đồng này sau đó đã được PROTRADE hoàn trả cho Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát triển vào năm 2009. Trong khi đó, PROTRADE chưa giải trình rõ là khoản tiền hoàn trả này được lấy từ đâu?.
Luật sư phân tích: Xét nguồn gốc của các khoản tiền được hoàn trả này: Nếu là lấy vốn tự có của PROTRADE thì có cơ sở để đánh giá 246 tỷ đồng là tài sản của Nhà nước. Nếu là lấy từ lợi nhuận để hoàn trả thì có cơ sở để đánh giá 246 tỷ đồng chủ yếu là tài sản của Nhà nước, vì: lợi nhuận phải dùng để chia cho vốn Nhà nước và vốn PROTRADE tự huy động theo tỷ lệ tương ứng trong tổng nguồn vốn của Công ty.
Do tỷ trọng vốn tự huy động rất thấp trong tổng nguồn vốn của PROTRADE, nên phần lớn lợi nhuận sẽ thuộc về Nhà nước. Đồng thời, tối thiểu 30% lợi nhuận được chia cho phần vốn tự huy động sẽ được trích lập Quỹ đầu tư phát triển của Công ty và Quỹ này được dùng để tăng vốn điều lệ của PROTRADE. Do vậy, phần lớn 246 tỷ đồng lợi nhuận này của PROTRADE là tài sản của Nhà nước.
Nếu PROTRADE hoặch toán vào chi phí, tức là lấy từ doanh thu để hoàn trả, mà doanh thu đó có được từ một hoặc một số hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, tức là doanh thu đó được tạo ra toàn bộ hoặc một phần từ việc sử dụng vốn và tài sản thuộc sở hữu Nhà nước tại PROTRADE thì toàn bộ hoặc một phần khoản tiền hoàn trả này cũng thuộc sở hữu Nhà nước. Do vậy, phần lớn 246 tỷ đồng chi phí này của PROTRADE là tài sản của Nhà nước.
Như vậy, không thể tách khoản tiền hoàn trả 246 tỷ đồng này trở thành nguồn vốn không liên quan đến sở hữu Nhà nước. Hay nói cách khác, theo quy định tại Nghị định 199 và Nghị đinh 09 thì toàn bộ hoặc phần lớn của khoản tiền 246 tỷ đồng từ hợp đồng hợp tác kinh doanh này của PROTRADE chính là tài sản của Nhà nước.
Có nguồn gốc liên quan đến sở hữu Nhà nước
Còn khoản tiền vay ngân hàng 125 tỷ đồng?. Cũng theo các chuyên gia về luật thì phải xét về nguồn tiền để trả khoản nợ vay ngân hàng 125 tỷ đồng này: Trong trường hợp PROTRADE sử dụng vốn tự huy động để trả trả khoản nợ vay ngân hàng 125 tỷ đồng này thì khoản tiền này không liên quan đến sở hữu Nhà nước.
Trong trường hợp PROTRADE hạch toán vào chi phí hoặc sử dụng doanh thu hoặc lợi nhuận thì tương tự như lập luận đối với khoản hoàn trả 246 tỷ nói trên, toàn bộ hoặc một phần khoản tiền 125 tỷ đồng dùng để trả nợ ngân hàng cũng thuộc sở hữu Nhà nước.
Vị trí được xem là đắc địa bậc nhất Bình Dương lại “bị” bán cho Kim Oanh với giá rất bèo |
Vì thế, không thể tách khoản tiền trả nợ vay ngân hàng 125 tỷ đồng này trở thành nguồn vốn không liên quan đến sở hữu Nhà nước. Hay nói cách khác, theo quy định tại Nghị định 199 và Nghị đinh 09 thì toàn bộ hoặc phần lớn của khoản tiền 125 tỷ đồng vay ngân hàng này của PROTRADE chính là tài sản của Nhà nước.
Bên cạnh việc thanh toán tiền đền bù 567,32 ha đất, PROTRADE còn thực hiện các khoản chi phí khác và nộp 5.010.760.813 đồng tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước để được Nhà nước giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Số tiền chi phí khác và 5.010.760.813 đồng nộp ngân sách này chưa được giải trình là lấy từ nguồn vốn nào để đánh giá nguồn gốc có liên quan đến sở hữu Nhà nước?.
Trong trường hợp PROTRADE hạch toán vào chi phí hoặc lấy từ doanh thu hoặc từ lợi nhuận hoặc dùng nguồn vốn tự có của Công ty để thực hiện các khoản chi phí khác và nộp ngân sách Nhà nước nêu trên, thì theo quy định tại Nghị định 199 và Nghị đinh 09 là có căn cứ để cho rằng số tiền đó có nguồn gốc liên quan đến sở hữu Nhà nước.
Trong khi đó, văn bản (số 3289/STC-TCDN ngày 21/12/2016) của Sở Tài chính tỉnh Bình Dương xác nhận: số tiền 5.010.760.813 đồng mà PROTRADE đã nộp vào ngân sách Nhà nước để được giao quyền sử dụng Khu đất 43ha không có nguồn gốc từ ngân sách, do không nằm trong quy định:
Theo luật sư thì: Số tiền sử dụng đất mà PROTRADE nộp ngân sách Nhà nước để được giao quyền sử dụng 540,9 ha đất là 5.010.760.813 đồng, tức là số tiền sử dụng đất nộp ngân sách Nhà nước để được giao quyền sử dụng Khu đất 43ha vào khoảng 399 triệu đồng.
Còn theo Hợp đồng đền bù số 06/HĐ 24/11/2004 thì mỗi ha đất có giá trị đền bù là 700 triệu đồng, Khu đất 43ha phải có giá trị đền bù là 30,1 tỷ đồng. Như vậy, số tiền 399 triệu đồng (nằm trong số tiền 5,01 tỷ đồng nộp vào ngân sách Nhà nước mà Sở Tài chính xác nhận) cũng chỉ bằng 1,33% số tiền đền bù và chiếm 1,31% trong tổng số tiền mà PROTRADE đã chi trả và nộp ngân sách để được giao quyền sử dụng Khu đất 43ha.
Như trên đã phân tích, nếu PROTRADE hạch toán vào chi phí hoặc lấy từ doanh thu hoặc từ lợi nhuận hoặc dùng nguồn vốn tự có của Công ty để nộp ngân sách Nhà nước 399 triệu đồng nêu trên, thì có căn cứ theo quy định tại Nghị định 199 và Nghị đinh 09 để cho rằng số tiền đó có nguồn gốc liên quan đến sở hữu Nhà nước.
Do đó, văn bản của Sở Tài chính tỉnh Bình Dương không có giá trị pháp lý để xác nhận hoặc chứng minh cho việc Khu đất 43ha không phải được hình thành từ nguồn tiền là nguồn vốn của Nhà nước và liên quan đến sở hữu Nhà nước.
Như vậy, có cơ sở pháp lý và thực tế để cho rằng: trong 414 tỷ đồng mà Công ty Bình Dương đền bù 567,32 ha đất có tới khoảng 288,77 tỷ đồng (42,77 tỷ đồng vốn tự có và 246 tỷ đồng được hoàn trả từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh) - chiếm 70% tổng vốn đầu tư là nguồn vốn của Nhà nước và 125 tỷ đồng – chiếm 30% còn lại cũng có nguồn gốc liên quan đến sở hữu Nhà nước.
Nếu là tài sản nhà nước thì việc chuyển nhượng 43ha đất sẽ như thế nào, có cần đấu giá hay không? PV sẽ tiếp tục thông tin ở bài sau.
Theo phununews.vn