+Aa-
    Zalo

    Bác sĩ vừa xin nghỉ việc ở Bệnh viện Bạch Mai: "Phải chuyển đi tôi rất buồn"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - "Phải chuyển đi tôi rất buồn và trăn trở, tôi nghĩ không chỉ riêng mình mà nhiều bác sĩ khác khi nghỉ việc cũng đều có cảm xúc như vậy”, bác sĩ T. chia sẻ.

    "Phải chuyển đi tôi rất buồn và trăn trở, tôi nghĩ không chỉ riêng mình mà nhiều bác sĩ khác khi nghỉ việc cũng đều có cảm xúc như vậy”, bác sĩ T. là 1 trong số 221 người vừa xin nghỉ việc tại Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

    Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: VTC News

    Trao đổi trên VTC News, bác sĩ L.V.T. là 1 trong số 221 người vừa xin nghỉ việc tại Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: "Phải chuyển đi tôi rất buồn và trăn trở, tôi nghĩ không chỉ riêng mình mà nhiều bác sĩ khác khi nghỉ việc cũng đều có cảm xúc như vậy".

    Ông T. từng công tác, làm việc tại khoa Ung bướu của Bệnh viện Bạch Mai. Bạch Mai là nơi ông T. gắn bó từ rất lâu, ngay từ khi vừa tốt nghiệp đại học. Xin nghỉ, ông nói bản thân rất buồn và mang trăn trở.

    Theo ông T., Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối, đơn vị chủ lực trong hoạt động khám chữa bệnh của ngành y tế mà ai, bác sĩ nào cũng mong được làm việc và cống hiến. “Tôi cũng vậy. Bao năm cống hiến cho bệnh viện nay dù sắp đến tuổi nghỉ chế độ, hưu trí mà phải chuyển đi tôi rất buồn", ông T. xúc động nói.

    Một bác sĩ khác cũng mới quyết định nghỉ việc vài tháng qua ở Bạch Mai sau hơn 20 năm gắn bó cũng chia sẻ trên Dân trí, lý do nghỉ việc của anh chỉ là không thấy còn phù hợp.

    "Với tôi, khi làm một bác sĩ là làm vì nghề, vì học trò, vì tuyến dưới. Giờ có những thay đổi trong quản lý thấy không còn khả năng thực hiện những điều đó nữa, nên tôi xin nghỉ", bác sĩ này chia sẻ.

    Theo anh, việc bệnh viện công quản lý theo mô hình doanh nghiệp không phù hợp. Không nói mức chi trả thu nhập như viện công, mà việc báo cáo, kiểm điểm cuối tuần... không mang tính xây dựng mà có tính cá nhân, sát phạt nhau.

    "Khi tôi nghỉ, nhiều em muốn xin nghỉ cùng nhưng tôi khuyên người ta ở lại. Vì tôi nghĩ sẽ có thay đổi không thể mãi thế được. Bản thân tôi cũng không muốn nghỉ, tôi muốn làm đúng công việc chuyên môn, phù hợp nghề nghiệp, chỉ làm bác sĩ thôi, làm vì nghề, vì học trò, không cần là lãnh đạo nhưng không được đồng ý. Vì thấy không phù hợp nữa nên tôi nghỉ", Dân trí dẫn lời bác sĩ này cho biết.

    Theo Tuổi Trẻ Online, gia đình chị N.T.T. hiện sống ở phố Phương Mai, Hà Nội, chồng chị là nhân viên của đơn vị dịch vụ Bệnh viện Bạch Mai và đã làm việc tại đây từ năm 2004, đến lúc bị nghỉ việc năm 2020 là có 16 năm làm việc tại bệnh viện.

    "Chồng tôi phải nghỉ việc từ tháng 5/2020, khi nghỉ được hỗ trợ 3 tháng lương và chỉ được thông báo trước khi nghỉ mấy ngày. Đúng lúc dịch bệnh như thế, thu nhập đã kém, xin việc cũng không có, đang làm hàng chục năm tự nhiên mất việc nên có người trầm cảm.

    Hôm thông báo nghỉ, bệnh viện bảo mặc đồng phục sang, ban đầu háo hức lắm vì nghĩ làm lâu năm nên yên tâm, nhưng chồng tôi về nằm vật ra giường nói "nghỉ hết rồi", 40 tuổi rồi" - Tuổi Trẻ Online dẫn lời chị T. kể.

    Sáng 14/4, trao đổi trên Tri thức trực tuyến, ông Nguyễn Tuấn Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, bộ Y tế, cho biết cơ quan này đã nhận được báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) về việc hơn 221 cán bộ xin thôi việc và chuyển công tác.

    Theo báo cáo do ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai ký, đây là số lượng nhân viên xin thôi việc và chuyển công tác từ tháng 2/2020 đến cuối tháng 3.

    Về nguyên nhân của tình trạng này, lãnh đạo bệnh viện cho rằng giai đoạn đầu thực hiện đề án thí điểm tự chủ (2020-2021), bệnh viện gặp nhiều khó khăn về tổ chức bộ máy, quy chế hoạt động, tác động của dịch Covid-19 và đặc biệt là khó khăn về nguồn tài chính.

    Tổng doanh thu của Bệnh viện Bạch Mai năm 2020 giảm gần 2.000 tỷ đồng (tương đương 26%). Bệnh viện đã áp dụng mọi chính sách hỗ trợ cán bộ, viên chức để bình ổn thu nhập. Tuy nhiên, tình hình không được cải thiện.

    Để phù hợp với cơ chế tự chủ, bệnh viện đã triển khai sắp xếp, tổ chức lại bộ máy đảm bảo tinh gọn hơn, rà soát vị trí việc làm, tinh giản lao động không cần thiết, bố trí lại lao động phù hợp với trình độ, năng lực và vị trí việc làm. Đặc biệt, bệnh viện đã giải thể những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ không còn phù hợp với sự phát triển của đơn vị trong giai đoạn hiện nay.

    Cụ thể, bệnh viện đã giải thể các dịch vụ miễn phí cho người bệnh như nước uống, xe vận chuyển, tang lễ... Qua đó, 62 lao động phổ thông đã bị tinh giản. Hệ thống gồm 10 nhà thuốc hoạt động độc lập nay được sáp nhập vào khoa Dược và tinh gọn thành 5 nhà thuốc. Bệnh viện tinh giản thêm 51 lao động có trình độ Trung cấp, Cao đẳng.

    Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết hiện nay, y tế tư nhân quy mô vừa và nhỏ ngày càng phát triển nhanh, mạnh với những chính sách hấp dẫn, thu hút nhân lực chất lượng cao. Điều này dẫn đến tình trạng chuyển dịch lao động từ khu vực công lập sang khu vực tư nhân.

    "Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị sự nghiệp công lập đang trong quá trình thí điểm theo cơ chế tự chủ toàn diện song chưa hoàn thiện nên cũng nằm trong tác động chung của sự chuyển dịch đó", ông Nguyễn Quang Tuấn nêu trong báo cáo.

    Vì vậy, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai kiến nghị bộ Y tế sớm ban hành giá trần dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu. Bệnh viện được thu giá dịch vụ y tế theo đúng nguyên tắc tính đúng, tính đủ và có tích lũy để tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viện triển khai các hoạt động theo cơ chế tự chủ, đặc biệt là các quyết sách liên quan phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chế độ chính sách đãi ngộ khuyến khích người lao động.

    Cự Giải(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bac-si-vua-xin-nghi-viec-o-benh-vien-bach-mai-phai-chuyen-di-toi-rat-buon-a362559.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan