(ĐSPL) - Sau vành móng ngựa, Oanh cúi gằm mặt. Trong suốt phiên tòa, “bà trùm” đường dây lưu hành tiền giả xuyên Việt này liên tục rụt cổ nhún vai khúm núm, khác hẳn lúc chưa bị bắt. Cùng với Oanh, 6 đồng phạm khác nhận tổng mức hình phạt 70 năm tù giam cho hành vi tội lỗi của mình.
Suốt phiên tòa, “bà trùm” Chu Thị Oanh (hàng thứ nhất, thứ hai từ trái sang) khúm núm nghe thẩm vấn. |
"Ngựa quen đường cũ”
Một ngày cuối tháng 12/2016, TAND tỉnh Quảng Nam đưa ra xét xử sơ thẩm 7 bị cáo trong đường dây tàng trữ, lưu hành tiền giả liên tỉnh. Ra hầu tòa là các bị cáo: Chu Thị Oanh (SN 1969, trú xã Vĩnh Quang, TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng), Nguyễn Văn Hòa (SN 1969, trú xã Kim Chân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1982, trú xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), Đinh Thị Tuyết (SN 1984, trú xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), Nguyễn Văn Tuân (SN 1981), Đào Văn Cần (SN 1989) và Đào Văn Ninh (SN 1981, cùng trú xã Đào Xá, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên).
Trong số đó, Oanh là bị cáo được nhiều người chú ý hơn cả. Được lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp dẫn giải vào phòng xử án, “bà trùm” này cúi gằm mặt xuống đất. Trông Oanh khúm núm đến tội nghiệp. Đứng sau vành móng ngựa, Oanh nói lí nhí như người đứt hơi. Bị cáo vốn là người dân tộc Tày. Cuộc sống dẫu nghèo khó nhưng thị vẫn được cha mẹ cho ăn học tử tế. Lớn lên, Oanh được gả cho một người đàn ông ở Bắc Kạn. Tuy nhiên, hôn nhân nhanh chóng tan vỡ do cuộc sống khốn khó trăm bề.
Sau khi ly dị, tháng 2/2014, Oanh phải nhận bản án 4 năm tù về tội Tàng trữ, lưu hành tiền giả của TAND tỉnh Cao Bằng. Đến ngày 31/8/2015, “bà trùm” này được đặc xá. Án tích chưa xóa, Oanh lại “ngựa quen đường cũ”. Quả thực, nếu như không được nghe về cái quá khứ tù tội cũng như những mánh khóe, lọc lõi của Oanh trong việc buôn bán tiền giả, nhiều người vẫn nhầm lẫn khi thấy thị cục mịch, run rẩy chốn pháp đình.
Trả giá
Theo cáo trạng, khoảng tháng 1/2016, Oanh bắt tay “làm ăn” với Hòa. Hai bên thống nhất với giá 40/100, nghĩa là Oanh đưa cho Hòa 100 triệu đồng tiền giả thì Hòa phải trả cho Oanh 40 triệu đồng tiền thật. Giao kèo được thiết lập, ngày 19/4, Hòa chuyển khoản cho Oanh 22 triệu đồng tiền thật. “Bà trùm” “vọt” lên cửa khẩu Tà Lung (huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng) nhận 55 triệu đồng tiền giả mệnh giá 200 ngàn đồng từ một đối tượng người Trung Quốc.
Có “hàng” trong tay, Hòa phân chia cho Tuân, Tuyết và tự mình đi tiêu thụ khắp các tỉnh phía Bắc. Phi vụ trót lọt một cách chóng vánh. Từ ngày 28/4 – 10/5, Oanh nhiều lần lên biên giới lấy nguồn tiền giả số lượng lớn về cung cấp cho Hòa. Chưa hết, được Oanh giúp sức, Hòa “chiêu nạp” thêm những đối tượng trên vào đường dây.Tất cả Nam tiến đến các huyện miền núi Quảng Nam, khu vực Tây Nguyên tiến hành tuồn tiền giả ra thị trường.
Vụ việc sau đó bị Công an tỉnh Quảng Nam vào cuộc điều tra, triệt phá. Ngày 10/5, Hòa, Nguyệt, Tuyết, và Tuân đón xe vào Đắk Lắk. Hòa đưa cho Tuân 40 triệu đồng tiền giả, còn đưa cho Cần 20 triệu đồng tiền giả. Nhóm trên chia nhau ra, Cần rủ Ninh bắt xe ngược ra Quảng Nam tiêu thụ thì bị bắt giữ.
Ngày 16/5, Hòa tiếp tục chuyển tiền cho Oanh và thỏa thuận giao tiền tại tỉnh Đắk Nông. Ngày 18/5, Hòa và Tuyết vừa đặt chân đến thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông để chuẩn bị lấy “hàng” thì bị bắt. Riêng“bà trùm” Oanh ôm 200 triệu đồng tiền giả bỏ trốn. Ngày 19/5, lực lượng chức năng mật phục và bắt giữ Oanh tại tỉnh Đắk Nông. Những đối tượng còn lại cũng bị bắt giữ sau đó.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Nam, đường dây của Oanh đã “nhập” 355 triệu đồng tiền giả từ đối tượng người Trung Quốc với giá 74,6 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ táo tợn lên tận biên giới “cõng” tiền giả về tuồn ra khắp thị trường từ Bắc chí Nam, Oanh và đồng bọn rất tinh vi trong việc tiêu thụ. Nhiều ngày liền, các đối tượng thường xuyên lui tới các tiệm tạp hóa mua những món hàng rẻ và trả bằng những tờ tiền polyme loại 200 ngàn đồng mới coóng, dù trước đó, ở cửa hàng khác họ đã được chủ cửa hàng trả lại cho một đống tiền lẻ. Chúng chia nhỏ số tiền, trộn tiền giả vào tiền thật rồi đem đi mua hàng.
Chưa hết, Oanh chỉ điểm “chân rết” nhắm đến các khu chợ sầm uất náo nhiệt, tấp nập kẻ mua người bán để chủ hàng không có thời gian kiểm tra tiền. Đặc biệt hơn, các đối tượng chọn mua các món hàng nhỏ, ít tiền hoặc mua card điện thoại. Mục đích là được thối lại càng nhiều tiền thật càng tốt và địa bàn của chúng hướng đến là vùng thôn quê, vùng xa xôi để tiện ra tay.
Đường dây của Oanh được thiết lập đầy tinh quái. “Bà trùm” này chỉ lựa chọn “chân rết” là các mối quen biết, các kẻ liều lĩnh và hay làm liều để có tiền tiêu xài. Nhiều đối tượng trong đó là con nghiện và bị nhiễm HIV. Riêng bị cáo Hòa cũng đã từng thụ án 42 tháng tù giam về tội danh Tàng trữ, lưu hành tiền giả.
Gần cuối phiên tòa, khi nghe HĐXX hỏi đã từng vào tù vì tàng trữ, lưu hành tiền giả cũng như biết rõ hành vi trên là sai trái tại sao vẫn cố thực hiện, Oanh bao biện khá bi hài. Thị nêu đủ thứ từ chuyện khó khăn, đói khổ trong đời sống hay túng quẫn nên mới làm bậy. Tuy nhiên, những luận điệu đó nhanh chóng bị tòa bác bỏ. Theo tòa, hành vi của Oanh là có tổ chức, được thực hiện một cách bài bản, tinh vi.
|
N.T