(ĐSPL) - Chỉ vài ngày sau khi cố tình để rò rỉ thông tin về vụ thử tên lửa đối hạm trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Bắc Kinh được cho là tiếp tục gửi đi những hình ảnh về một cuộc tập trận bắn đạn thật đánh chiếm đảo nhỏ có máy bay cường kích tham gia.
Giới quan sát cho rằng, Bắc Kinh đang khởi động gói “tâm lý chiến” nhằm thử phản ứng của các nước trong khu vực…
Viết chú thích ảnh ở đây.Hình ảnh binh lính Trung Quốc tham gia cuộc tập trận đổ bộ chiếm đảo phát trên kênh CCTV của Trung Quốc. |
Tập trận “mềm”, âm mưu “cứng”
Trong những ngày cuối tháng 3, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) liên tiếp đăng tải các video, hình ảnh miêu tả việc tập trận bắn đạn thật của 2 loại tên lửa HQ-9 và YJ-16 đưa ra trái phép tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngoài ra, lực lượng đặc nhiệm thuộc hạm đội Nam Hải cũng tổ chức diễn tập chiếm đảo bí mật vào thời điểm rạng sáng. Theo CCTV, lực lượng này có nhiệm vụ “gìn giữ ổn định, bảo vệ quyền lợi và phòng thủ”, nhưng thực chất là chiếm đóng phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Cũng theo thông tin từ truyền thông nước này, dựa trên những hình ảnh được đăng tải cho thấy, Trung Quốc đã triển khai các chiến đấu cơ JH-7 tham gia tập trận không kích mục tiêu đảo nhỏ trên biển bằng pháo 30mm và rocket. Các chuyên gia quân sự đánh giá, đây là bước leo thang mới vô cùng nguy hiểm trong nước đi của Bắc Kinh, khiến cho tình hình Biển Đông, đặc biệt tại các vùng đảo mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép thêm căng thẳng.
Trước những động thái quân sự mới này trên Biển Đông, PV báo ĐS&PL đã liên lạc trực tiếp với Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa học quân sự, viện Chiến lược Quân sự (nay là viện Chiến lược Quốc phòng) để mổ xẻ hành động này của Bắc Kinh. Đại tá Mẫu phân tích, việc Trung Quốc liên tục phát đi hình ảnh về những cuộc tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo sau hành động đưa tên lửa, radar, tàu đổ bộ... ra các đảo mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép tại Biển Đông, đặc biệt tại những đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, lộ rõ ý đồ “răn đe” đối với các nước trong khu vực.
Thông qua những cuộc tập trận này, Trung Quốc “gia cố” thêm khả năng phòng thủ tại các điểm đảo đang chiếm giữ trái phép. Điều Trung Quốc muốn là từng bước kiểm soát và giảm dần mức độ thâm nhập của các tàu và máy bay nước ngoài vào khu vực, hoặc buộc họ phải tuân theo quy định của Trung Quốc. Nói cách khác, phải “xin phép” Bắc Kinh trước khi vào khu vực Hoàng Sa và Trường Sa, cũng có nghĩa là thừa nhận quyền kiểm soát của Trung Quốc ở khu vực này.
Cũng theo phân tích của Đại tá Lê Thế Mẫu thì Trung Quốc hiện đang thực hiện chiến thuật “lát cắt salami” thông qua hành động quân sự hóa từng bước ở Biển Đông. Vấn đề cốt lõi trong việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt đông quân sự hóa ở Biển Đông là sự mập mờ trong khái niệm “quân sự hóa”.
Giới chuyên gia quân sự cũng nhận định, việc Bắc Kinh không công khai song lại cố tình để rò rỉ thông tin về các cuộc tập trận đánh chiếm đảo đúng vào thời điểm Mỹ và một số nước đồng minh trong khu vực đang triển khai các cuộc tập trận phòng vệ chung là thông điệp đầy tính toán. Đây có thể coi là những cuộc “tập trận mềm”, nằm trong chuỗi âm mưu mập mờ, che đậy khái niệm “quân sự hóa” mà Trung Quốc đang triển khai tại Biển Đông.
Mặc dù luôn tuyên bố "tôn trọng hòa bình ở Biển Đông", nhưng việc một kênh truyền hình quốc gia công bố hình ảnh quân đội nước này diễn tập chiếm đảo lại cho thấy điều ngược lại. Đó là ngoài việc chiếm đóng phi pháp và cải tạo trái phép các đảo ở Biển Đông, Trung Quốc còn sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết, bất chấp luật pháp và sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.
