+Aa-
    Zalo

    Bà Trương Mỹ Lan ôm chầm lấy chồng sau 2 năm "không được phép tiếp xúc"

    (ĐS&PL) - Sau khi xem xét đề nghị, HĐXX đã quyết định chấp thuận và cho phép hai vợ chồng bà Trương Mỹ Lan tiếp xúc với nhau trong thời gian nghỉ giải lao.

    Ngày 5/11, phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi) và 47 bị cáo về các sai phạm tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn một vụ án) tiếp tục với phần xét hỏi của VKS và luật sư.

    Trong giờ giải lao, HĐXX đã đồng ý đề nghị của luật sư Phan Trung Hoài (một trong 5 người bào chữa cho bà Lan), cho phép thân chủ được tiếp xúc với chồng là bị cáo Chu Lập Cơ, sau 2 năm họ không được nói chuyện, lại gần nhau dù cùng trải qua nhiều tháng xét xử tại tòa.

    Ông Chu Lập Cơ tại phiên phúc thẩm. (Ảnh: Thanh niên)

    Ông Chu Lập Cơ tại phiên phúc thẩm. (Ảnh: Thanh niên)

    Theo Người lao động, trước đó, do các quy định nghiêm ngặt về quản lý và bảo đảm an ninh trong quá trình xét xử, vợ chồng bà Trương Mỹ Lan và ông Chu Lập Cơ không được phép tiếp xúc.

    Trong suốt quá trình xét xử, họ được ngồi ở hai phòng riêng, chỉ có thể nhìn thấy nhau qua màn hình.

    Sau khi xem xét đề nghị, HĐXX đã quyết định chấp thuận và cho phép hai vợ chồng bị cáo tiếp xúc với nhau trong thời gian nghỉ giải lao. Lý do bà Lan muốn tiếp xúc với ông Cơ là "thấy ông lo lắng quá".

    Tại hàng ghế bị cáo, bà Lan ôm chầm lấy ông Cơ, rồi liên tục xoa tay chồng. Gương mặt ông Cơ giãn ra, đầy vẻ tập trung khi nghe bà Lan nói. Họ được cảnh sát tư pháp tạo điều kiện riêng tư để trò chuyện.

    Bà Trương Mỹ Lan. (Ảnh: NLĐ)

    Bà Trương Mỹ Lan. (Ảnh: NLĐ)

    Hồi tháng 4/2024, bị cáo Chu Lập Cơ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square) bị TAND TP.HCM xử phạt 9 năm tù về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Cũng giống như vợ, bị cáo Cơ kháng cáo xin tòa phúc thẩm xem xét lại mức án.

    Theo VnExpress, theo bản án sơ thẩm, trong 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay.

    Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Tòa xác định đây là số tiền thiệt hại của vụ án và bà Lan có nghĩa vụ phải bồi thường cho SCB.

    Hồi tháng 4, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình.

    Trong vụ án này, bà Đỗ Thị Nhàn bị TAND TP.HCM tuyên án tù chung thân về tội Nhận hối lộ. 3 cựu lãnh đạo của SCB gồm Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, cựu chủ tịch SCB và Võ Tấn Hoàng Văn cũng bị phạt tù chung thân.

    81 bị cáo khác bị tuyên phạt từ 3 năm tù treo đến 20 năm tù về loạt tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng; Tham ô tài sản; Thiếu trách nhiệm; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ba-truong-my-lan-om-cham-lay-chong-sau-2-nam-khong-uoc-phep-tiep-xuc-a478702.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan