Theo Korea Herald, một số bác sĩ nội trú trẻ ở Hàn Quốc dự tính chuyển hướng sang da liễu thẩm mỹ hoặc theo đuổi sự nghiệp ở nước ngoài, trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa chính phủ và cộng đồng y tế về kế hoạch tăng chỉ tiêu sinh viên y khoa bắt đầu từ năm 2025.
Một bác sĩ trẻ làm việc trong lĩnh vực y tế thiết yếu chia sẻ, gần đây anh đã tham dự một hội nghị về chăm sóc da và phẫu thuật thẩm mỹ do Học viện Da liễu thẩm mỹ và Phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc tổ chức. Được biết, anh là một trong số khoảng 500 bác sĩ nghỉ việc vào tháng 2/2024.
“Thật buồn khi thấy những người từng đam mê một trong những lĩnh vực cần thiết nhất trong ngành y tế đang dần chuyển hướng sang xây dựng sự nghiệp trong ngành làm đẹp”, bác sĩ này nói.
Điều đó dấy lên mối lo ngại rằng các bác sĩ trẻ đầy tham vọng có thể đổ xô đến các phòng khám da liễu thẩm mỹ hoặc y học thẩm mỹ giữa lúc Hàn Quốc đang thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu.
Hiện tại, những người vượt qua kỳ thi cấp giấy phép y tế của Hàn Quốc có thể ngay lập tức hành nghề y với tư các là bác sĩ đa khoa mà không cần phải trả qua nhiều năm đào tạo.
Theo Học viện Da liễu thẩm mỹ và Phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc, các bác sĩ da liễu thẩm mỹ tư nhân thường tham sự kiện do họ tổ chức để nhận các khóa học thẩm mỹ. Sự kiện năm nay ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số lượng bác sĩ trẻ so với các năm trước.
Bác sĩ trẻ nói trên từ chối chia sẻ thêm về các bài giảng và gian hàng mà anh và những người khác đến thăm do những điều bất lợi và bất tiên mà anh có thể gặp phải sau khi nghỉ việc tại bệnh viện. Được biết, có khoảng 80 gian hàng cung cấp các bài giảng, kỹ thuật y học thẩm mỹ tại sự kiện này.
Theo ý kiến của vị bác sĩ trẻ, sự quan tâm ngày càng tăng đối với điều trị da liễu thẩm mỹ chỉ là một hiện tượng tạm thời. “Tôi nghĩ nhiều bác sĩ trẻ cuối cùng sẽ trở lại nơi họ thuộc về sau khi tình hình bế tắc được giải quyết, bởi lĩnh vực y tế thiết yếu là một lĩnh vực cạnh tranh trong ngành y tế, chưa kể một khoản thu nhập nhất định sẽ được đảm bảo nếu bạn hoàn thành những năm đào tạo nghiêm ngặt”, anh giải thích.
Trong khi đó, một bác sĩ trẻ khác đã nghỉ việc tại bệnh viện đại học cho hay, bên cạnh những chuyên ngành đó, một số bác sĩ lại có kế hoạch theo đuổi sự nghiệp ở nước ngoài, hướng đến điều kiện làm việc và mức lương tốt hơn so với nơi họ làm việc trước đây. Vị bác sĩ tiết lộ những người đang muốn chuyển ra nước ngoài đang chuẩn bị cho cuộc kiểm tra y tế ở Mỹ và Nhật Bản.
Theo các nhà quan sát, nhiều người đang tìm kiếm điều kiện làm việc tốt hơn, cũng như sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Ví dụ, về điều kiện làm việc, các ca đơn của bác sĩ nội trú ở Mỹ thường kéo dài 24 giờ và họ phải làm việc 80 giờ/tuần.
Trong khi đó, một bác sĩ nội trú tại Hàn Quốc có thể phải làm việc liên tục tới 36 giờ, tham gia các chương trình đào tạo trong 40 giờ liên tục trong trường hợp khẩn cấp theo Đạo luật Cải thiện Điều kiện và Tình trạng Đào tạo của bác sĩ nội trú.
Theo luật, thời gian làm việc của các bác sĩ nội trú ở Hàn Quốc là 88 giờ/tuần. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít bác sĩ đã làm việc nhiều hơn số giờ đó, thậm chí một số người cho hay họ đã làm 126 giờ/tuần mà không nhận được tiền làm thêm tương xứng.
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Hàn Quốc cho thấy mức lương trung bình hàng năm vào năm 2020 của các bác sĩ nội trú là 72,8 triệu won (tương tương 53.624,04 USD). Trong khi đó, theo trang web Glassdoor, ước tính mức lương trung bình hàng năm của bác sĩ nội trú tại Mỹ là 88.761 USD/năm.
Korea Herald đưa tin, các sinh viên y khoa cũng đang có dấu hiệu muốn ra nước ngoài để đào tạo sau đại học. Hồi tháng 4/2024, To Be Doctor - tổ chức gồm các sinh viên y khoa đã thực hiện một cuộc khảo sát, với 859 sinh viên tham gia.
Kết quả cho thấy khoảng 41,3% số sinh viên được hỏi bày tỏ mong muốn được ra nước ngoài để đào tại nội trú, trong đó Mỹ là điểm đến ưa thích nhất. Hầu hết đều cho biết, việc được đối tãi tốt hơn ở nơi làm việc và mức lương cao hơn là lý do khiến các bác sĩ trẻ Hàn Quốc muốn được đào tạo ở nước ngoài.