+Aa-
    Zalo

    Bà Mẹ có ba con đang ở Hoàng Sa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - “Các con ạ, mỗi lần xem tivi, đọc báo thấy tàu TQ dùng vòi rồng phun nước, đâm va làm tàu cảnh sát biển, kiểm ngư hư hỏng, cán bộ và nhân viên bị thương, lòng mạ thắt lại...".

    “Các con ạ, mỗi lần xem tivi, đọc báo thấy tàu Trung Quốc dùng vòi rồng phun nước, đâm va làm tàu cảnh sát biển, kiểm ngư hư hỏng, cán bộ và nhân viên bị thương là lòng mạ thắt lại. Nhưng mạ không sợ vì mạ tin vào bản lĩnh của các con và đồng đội. Các con hãy vững tin vì bọ, mạ (bố, mẹ) lúc nào cũng ở bên các con…”.

    Đó là một phần bức thư của bà Hoàng Thị Thuệ (68 tuổi) gửi ba người con là kiểm ngư đang làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa.

    Bà Mẹ có ba con đang ở Hoàng Sa
    Mạ Thuệ viết thư cho các con ở Hoàng Sa.

    Gần hai tháng sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam, cũng chừng đó ngày các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư viên có mặt tại Hoàng Sa để thực thi pháp luật trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Và cũng chừng đó đêm bà Hoàng Thị Thuệ (68 tuổi), quê xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình chập chờn mong ngóng tin tức về ba con trai đang làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa

    Nên duyên từ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1970 cô thanh niên xung phong Hoàng Thị Thuệ và chàng lính thủy Trần Đình Xuyên thành vợ thành chồng. Sau ngày thống nhất, bà Thuệ và ông Xuyên chọn quê nhà Quảng Bình làm nơi sinh sống và họ đã sinh hạ được 5 người con, ba trai và hai gái. Thật trùng hợp, cả ba anh khi trưởng thành đều nối nghiệp cha, gắn bó với sóng với gió. Đó là anh Trần Tuấn Minh (sinh năm 1972), anh Trần Minh Tuấn (1976) và Trần Hoàng Hải (1988) làm kiểm ngư trên các tàu KN 634, 629 và 822. Mỗi người một vị trí, người ngành hàng hải, người ngành máy, người điện cơ… 

    Ở tuổi 72, vốn được các cụ coi là tuổi xưa nay hiếm, người lính đặc công nước năm xưa - Trần Đình Xuyên không còn khỏe vì những vết thương thời dọc ngang đạn lửa, nhưng giọng nói sang sảng khi kể về các con. “Tôi đặt tên hai đứa con trai đầu là Tuấn Minh và Minh Tuấn để mong chúng thông minh, sáng láng khi hòa bình rồi xây dựng quê hương giàu đẹp. Rồi năm 1988 lại có thêm cậu cu nữa, tôi đặt tên là Hoàng Hải để nhớ về biển trời một thời gắn bó với tôi. Ai ngờ giờ đây cả ba anh em chúng nó đều ra khơi”, ông Xuyên vừa vuốt chòm râu, vừa nói, ánh mắt ngời lên vẻ tự hào.   

    Giữa nắng gió Quảng Bình, nuôi năm người con khôn lớn cũng không phải chuyện dễ dàng gì, nuôi con ăn học tử tế bằng bạn bằng bè lại càng khó khăn hơn. Ấy vậy nhưng, ông bà đã nuôi dạy cả năm người con trưởng thành, hai cô con gái đều làm giáo viên, còn ba chàng trai đều trở thành kiểm ngư. Kể về ba con mình bà Thuệ cho biết, ban đầu chỉ có anh Trần Tuấn Minh thi đỗ trường Đại học Hàng hải Hải Phòng, rồi sau đó các em Minh Tuấn, Hoàng Hải cũng tiếp bước anh. “Cả bốn cha con chúng đều đi biển”.

    Bà Mẹ có ba con đang ở Hoàng Sa

    Khi chuẩn bị nhận công tác, các anh chỉ nói “Mạ ơi, kỳ ni con đi biển. Chúng con đi làm nhiệm vụ, bọ mạ yên tâm giữ gìn sức khỏe. Khi nào hoàn thành nhiệm vụ các con sẽ lại về”. Khi đó vợ chồng tôi cũng chỉ nói “thì lúc nào các con cũng chỉ đi biển chứ đi đâu nữa”. Dù vậy, bà Thuệ cũng cho biết, kể từ khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Tổ quốc, chẳng mấy đêm ông bà yên giấc. 

    Ông Xuyên cho biết “Thực tình, tôi cũng nghĩ Trung Quốc chỉ tới thăm dò, nhưng không ngờ chúng lại hung hãn như vậy. Bảo vệ Tổ quốc, các con làm việc, bọ mạ không lo ngại gì. Nhưng các con phải cố gắng giữ gìn sức khỏe, khôn khéo và thẳng thắn đấu tranh với Trung Quốc. Bọ mạ ở nhà sẽ cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình, chăm nom và thăm hỏi con cháu. Vì chúng tôi đã từng trải qua chiến tranh nên chúng tôi hiểu…”.

