Một bác sĩ Nhi khoa đã sửng sốt khi chứng kiến một người mẹ nói với người bán thuốc Tây: "Chị ơi, con em nó sốt quá. Chị bán cho em 2 ngày thuốc sốt".
Bác sĩ Nhi khoa giật mình khi nghe một cuộc hội thoại kê toa tại hiệu thuốc Tây. - Ảnh: Gia đình mới. |
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang - ĐH Y dược TP.HCM đã giật mình khi nghe một cuộc hội thoại kê toa tại hiệu thuốc Tây.
Bác sĩ Sang kể: “Trong một lần ra hiệu thuốc Tây mua viên ngậm ho, tôi thấy một người phụ nữ bán vé số tay bế theo một em bé vào hiệu thuốc và nói với người bán thuốc: "Chị ơi, con em nó sốt quá. Chị bán cho em 2 ngày thuốc sốt".
Ngay lập tức, người bán thuốc hỏi lại người mẹ:
- Chủ hiệu thuốc: "Có ho không ?"
- Người mẹ: "Dạ có"
- Chủ hiệu thuốc: "Có sổ mũi không ?"
- Người mẹ: "Dạ có"
- Chủ hiệu thuốc: "Có tiêu chảy không ?"
- Người mẹ: "Hôm nay đi ra bọt 4 lần rồi"
- Chủ hiệu thuốc: "Còn gì nữa không ?"
- Người mẹ: "Dạ bé mệt nhiều nên chị cho thuốc gì mạnh mạnh chút nha chị".
Bác sĩ Sang cho biết, cứ mỗi câu trả lời của người mẹ bán vé số là một loại thuốc được lấy ra bỏ vào bịch, ngó sang toàn là kháng sinh, kháng viêm và có cả Smecta cầm tiêu chảy…
“Thực sự tôi quá kinh hãi. Không một động tác khám, cũng không vạch khăn ra xem đứa bé thế nào. Chỉ hỏi, hỏi và lấy thuốc… Tổng cộng gói thuốc của bé là 117 nghìn đồng.
Tôi đợi người mẹ xách bịch thuốc ra 1 góc vỉa hè đang ngồi soạn thuốc cho bé uống. Tôi lại gần 2 mẹ con, khuyên chị đừng vội cho con uống chỗ thuốc này và hãy mang bé vào viện để tôi nhờ người thăm khám lại cho bé” – Bác sĩ Sang kể lại.
Sau khi dẫn 2 mẹ con chị bán vé số vào viện, bác sĩ Sang đã nhờ đồng nghiệp làm xét nghiệm máu và chụp phim phổi cho bé.
“Khám hết toàn diện cho bé, kết hợp với xét nghiệm máu, phim XQ, tôi nhận thấy bé hoàn toàn bình thường. May mắn chỉ là sốt kèm tiêu chảy do siêu vi. Tôi giải thích và đề nghị người mẹ đổi bịch thuốc chị đã mua ngoài hiệu thuốc trước đó bằng thuốc của tôi. Và chị đồng ý. Tất cả kháng sinh tôi bỏ ra vì tôi nghĩ nó chưa cần thiết. Thêm một ít thuốc bổ dạng siro cho con. Vậy là đã đủ để chữa bệnh cho con khi đó” – BS Nguyễn Thanh Sang tiếp tục kể lại.
Người mẹ trong câu chuyện. - Ảnh: Bác sĩ Sang cung cấp. |
Bác sĩ Sang cho biết: “Tôi giật mình và hy vọng chị bán thuốc sẽ từ chối và khuyên người mẹ đưa con vào bệnh viện để khám.Tôi cũng biết hiện có nhiều hiệu thuốc dễ dàng bán thuốc kháng sinh cho người bệnh mà không cần đơn thuốc của bác sĩ. Điều này khiến cho thuốc không những không trị được bệnh, mà còn làm cơ thể sản sinh ra các vi khuẩn kháng thuốc gây nguy hiểm cho người bệnh, nhất là trẻ nhỏ”.
Chia sẻ về cách chữa bệnh của mình cho các bệnh nhi, bác sĩ Sang tự nhận: “Tôi "thuận tự nhiên" theo kiểu bệnh nhi đến với tôi nếu tôi cảm thấy bé chỉ là cảm cúm siêu vi tôi chẳng cho thuốc men gì, tôi khám thật kỹ, thật đầy đủ để chắc chắn đó là siêu vi rồi tôi tư vấn cha mẹ cách cho bé ăn uống và hướng dẫn họ cách chăm sóc con tại nhà”.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, hầu hết các trẻ nhiễm khuẩn hô hấp trên do virus hay ho do cảm lạnh không cần dùng thuốc, bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày hoặc 1 – 2 tuần.
TRẦN LOAN(T/h)