Sau gần 9 tháng thi công, cầu Yên Hòa nối quận Cầu Giấy và quận Đống Đa đã đi vào phục vụ người dân đi lại. Nhiều người dân phấn khởi khi giao thông nối 2 quận diễn ra thuận lợi hơn.
Cầu Yên Hòa cũ được xây dựng từ năm 1993, có chiều dài 30m, chiều rộng 6,5m, bắc qua sông Tô Lịch, kết nối đường Láng (quận Đống Đa) và đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy). Cây cầu sau gần 30 năm xây dựng đã xuống cấp, không còn phù hợp để phục vu nhu cầu đi lại của người dân.
Theo báo Kinh tế & Đô thị, dự án xây mới cầu Yên Hòa mới do ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội làm chủ đầu tư, được UBND TP.Hà Nội duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tháng 10/2019.
Theo thông tin chia sẻ trên mạng xã hội, tổng mức đầu tư xây dựng mới cầu Yên Hòa là gần 38 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trao đổi với Tri thức trực tuyến, cán bộ của ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội phụ trách quản lý dự án cầu Yên Hòa cho biết, giá tổng mức đầu tư thực tế của công trình cầu Yên Hòa là 27,9 tỷ đồng.
Trong đó, chi phí xây lắp là 23,5 tỷ đồng, chi phí tư vấn là 1,6 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án là 531 triệu đồng, chi phí dự phòng là 1,3 tỷ đồng và chi phí khác là 850 triệu đồng.
Giải thích về con số 38 tỷ đồng đang lan truyền trên mạng xã hội, vị này cho biết đó là mức khái toán ban đầu của dự án. Chi phí thi công thực tế đã giảm xuống do nhiều yếu tố, trong đó có việc đấu thầu chọn được đơn vị xây lắp với mức giá thấp.
Được biết, cầu Yên Hòa mới cũng nằm trong danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2021 của Hà Nội.
Việc xây mới cầu Yên Hòa không phải là dự án quy mô lớn của Hà Nội, tuy nhiên, công trình này lại có vai trò quan trọng, liên quan đến dự án mở rộng ngõ 381 Nguyễn Khang - dự án kết nối ba tuyến đường vành đai của Thủ đô.
Việt Hương (T/h)