(ĐSPL) - Diễn ra từ 24 đến 29/4, Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất, là sự kiện văn hóa mang tầm quốc gia và quốc tế lớn nhất được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu từ trước đến nay.
Thông tin chính thức được Ban tổ chức (BTC) Festival ĐCTT công bố chiều ngày 23/4, sự kiện này sẽ diễn ra với 21 hoạt động chính tại 7 địa điểm chính: Nhà thi đấu đa năng tỉnh, Trung tâm Hội chợ tỉnh, khu Du lịch sinh thái Hồ Nam, quảng trường văn hóa Hùng Vương, đường Nguyễn Tất Thành, Liên hiệp Hội VHNT tỉnh, KDL Biển Nhà Mát và di tích LSVH Quốc gia tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Lê Minh Chiến – đồng thời cũng là Phó trưởng Ban tổ chức sự kiện - cho biết, trong số 21 hoạt động trong khuôn khổ Festival, có 14 hoạt động liên quan đến đờn ca tài tử.
Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, được xem như một thứ “đặc sản” riêng có của người Nam Bộ. Người dân đất phương Nam có thể chơi đờn ca tài tử ở bất cứ nơi đâu. Cuộc sống của người Nam Bộ thường xuyên trên sông nước nên nói đến Đờn ca tài tử cũng là nói đến loại hình nghệ thuật gắn với ghe xuồng, sông nước.
Đờn ca tài tử, "đặc sản" chỉ có ở Nam Bộ. |
Điểm nhấn chính trong chuỗi hoạt động có thể kể đến: lễ khai mạc; Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Bạc Liêu là thành phố loại 2; khánh thành khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu…
Hai hoạt động đáng chú ý nhất là Không gian đờn ca tài tử Nam bộ và Liên hoan đờn ca tài tử.Có khoảng 350 nghệ nhân của 21 tỉnh, thành miền Đông và Tây Nam Bộ tham gia.
Có hơn 70 tờ báo tham gia đưa tin, với số phóng viên báo chí tham gia đưa tin cũng bằng số nghệ nhân.
Ngày 5/12/2013, Nghệ thuật Đờn ca Tài tử - Âm nhạc và hát ở Nam Bộ, Việt Nam đã được UESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể đại diện của Nhân loại |
Theo các nhà nghiên cứu, đờn ca tài tử xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, có nguồn gốc từ nhã nhạc cung đình Huế, và sớm trở thành loại hình âm nhạc dân gian truyền thống mang đậm sắc thái âm nhạc bình dân của miền sông nước Nam Bộ. Đầu thế kỷ XX nghệ thuật đờn ca tài tử phát triển mạnh, nhanh chóng lan tỏa khắp xứ Nam Kỳ lục tỉnh. Đặc biệt, lúc bấy giờ nhờ có sự giao lưu và thi đua giữa các nhóm tài tử nên không chỉ kỹ thuật đờn, ca được nâng cao mà việc ghi chép, hệ thống hoá các bản nhạc cổ cũng ngày càng được hoàn thiện.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Dũng, Festival lần này giúp giới thiệu nền văn hóa Bạc Liêu, cái nôi lớn sản sinh và chứa đựng Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vừa được UNESCO công nhận, đó chính là nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Đây là nơi sinh ra bản ''Dạ cổ hoài lang'' bất hủ gắn liền với tên tuổi nghệ nhân Cao Văn Lầu. Và cũng từ đây sản sinh ra vọng cổ, một làn điệu chiếm lĩnh sân khấu cải lương, say đắm lòng người, và là niềm tự hào của người dân đất phương Nam. Bạc Liêu cũng là nơi sản sinh điệu hò ''Chèo ghe'', điệu lý ''Con sáo'' mà ai ai cũng thuộc.
Đến giờ phút hiện tại, các công đoạn chuẩn bị cho ngày khai mạc đang tiếp tục hoàn thiện. Những hạng mục sau cùng như trang trí cây xanh, vệ sinh đường phố, thiết kế sân khấu chính… sẽ được gấp rút hoàn thành trong đêm nay.
Một số hình ảnh ghi nhận trước ngày khai mạc.
Bạc Liêu đã sẵn sàng cho Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ |
Một số công trình vẫn đang chạy nước rút để kịp lễ khai mạc. |
Sân khấu dưới nước đang được hoàn thiện giai đoạn cuối. |