Phía sau ánh hào quang lấp lánh của vương miện Hoa hậu Việt Nam có nhiều nỗi trăn trở, nhiều giọt mồ hôi và đương nhiên là cả những nỗi nhọc nhằn không phải ai cũng thấu, ai cũng hiểu. Trong cuộc trò chuyện với báo ĐS&PL, bà Phạm Kim Dung, Phó ban Tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2016 đã có những chia sẻ thẳng thắn và chân thành về những câu chuyện xoay quanh hành trình tìm kiếm người đại diện cho Quốc sắc.
“Khắt khe để tìm người hoàn hảo là điều cần thiết”
- Bà đã nhiều năm gắn bó với Hoa hậu Việt Nam trên cương vị Phó ban Tổ chức. Theo bà điều gì khiến ban Tổ chức đau đầu nhất?
Vai trò của tôi là Phó ban Tổ chức phụ trách phần công việc “bếp núc”: Tài chính, công tác tổ chức, hậu cần,... Vậy nên, với tôi, phần đau đầu nhất là làm sao có tài chính mạnh để làm được những điều tốt nhất cho cuộc thi. Tôi cũng cần phải đáp ứng được sự “khó tính” của nhà tài trợ. Đương nhiên, điều quan trọng nhất chính là, phải làm sao để tổ chức một chương trình thật hấp dẫn làm hài lòng tất cả những khán giả ngày càng thông minh và khó tính.
Bà Phạm Kim Dung Phó ban Tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2016. |
Với Trưởng ban Tổ chức, chuyện đau đầu lại rất khác, đó là những điều liên quan đến chất lượng thí sinh. Bởi, mỗi năm, ban Tổ chức lại gặp những vấn đề khác nhau, chẳng trường hợp nào giống trường hợp nào và tất cả đều phải giải quyết một cách thấu tình đạt lý. Điều này quả thật gây rất nhiều sức ép. Tuy nhiên, với sự tận tụy của Trưởng ban Tổ chức Lê Xuân Sơn cùng sự chuyên nghiệp của báo Tiền Phong mà các khâu vẫn chuyển động rất nhịp nhàng để tạo nên một cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thành công rực rỡ. Hoa hậu Việt Nam vẫn luôn nhận được sự quan tâm, yêu mến của công chúng trong suốt 28 năm qua.
Bên cạnh đó, những khủng hoảng truyền thông thời mạng xã hội lên ngôi cũng làm ban Tổ chức đau đầu. Hoa hậu Việt Nam được coi là cuộc thi tìm kiếm gương mặt đại diện cho Quốc sắc, nên khán giả luôn dành cho nó sự quan tâm đặc biệt và đôi khi vì yêu quá mà sự việc bị đẩy đi quá xa so với thực tế. Thế nhưng, ban Tổ chức luôn đón nhận những tình cảm tốt đẹp đó và lắng nghe ý kiến đóng góp, nhận xét để có những thay đổi giúp cuộc thi Hoa hậu Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn.
- Có ý kiến cho rằng, trong hành trình đến với vương miện Hoa hậu Việt Nam, không phải thí sinh mà các bà mẹ của họ mới là người khiến ban Tổ chức gặp khó. Điều đó có đúng không, thưa bà?
Quan điểm và cách nhìn nhận, đánh giá của mỗi người là khác nhau. Bản thân tôi không thấy các bà mẹ làm điều khiến người khác đau đầu mà thấy họ là những bà mẹ tận tụy, yêu thương con gái. Trong những năm tôi tham gia ban Tổ chức Hoa hậu Việt Nam, các bà mẹ còn rất xinh đẹp nữa. Chúng tôi thậm chí còn nói đùa với nhau, có lẽ nên tổ chức một cuộc thi cho các bà mẹ. Bởi, họ không chỉ xinh đẹp mà còn rất duyên dáng. Chị có thể thấy, mẹ của Á hậu Huyền My, mẹ của Hoa hậu Kỳ Duyên,... đều là những bà mẹ trẻ trung, năng động và xinh đẹp.
- Nhiều cuộc thi nhan sắc thế giới đã chấp nhận thí sinh thực hiện một số tiểu phẫu làm đẹp. Có vẻ như, Hoa hậu Việt Nam đang quá khắt khe?
Thi Hoa hậu Việt Nam có bề dày lịch sử 28 năm với 14 lần tổ chức thành công rực rỡ. Trong số 14 hoa hậu đó đã có nhiều người trở thành hình mẫu của nhan sắc và được công chúng mến mộ. Dù Hoa hậu Việt Nam bị mang tiếng là khắt khe thì đây vẫn là cuộc thi thu hút được lượng thí sinh đông đảo và chất lượng nhất. Cho nên, tôi nghĩ, khắt khe để tốt hơn, khắt khe để hoàn hảo thì cũng là điều hợp lý. Khi chúng ta tìm một người đại diện cho Quốc sắc thì việc khắt khe để tìm người hoàn hảo nhất là điều cần thiết.
Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh lành nhưng không nhạt nhòa
- Chỉ cần một vấn đề nhỏ xảy ra với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam hay với những người đẹp đăng quang cũng có thể thổi bùng tranh cãi. Theo bà, tại sao lại có điều này?
Đúng là dư luận đang quá khắt khe với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và những người đăng quang. Tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, cụ thể:
Đầu tiên là do quy chuẩn của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam quá khắt khe. Khi những quy định mình đã đưa ra rất chỉn chu thì công chúng cũng phải theo chuẩn đó mà đánh giá và quan tâm.
Thứ hai, công chúng quá quan tâm đến cuộc Hoa hậu Việt Nam và những chuyển động của thí sinh sau khi đăng quang.
Thứ ba, hào quang mà danh vị Hoa hậu Việt Nam đem đến quá lớn. Hôm nay, cô ấy có thể là một sinh viên chưa ai biết đến, nhưng chỉ sau một đêm đã được cả nước nhớ mặt đặt tên. Đây là một điều tuyệt vời, một niềm hạnh phúc lớn lao với bất cứ cô gái nào. Cô ấy giờ đã trở thành Quốc sắc và đương nhiên công chúng sẽ dõi theo từng giờ.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào thực tế, đôi khi, vấn đề trở nên “nóng” không xuất phát từ sự khắt khe vì động cơ mang đến điều hoàn hảo, mà do những mong muốn liên quan đến lợi ích cá nhân. Vì sự quan tâm của công chúng, nên khi xuất hiện tranh cãi về hoa hậu thì hiệu ứng của một bài báo, một chia sẻ trên diễn đàn hay facebook cá nhân sẽ có lượt thích và lượt xem tăng cao, từ đó mang đến lợi ích cho cá nhân.
- Mới đây, công ty Giải trí Sen Vàng thuộc Sen Vàng Group – đơn vị đồng hành cùng Hoa hậu Việt Nam vừa có buổi lễ công bố hợp tác những cuộc thi nhan sắc quốc tế giữ bản quyền. Như vậy, các cô gái đăng quang ở Hoa hậu Việt Nam sẽ có quyền tham gia một trong các cuộc thi này?
Nhiều năm nay, top 3 Hoa hậu Việt Nam không có cơ hội góp mặt tại các cuộc thi nhan sắc thế giới vì nhiều đơn vị khác đã sở hữu bản quyền. Ban tổ chức cũng đã nhiều lần nhận được câu hỏi của giới truyền thông về vấn đề, tại sao top 3 Hoa hậu Việt Nam lại đứng ngoài những cuộc thi nhan sắc lớn? Bản thân tôi có nhiều trăn trở về điều này. Việc có được bản quyền các cuộc thi nhan sắc quốc tế là điều cần thiết để top 3 có thêm cơ hội bước ra thế giới và góp sức vào sự thành công của nhan sắc Việt trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, không phải bất cứ ai lọt vào top 3 cũng đều sẽ tham gia các cuộc thi nhan sắc thế giới. 90% là quyền và 10% còn lại sẽ tùy thuộc vào thái độ và mong muốn của thí sinh sau đăng quang. Tới đây, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cũng sẽ trở thành đại diện của Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2017.
- Nhiều người nhận xét, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh không phù hợp với cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Bởi, cô ấy lành quá và với tính cách đó, Mỹ Linh sẽ bị chìm giữa một dàn các hoa hậu lộng lẫy. Bà đánh giá sao về nhận xét này?
Tôi nghĩ, một số người đang nghĩ về từ “nhạt” chưa được đúng lắm, phải scandal mới “đậm đà” chăng?
Mỗi quốc gia sẽ có một đặc thù về hình thể và tính cách, hơn 100 cô gái đến từ hơn 100 quốc gia thì không phải cô nào cũng rạng rỡ và năng động như mọi người nghĩ, và đó mới là thế giới.
Nguyễn Thị Huyền, Mai Phương hay Mai Phương Thúy đều là những cô gái rất hiền và rất lành khi đến với đấu trường nhan sắc lớn nhất hành tinh này. Mặc dù đến với cuộc thi ở độ tuổi mười tám đôi mươi nhưng các cô ấy cũng đã làm cho 2 tiếng Việt Nam được xướng lên trong top đấy thôi.
Quay lại với Đỗ Mỹ Linh, tôi thấy, cô ấy có thể lành nhưng chưa bao giờ “nhạt” như một vài nhận xét. Đó là một cô gái rất cá tính, năng động và chịu thương chịu khó. Mỹ Linh tích cực tham gia các dự án xã hội cộng đồng, từ thiện và dám thách thức bản thân mình. Những điều này hoàn toàn phù hợp với tiêu chí của Hoa hậu Thế giới.
Lê Anh
Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 34