+Aa-
    Zalo

    Bài 1: Dịch vụ làm đẹp, spa, thẩm mỹ: Canh bạc... hên xui!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều người tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ, mục đích là để trở nên đẹp và tự tin hơn. Thế nhưng, không phải giấc mơ về cái đẹp nào cũng trở thành hiện thực...

    Nhiều người tìm đến các dịch vụ làm đẹp, spa, phẫu thuật thẩm mỹ, mục đích là để trở nên đẹp và tự tin hơn. Thế nhưng không phải giấc mơ về cái đẹp nào cũng trở thành hiện thực với tất cả mọi người. Đôi khi, nó biến thành một cơn ác mộng kinh hoàng, dai dẳng. 

    Bỏ tiền mua...bực mình

    Phẫu thuật thẩm mỹ vẫn được xem là con dao hai lưỡi, bởi cùng lựa chọn nhưng với người này nó như canh bạc thua trắng, với người kia như đôi cánh nâng đỡ cuộc đời.Thậm chí, có người đổ tiền phẫu thuật xong thì lại làm mọi cách để được trở lại bản dạng ban đầu trước khi chỉnh sửa.

    Cách đây chưa lâu, dư luận xã hội một phen xôn xao khi một phụ nữ 36 tuổi ở Hoàn Kiếm, Hà Nội chi tới 13.000 USD (~290 triệu đồng) để phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ Kim Cương A&B nhưng lại bị tụ máu, sưng tấy có nguy cơ biến chứng.

    Cụ thể, ngày 5/5/2017, chị Ngô Ngọc L. đến bệnh viện thẩm mỹ Kim Cương A&B tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi và nâng ngực.Ngày 13/5, chị L. được bệnh viện tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ. Gần 10 ngày sau phẫu thuật, ngực chị L. xuất hiện tình trạng bầm dập, vết mổ chảy máu.

    Mong muốn có được diện mạo mới sau phẫu thuật, song nhiều người phải ân hận với quyết định của bản thân. (Ảnh minh họa)

    Ngay khi xảy ra hiện tượng trên, chị L. đã nhờ luật sư vào cuộc để khởi kiện Bệnh viện thẩm mỹ viện Kim Cương A&B. Hiện tại, câu chuyện về sự việc này vẫn chưa đi đến hồi kết. Song, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội bắt tay vào cuộc để kiểm tra, xác minh làm rõ vụ việc. Đến nay sự việc này lỗi về bên nào vẫn chưa ngã mũ vì chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan quản lý song người chịu thiệt trước hết không ai ngoài chị L .

    Trước sự việc của chị L., đã có rất nhiều các vụ “dao kéo hỏng” xảy ra tương tự, khiến dư luận xôn xao.Như vụ việc xảy ra vào cuối tháng 4/2016. Một cô gái 23 tuổi bị hoại tử môi do làm đẹp ở một tiệm spa trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Theo chia sẻ của cô gái, cô tiêm filler (chất làm đầy) vào ngày 28/4 và chỉ 3 tuần sau, môi bắt đầu xuất hiện những biểu hiện bất thường, nổi nốt sùi trắng.

    Đến đầu tháng 7/2016, cô gái phải cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba trong tình trạng sốt cao, co giật, môi dưới sưng và có dấu hiệu lở loét. Tại đây, các bác sĩ đã chỉ định rạch môi hút hết dịch mủ. Song, tình trạng của cô gái còn nghiêm trọng hơn khi các bác sĩ điều trị cho biết, với tình trạng này bệnh nhân có khả năng phải cắt bỏ môi dưới.

    Khi tiền mất… tật mang

    Chúng ta vẫn chưa quên được, tháng 11/2016 một đoạn video quay cận cảnh mũi của một người phụ nữ chảy mủ sau khi tiêm filler nâng mũi khiến nhiều người không khỏi rùng mình. Cụ thể, một tài khoản facebook cá nhân có tên T.P cho đăng tải dòng chia sẻ cảnh báo với nội dung: “Bạn nào có ý định tiêm filler thì ngưng đi nhé. Có tiền thì đi làm thật luôn, đừng dại tiền mất tật mang. Tiêm ở chỗ bạn bè uy tín mà còn như này. Bạn tớ tiêm là 9 triệu cái mũi này nên đừng ai nói là "Ham rẻ". Tiêm được hơn 4 tháng rồi mà tự dưng bị sưng, mưng mủ rồi cứ tự chảy ra. Giờ vừa sưng cả mặt, vừa buốt, vừa tức vừa bực."

    Theo như chia sẻ của T.P, một người bạn của cô sau khi tiêm filler nâng mũi được hơn 4 tháng tự dưng bị sưng, mưng mủ rồi dịch cứ tự chảy ra. Thậm chí, cô gái này còn tự dùng tay nặn được chất dịch chảy ra khỏi mũi. Chỉ thời gian ngắn sau đó, mũi của cô bạn T.P bị đau buốt, khiến toàn bộ khuôn mặt bị sưng đỏ, đau đớn.

    Những trường hợp biến chứng trong thẩm mỹ không phải hiểm gặp. (Ảnh minh họa)

    Nói về trường hợp này, Đại tá – Tiến sĩ Nguyễn Huy Thọ, Nguyên chủ nhiệm khoa Phẫu thuật hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện TW Quân đội 108 cho biết: "Đối với trường hợp này, sau một thời gian dài mới bị mưng mủ, chúng tôi gọi là nhiễm trùng muộn, nguyên nhân có thể do vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào. Hoặc do bản thân chất làm đầy filler tiêm vào mũi, gây ra viêm mãn, rồi đến một ngày có một yếu tố thuận lợi nào đó kết hợp sẽ dẫn đến tình trạng viêm hóa mủ".

    Đây không phải là trường hợp đầu tiên bị biến chứng do tiêm chất làm đầy filler để nâng mũi. Thậm chí, có trường hợp còn bị biến chứng nghiêm trọng hơn như sưng đau vón cục, nhiễm trùng chảy mủ và máu...

    Trên đây chỉ là một vài trong nhiều trường hợp biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ. Cho dù, thẩm mỹ vốn không xấu, ở một số nước phát triển, việc dao kéo cũng không nghiêm trọng hơn việc ra cửa hàng làm tóc hay móng song chính sự không biết điểm dừng cũng như thiếu tìm hiểu kỹ càng của một bộ phận người thích làm đẹp đã tạo ra điểm yếu để những cơ sở làm đẹp chưa được thẩm định chất lượng khai thác, bằng những chiêu trò quảng cáo mời gọi “đường mật”.

    Một khi đã quyết định thẩm mỹ, những người này tự đặt sắc đẹp của mình trở thành canh bạc và khi đó, sẽ có người cười, có người phải khóc. (Còn nữa)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-1-dich-vu-lam-dep-spa-tham-my-canh-bac-hen-xui-a195330.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan