+Aa-
    Zalo

    Bác sĩ chỉ ra nhóm đối tượng nào có nguy cơ mắc cúm A cao

    (ĐS&PL) - Khi bị cúm, trẻ dưới 5 tuổi và người trên 60 tuổi hay có bệnh nền có nguy cơ gặp biến chứng nhiều hơn các nhóm đối tượng khác.

    Hòa nhập trở lại mà không có miễn dịch thì có thể bị cúm A

    Thời gian gần đây, một số bệnh viện tại Hà Nội tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp mắc cúm A ở nhiều độ tuổi khác nhau. Theo nhận định của các bác sĩ, đây là điều bất thường do những năm trước cúm A thường đến vào mùa Đông – Xuân, sau dịch sốt xuất huyết nhưng năm nay quy trình này lại bị đảo ngược.

    Lý giải về vấn đề nói trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh – chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I (TP.HCM) cho hay: “Thật ra là do chúng ta hòa nhập trở lại. Hai năm dịch bệnh chúng ta không đi ra đường nên không có miễn dịch với cúm. Thêm nữa, không chích ngừa đủ nên cũng không có miễn dịch. Bây giờ hòa nhập trở lại mà không có miễn dịch thì sẽ bị cúm và cúm lây nhanh hơn”.

    bac si ly giai nguyen nhan so benh nhan cum a tang bat thuong vao mua he va cach phong chong2
    Bác sĩ Trương Hữu Khanh – chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I (TP.HCM). Ảnh: VTC News

    Thông tin về nhóm đối tượng có nguy cơ mắc cúm A cao, bác sĩ Khanh cho biết đó là những người lâu nay không ra đường, thường xuyên ở nhà dẫn đến không có miễn dịch, đặc biệt là trẻ em, ví dụ như các bé sinh cách đây 2, 3 năm. Khi bị cúm, trẻ dưới 5 tuổi và người trên 60 tuổi hay có bệnh nền có nguy cơ gặp biến chứng nhiều hơn các nhóm đối tượng khác.

    “Biến chứng hay gặp nhất khi mắc cúm là viêm phổi, gây viêm hô hấp. Ngoài ra còn có biến chứng bội nhiễm, tức sau khi mắc cúm thì bội nhiễm những vi khuẩn khác gây viêm phổi, hiếm lắm thì có thể liên quan tới các bệnh lý về não”, bác sĩ Khanh chia sẻ.

    Bệnh nhân mắc cúm A thường có các triệu chứng như sốt cao, đau nhức cơ thể, ho, sổ mũi, bệnh có thể ổn định trong thời gian từ 3-7 ngày nhưng một số người gặp biến chứng dẫn đến thở nhanh, thở mệt. Các triệu chứng của cúm A cũng giống với sốt siêu vi của đường hô hấp khác nên muốn biết chính xác thì phải thử máu, xét nghiệm test nhanh hoặc thử PCR.

    Theo bác sĩ Khanh, cha mẹ và người chăm sóc cần đưa trẻ mắc cúm A đến bệnh viện ngay nếu bé có các biểu hiệu li bì, bỏ ăn và thở mệt. Nếu người bệnh bị co giật, thay đổi tri giác thì dù không phải mắc cúm A cũng cần đưa ngay tới cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời.

    Có hay không nguy cơ mắc cúm A và COVID-19 cùng lúc?

    Trong cộng đồng hiện đang lưu hành cả COVID-19, cúm A và sốt xuất huyết Dengue. Liên quan đến vấn đề liệu một người có thể mắc cúm A và COVID-19 cùng lúc hay không, bác sĩ Khanh cho rằng điều này có khả năng xảy ra.

    Bên cạnh đó, vị chuyên gia này khẳng định không thể phân biệt được COVID-19, sốt xuất huyết và cúm A. "Trong vài ngày đầu ba bệnh này không thể biết được, tốt nhất nên đi khám và làm xét nghiệm để xác định chính xác bệnh thay vì chỉ dựa vào các triệu chứng", bác sĩ Khanh nói. 

    Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, thường xảy ra vào mùa Đông – Xuân, khi chuyển giao giữa hai mùa (cúm mùa). Bệnh lây qua đường hô hấp, từ các hạt bụi nước, giọt bắn li ti dính virus được thải ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng.

    Vì vậy, để phòng tránh bệnh cúm A, mọi người cần chú ý đeo khầu trang khi đến những nơi công cộng, nơi đông người. Bên cạnh đó, nếu hắt hơi, sổ mũi thì cần che miệng lại bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy. Trong trường hợp mắc bệnh thì chú ý mang khẩu trang và nên ở nhà để hạn chế lây nhiễm.

    Ngoài ra, mọi người cần giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa sạch tay với xà phòng diệt khuẩn, dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà, sau khi đi vệ sinh, đồng thời thường xuyên vệ sinh không gian sống và vui chơi của trẻ. Người dân cũng chú ý tiêm vaccine phòng cúm.

    Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, vaccine cúm được tiêm hàng năm nhằm duy trì hiệu quả kháng thể, cho phép thay đổi vaccine để bù cho lệch cấu trúc kháng nguyên.

    Tiêm vaccine hiệu quả nhất vào mùa thu nên hiệu giá kháng thể sẽ cao trong mùa cúm là mùa đông. Tuy nhiên, mùa cúm năm nay đến vào đầu hè, hiện tại là thời điểm thích hợp để tiêm phòng cúm nếu chưa mắc và mũi tiếp theo sẽ được tiêm vào cuối mùa thu tới.

    Đinh Kim 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bac-si-chi-ra-nhom-doi-tuong-nao-co-nguy-co-mac-cum-a-cao-a545269.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Nhiều người nhập viện vì cúm A/H1N1

    Nhiều người nhập viện vì cúm A/H1N1

    Thời gian gần đây, số bệnh nhân đến khám và điều trị vì cúm tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương tăng cao, trong đó các trường hợp nặng chủ yếu là cúm A/H1N1.