+Aa-
    Zalo

    Bài 2: “Chảy máu” đất vàng, 4 lô đất bỏ ngoài sổ sách của UDIC và Xuất nhập khẩu Hồng Hà

    • DSPL

    (ĐS&PL) - 4 lô đất có diện tích gần 4,3ha được giao cho UDIC quản lý, Xuất nhập khẩu Hồng Hà là đơn vị sử dụng, song giá trị của các lô đất này thì không được sổ sách nào ghi nhận.

    4 lô đất có diện tích gần 4,3ha được giao cho UDIC quản lý, Xuất nhập khẩu Hồng Hà là đơn vị sử dụng, song giá trị của các lô đất này thì không được sổ sách nào ghi nhận. Trong khi, đơn vị sử dụng đất vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước đã vội đem đất vàng cho doanh nghiệp khác sử dụng.

    4 lô đất vàng “vô giá trị”

    Công ty vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà (gọi tắt là Xuất nhập khẩu Hồng Hà) trước đây vốn là công ty con của Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC).

    Tháng 12/2004, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 9279/QĐ-UB về việc phê duyệt giá trị doanh nghiệp và cổ phần hóa Xuất nhập khẩu Hồng Hà.

    Sau cổ phần hóa, UDIC vẫn nắm 32% vốn điều lệ tại Xuất nhập khẩu Hồng Hà, đồng thời cử đại diện tham gia HĐQT của công ty này.

    Được giao quản lý sử dụng nhiều đất vàng, Xuất nhập khẩu Hồng Hà liên tục kinh doanh thua lỗ, nợ tiền sử dụng đất

    Có một điểm đáng lưu ý trong phương án cổ phần hóa đó là 4 lô đất tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình), phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), phường Bạch Đằng (quận Hai bà Trưng) và phường Thượng Thanh (quận Long Biên) có diện tích gần 4,3ha vốn được UBND TP Hà Nội giao cho Xuất nhập khẩu Hồng Hà quản lý, sử dụng có nộp tiền sử dụng đất hàng năm từ năm 1996, và có thời hạn 20 năm.

    Thế nhưng, khi cổ phần hóa giá trị trên đất của 4 lô đất trên thì được tính vào giá trị doanh nghiệp của Xuất nhập khẩu Hồng Hà, trong khi UDIC lại được giao làm đơn vị quản lý. Để rồi, 4 lô đất này lại được giao trở lại cho Xuất nhập khẩu Hồng Hà tạm sử dụng.

    UDIC chỉ có cái mác quản lý 4 lô đất vàng vốn do Xuất nhập khẩu Hồng Hà sử dụng, thế nên giá trị 4 lô đất này không được UDIC tính vào giá trị doanh nghiệp. Trong khi Xuất nhập khẩu Hồng Hà cũng bỏ ngoài sổ sách giá trị của 4 lô đất rộng gần 4,3ha.

    4,3ha đất giữa lòng Thủ đô với giá trị rất lớn nhưng lại không được sổ sách nào ghi nhận một cách khá lạ lùng.

    Đất vàng “chảy máu”

    Được giao tạm sử dụng 4 lô đất, song những năm qua Xuất nhập khẩu Hồng Hà lại không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước.

    Theo thông báo số 7239 của Chi cục thuế quận Ba Đình, số tiền nợ thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp của Xuất nhập khẩu Hồng Hà là hơn 31 tỷ đồng.

    Trong một diễn biến khác, ngày 10/11/2015, Cục thuế TP Hà Nội đã ra quyết định về việc áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn của Xuất nhập khẩu Hồng Hà không còn giá trị sử dụng. Quyết định này có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm (tính từ 13/11/2015 đến 12/11/2016).

    Việc hóa đơn không còn giá trị sử dụng sẽ khiến Xuất nhập khẩu Hồng Hà không thể xuất hóa đơn cho đối tác ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh.

    Theo Báo cáo tài chính năm 2016 được Xuất nhập khẩu Hồng Hà công bố, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 28,364 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lên đến hơn 38,183 tỷ đồng cùng chi phí lãi vay hơn 2 tỷ đồng khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp âm hơn 18,5 tỷ đồng.

    So với năm 2015 thì đây có thể coi là “thảm họa” của Xuất nhập khẩu Hồng Hà (năm 2015 lãi 157 triệu đồng).

    Tháng 6/2017 Xuất nhập khẩu Hồng Hà và Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Bắc Chương Dương (Bắc Chương Dương) ký hợp đồng hợp tác kinh doanh 06. Theo hợp đồng này, hai bên thống nhất lập pháp nhân mới để quản lý, kinh doanh 4 lô đất trên.

    Theo hợp đồng 06, Xuất nhập khẩu Hồng Hà sẽ hưởng cổ tức cố định là 2,5 tỷ đồng/năm, trong thời hạn 6 năm. Đồng thời, công ty này cũng có trách nhiệm báo cáo với UDIC để Tổng công ty ủng hộ bằng văn bản và báo cáo UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương.

    Để rồi, tháng 5/2018, Xuất nhập khẩu Hồng Hà cùng Bắc Chương Dương thành lập pháp nhân mới với tên gọi Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Tân Hồng Hà (Tân Hồng Hà). Công ty này có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, theo đăng ký Xuất nhập khẩu Hồng Hà nắm 20% vốn điều lệ, Bắc Chương Dương nắm 70% vốn điều lệ và cá nhân Nguyễn Thái An giữ 10% còn lại.

    Điều đáng nói, Tân Hồng Hà là công ty con của Bắc Chương Dương (tỷ lệ sở hữu đến 80%) thì việc chuyển 4,3ha đất của nhà nước giao cho Xuất nhập khẩu Hồng Hà tạm quản lý và sử dụng lại đươc gián tiếp chuyển cho tư nhân có hợp pháp?

    Theo tài liệu của PV, dưới sự quản lý của Tân Hồng Hà, mỗi m2 đất tại số 33 Tân Ấp mỗi tháng có giá thuê là 80.000 đồng và sau đó tăng lên 115.000 đồng. Chỉ làm một phép tính đơn giản có thể thấy, với hơn 15.000m2 đất số 33 Tân Ấp mỗi năm tiền cho thuê cũng có thể thu về khoảng 20 tỷ đồng.

    Với 4 lô đất gần 4,3ha được giao cho Xuất nhập khẩu Hồng Hà sử dụng có thể thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Thế nhưng, với việc thành lập pháp nhân mới là Tân Hồng Hà rồi chuyển quyền sử dụng đất, mỗi năm Xuất nhập khẩu Hồng Hà chỉ nhận về 2,5 tỷ đồng. Vậy hàng chục tỷ đồng khác đi về đâu? Trong khi tiền sử dụng đất vẫn còn nợ nhà nước?

    Hà Nội quyết giao 4 lô đất cho Xuất nhập khẩu Hồng Hà

    Dù kinh doanh thua lỗ, nợ tiền sử dụng đất hàng chục tỷ đồng và thời hạn thuê đất đã hết, song Hà Nội vẫn “quyết tâm” giao 4 lô đất vàng cho Xuất nhập khẩu Hồng Hà.

    Cụ thể, tháng 6/2018, UBND TP Hà Nội có quyết định số 2736 về phương án xử lý đối với 4 lô đất vàng trên.

    Theo đó, không giao UDIC quản lý như quy định tại Điểm 2, khoản4, Điều 1 Quyết định số 9279/QĐ-UB ngày 20/12/2004 của UBND thành phố. Giao Xuất nhập khẩu Hồng Hà tạm thời quản lý và sử dụng để làm cơ sở sản xuất kinh doanh.

    Cũng theo Quyết định 2736, Xuất nhập khẩu Hồng Hà có trách nhiệm liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan để hoàn thiện các thủ tục về đất, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

    Trong khi trước đó, ngày 21/12/2016, Kiểm toán Nhà nước có công văn số 624/KTNN-TH về việc gửi báo cáo kiểm toán và công văn số 626/KTNN-TH về việc thông báo kiến nghị kiểm toán tại UDIC. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị UBND TP Hà Nội thu hồi gần 4,3ha đất của Xuất nhập khẩu Hồng Hà để giao cho UDIC quản lý.

    Để rồi sau đó, UBND TP Hà Nội kiến nghị Kiểm toán Nhà nước loại bỏ kiến nghị thu hồi 4,3ha đất của Xuất nhập khẩu Hồng Hà. Khi được sự thống nhất của Kiểm toán Nhà nước, UBND thành phố sẽ ban hành quyết định  điều chỉnh Điểm 2, khoản4, Điều 1 Quyết định số 9279/QĐ-UB ngày 20/12/2004 về việc phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa Xuất nhập khẩu Hồng Hà.

    Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là nếu điều chỉnh thì giá trị 4 lô đất vàng có được tính lại vào giá trị doanh nghiệp của Xuất nhập khẩu Hồng Hà? Giá trị của 4 lô đất này là rất lớn, nếu tính lại thì giá trị của Xuất nhập khẩu Hồng Hà sẽ lớn hơn nhiều lần so với thời điểm 2004. Phần chênh lệch sẽ được xử lý như thế nào?

    Tạp chí Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc…

    PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-2-chay-mau-dat-vang-4-lo-dat-bo-ngoai-so-sach-cua-udic-va-xuat-nhap-khau-hong-ha-a322232.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan