Bắc Giang là tỉnh ở vị trí trung tâm trong hành lang kinh tế “Đông – Bắc” gồm 6 địa phương: Lạng Sơn – Hà Nội – Bắc Ninh – Bắc Giang – Hải Phòng – Quảng Ninh, chiếm khoảng 40% tổng đầu tư kinh tế trọng điểm của cả nước. Với mục tiêu phát triển trọng điểm toàn tỉnh bằng nội lực theo định hướng phát triển công nghiệp, trong năm 2020, Bắc Giang đặt mục tiêu thu hút đầu tư với tổng số vốn lên đến 1 tỷ USD. Tỉnh tập trung quy hoạch đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 06 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 1.460ha. Các KCN của tỉnh được quy hoạch ở những nơi rất thuận tiện về giao thông: 05 KCN quy hoạch dọc theo quốc lộ 1A và 01 KCN nằm tiếp giáp với KCN Yên Phong – Bắc Ninh.
Hiện nay, tỉnh có 04 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích quy hoạch 1.063ha, bao gồm: KCN Đình Trám với diện tích 127ha, đã hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư được 138 dự án, đã lấp đầy đất công nghiệp theo quy hoạch;KCN Song Khê – Nội Hoàng diện tích 158,7 ha, đã cơ bản hoàn thành hệ thống hạ tầng toàn KCN, thu hút được 46 dự án, lấp đầy 56,3% diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch; KCN Quang Châu: diện tích 426ha, đã giải phóng mặt bằng được khoảng 74,6% diện tích theo quy hoạch; đầu tư cơ bản hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp thoát nước, xử lý nước thải…) trên phần diện tích đã san lấp; thu hút được 24 dự án, lấp đầy 49 % diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch; KCN Vân Trung được đầu tư hạ tầng bởi 02 doanh nghiệp là Công ty TNHH Fugiang (237ha và Công ty TNHH S&G tại KCN Vân Trung (113ha); hiện nay đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tỷ lệ lấp đầy đạt 55%.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung 2 khu công nghiệp hơn 1.300ha tại Bắc Giang vào quy hoạch tổng thể Việt Nam đến năm 2020. |
Đến nay, tổng số dự án thu hút đầu tư trong khu công nghiệp là 317 dự án đăng ký đầu tư còn hiệu lực (bao gồm 12 dự án đầu tư hạ tầng và 305 dự án thứ cấp), trong đó có 94 dự án trong nước và 223 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 7.865 tỷ đồng và 3.090,5 triệu USD (hiệu quả vốn đầu tư/ha: đạt 75 tỷ đồng/ha). Ngành nghề thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh chủ yếu là: gia công, lắp ráp linh kiện điện tử; cơ khí chế tạo; pin năng lượng mặt trời, may mặc...
Để tập trung phát triển các khu công nghiệp, tỉnh Bắc Giang đã chủ động trong việc kêu gọi nhiều nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng nhằm thu hút đầu tư. Đến nay, nhiều công trình giao thông trọng điểm của tỉnh đã được khởi công xây dựng như: Dự án đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, Đường ĐT293 và các tuyến nhánh, Dự án xây dựng cầu Đồng Sơn, Dự án đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai IV (đoạn qua tỉnh Bắc Giang). Một số dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư như: Xây dựng cầu Á Lữ; Đường Nguyễn Thị Minh Khai, ĐT289 kéo dài; Xây dựng một số trục đường nội thị tại thị trấn Neo, huyện Yên Dũng, thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam; Đường trục nội thị Vôi – Xương Lâm, đường trục cụm công nghiệp Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang. Quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng 03 cảng thủy nội địa đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa của các doanh nghiệp như: Cảng xăng dầu tại Quang Châu, huyện Việt Yên; cảng tổng hợp Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang và Cảng thủy nội địa xã Trí Yên, huyện Yên Dũng.
Công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch các cụm công nghiệp sát với thực tế, hình thành hệ thống mạng lưới liên kết các cụm công nghiệp hợp lý; các vị trí quy hoạch thuận lợi có sự liên thông về hạ tầng chung. Đến nay, toàn tỉnh có 37 cụm công nghiệp đã thành lập với tổng diện tích 1.169 ha; tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp của các cụm công nghiệp đạt 59,4%. Hiện tại, các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút 227 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư thực hiện ước đạt 10.237/61.270 tỷ đồng, bằng 16,7% vốn đăng ký. Đặc biệt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có kết luận về đề nghị bổ sung 2 khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang vào quy hoạch tổng thể phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 để sớm triển khai thực hiện đầu tư, tranh thủ thời cơ, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài lớn chuyển dịch vào Việt Nam.
Cùng đó, tỉnh huy động các nguồn lực để đầu tư và chuẩn bị tốt về điều kiện cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất sạch, quy hoạch và tạo vùng nguyên liệu để hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư muốn đầu tư kinh doanh tại tỉnh. Theo đó, trong quý I-2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bắc Giang vẫn đạt mức độ tăng trưởng 7,4%. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2020 mặc dù ảnh hưởng của tình hình Covid 19 – tổng mức đầu tư FDI của Bắc Giang cũng đạt gần 500 triệu USD đạt gần 50% kế hoạch năm của toàn tỉnh.
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng với những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc đồng bộ và phát triển hạ tầng, Bắc Giang tiếp tục khẳng định là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp muốn khởi nghiệp và mở rộng, phát triển đầu tư./.
Hà Anh