Ẩn chứa hiểm họa
Liên quan đến việc truyền thông Trung Quốc đưa tin về các cuộc tập trận bắn đạn thật đánh chiếm đảo nhỏ, mạng Sina cho hay: Các đơn vị trong đợt tập trận này được cho là đang đồn trú trái phép ở đảo Chữ Thập thuộc cụm đảo Nam Yết, quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Riêng sự xuất hiện của chiến đấu cơ JH-7, mạng Sina đưa tin, chúng được Hải quân Trung Quốc đưa vào tại cuộc tập trận không kích đảo nhỏ trên khu vực biển Hoàng Hải. Lực lượng này tiến hành xạ kích liên tiếp trong 2 ngày, mỗi ngày 14 tiếng trở lên. Một chỉ huy lực lượng đặc nhiệm của Hạm đội Nam Hải ngụy biện trên kênh CCTV của Trung Quốc rằng: Tiến hành những cuộc tập trận là thông lệ đối với hải quân nhiều nước. Cuộc tập trận thường niên lần này của hạm đội Nam Hải ở Trường Sa (của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép - PV) là nhằm kiểm tra năng lực sẵn sàng tham chiến, tăng cường sức mạnh và khả năng tìm kiếm cứu hộ, đảm bảo hoàn tất những sứ mạng đa dạng của quân đội.
Cũng liên quan đến việc Bắc Kinh gia tăng thông điệp quân sự tại Biển Đông, trước câu hỏi của phóng viên, liệu sự gia tăng hoạt động tuần tra của Mỹ tại các khu vực này có kiềm chế được Trung Quốc, Đại tá Lê Thế Mẫu thẳng thắn nhận định: “Rõ ràng, sự gia tăng các hoạt động tuần tra của Mỹ tại các khu vực này chưa đủ tầm và quy mô để có thể kiềm chế hành động của Trung Quốc”.
Theo Đại tá Mẫu, Việt Nam và các nước trong khu vực cần thống nhất nhận thức và quan điểm về hiểm họa từ lời nói, hành động thực tế của Trung Quốc. Những hành động đó sẽ đe dọa môi trường hòa bình và ổn định ở Biển Đông, cũng có nghĩa là đe dọa lợi ích của tất cả các nước trong và ngoài khu vực.
Từ đó, Việt Nam và các nước trong khu vực cần đẩy mạnh đấu tranh với Trung Quốc tại tất cả các diễn đàn đa phương, để tất cả các nước trên thế giới thấy rõ hiểm họa từ hành động và lời nói của Bắc Kinh. Từ đó tạo môi trường thuận lợi để đấu tranh với họ, kể cả bằng các phương tiện pháp lý. Mặt khác, cần chuẩn bị sẵn sàng đối phó với mọi sự leo thang quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo Đại tá Lê Thế Mẫu, các hoạt động trong những ngày gần đây của Trung Quốc thêm một lần nữa khẳng định, cách tiếp cận Biển Đông trong những thập kỷ qua là từng bước khẳng định các tuyên bố của họ về chủ quyền ở Biển Đông, âm thầm loại bỏ sự phản kháng của các nước trong khu vực cũng như của Mỹ. Cách tiếp cận này của Trung Quốc ẩn chứa hiểm họa là sẽ tạo ra một trật tự mà ở đó các mối quan hệ sẽ được quyết định chủ yếu bởi sức mạnh.
Truy bắt tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam Ngày 2/4, Bộ đội Biên phòng TP.Hải Phòng cho biết đang tạm giữ một tàu chở dầu của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam tại khu vực biển Vịnh Bắc Bộ. Chiếc tàu chở theo hơn 100.000 lít dầu DO do thuyền trưởng là Đàm Thủy Dương, 38 tuổi, trú tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cùng với hai thuyền viên khác đều mang quốc tịch Trung Quốc điều khiển đã xâm phạm sâu vào vùng biển của Việt Nam. Được biết, chiếc tàu này được dùng để cung cấp nhiên liệu cho các tàu đánh bắt thủy hải sản trái phép tại vùng biển của Việt Nam. Được biết, các thuyền viên cùng phương tiện vi phạm đã được lực lượng biên phòng đưa về neo đậu tại cửa sông Bạch Đằng để tiếp tục điều tra làm rõ. ANH VĂN |
THANH HIÊN - VI HẬU
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]OknK4eybbr[/mecloud]