    “Từ khi nghe tin dồn dập Trung Quốc ngày càng hung hãn hơn, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp tình người, chúng tôi cũng thêm phần lo lắng. Nhưng làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng nhất. Vì thế, chúng tôi luôn động viên nhau để các con yên tâm. Nếu nhỡ ốm đau thì cũng chỉ bảo trái gió trở trời sơ sơ để các con vững tin. Chỉ có điều ở trên biển, các con phải biết khôn khéo đấu tranh vì ở đó chỉ có biển, trời và tàu”, mạ Thuệ chia sẻ. 

    Cuộc gặp giữa giờ sóng lặng

    Từ ngày các anh ra khơi, hằng ngày ông bà không bỏ sót một tin tức nào từ đài, báo và tivi về Hoàng Sa. Biết đây là chuyến công tác đặc biệt, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước nên bà Thuệ, ông Xuyên tự động viên nhau giữ gìn sức khỏe để các con yên lòng. 

    Bất chợt trong một đêm giữa tháng sáu, chuông điện thoại reo đánh thức giấc ngủ vốn khó khăn của hai ông bà, thật không ngờ đó là điện thoại của anh Trần Tuấn Minh (kiểm ngư viên tàu 634) . “Con vẫn khỏe, tàu con bị móp hai bên mông. Con phải cập cảng Đà Nẵng sửa chữa, bọ mạ cứ yên tâm”. Trong chập chờn sóng anh Tuấn Minh vừa báo tin vừa động viên bố mẹ.

    Nhận được tin con, ngay trong đêm mạ Thuệ bắt xe từ Quảng Bình vào Đà Nẵng để tranh thủ chút thời gian quý báu gặp con. Sáng hôm sau vợ và con anh Tuấn Minh cũng bắt xe khách từ Hải Phòng vào để gặp chồng.   

    Vừa gặp lại mạ sau những ngày dài đối đầu với những hiểm nguy, Tuấn Minh chạy lại quàng tay ôm mạ rồi đi quanh ba vòng. “Các con của mạ bất kỳ khi nào đi công tác về đều đến ôm quàng mạ rồi đi quanh mạ ba vòng. Chúng đều nói “Con thích sống trong vòng tay của mạ”, mạ Thuệ chia sẻ.

    Là người gặp anh Tuấn Minh đầu tiên, mạ Thuệ thầm nghĩ “Minh à tóc con bạc nhiều quá, râu thì dài ra. Người thì đen cháy”. Nhưng mạ không nói mà ân cần nhắc nhở “Con phải nhuộm tóc, cạo râu ngay kẻo vợ con trông thấy lại lo”. Cắt tóc xong, anh Minh chạy ùa ra phía mạ khoe “Mạ ơi, mạ có thấy con đẹp trai không?”. Mạ Thuệ hiểu rằng Tuấn Minh không muốn mạ, vợ và con lo lắng. 

    Với sự tạo điều kiện của chỉ huy tàu, anh Tuấn Minh được gặp mạ, gặp vợ, gặp con trong vòng 8 tiếng rồi lại nói lời chia tay. Anh lại lên đường ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ. 

    Cũng thật trùng hợp khi tàu KN 634 vừa rời bến thì điện thoại mạ Thuệ lại reo, đó là từ cuộc gọi của anh Minh Tuấn kiểm ngư viên trên tàu KN 629. Thì ra tàu KN 629 cũng vào bờ để sửa chữa. “Tôi thật may mắn và hạnh phúc vì đã gặp được hai con. Thế là tôi ở lại Đà Nẵng để đón đứa con thứ hai từ Hoàng Sa về đất liền”, mạ Thuệ kể. 

    Khi tàu Minh Tuấn cập bến, vợ con Minh Tuấn đã chờ sẵn. Vừa thấy chồng, vợ anh khóc nức nở vì thấy chồng mình tóc tai, râu ria xồm xoàm, da đen cháy. Dù thấy con gầy và đen đi nhiều, nhưng tôi vẫn đùa “Gớm, may mắn lắm mới được gặp ông Tây như thế này, khóc gì mà khóc”. Thế là tất cả chúng tôi từ Minh Tuấn, vợ con hắn và mạ cùng cười. Mạ Thuệ chậm rãi kể về cuộc gặp người con trai thứ hai. 

    Trong những cuộc gặp hiếm hoi đó anh Minh Tuấn và Tuấn Minh kể chuyện bị tàu Trung Quốc đâm thủng mạn thuyền, rạn dưới khoang máy, nên anh cùng các đồng đội phải lấy áo quần trám lại để kịp vào bờ sửa chữa. Giấu những giọt lệ trong lòng, mạ Thuệ chỉ nói vết thương của tàu cũng như vết thương của con, nhưng các con hãy kiên trì bám trụ. 

    “Trong chống Mỹ cứu nước bọ, mạ hoàn thành nhiệm vụ trở về. Ngày nay, thế hệ các con phải bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Biết rằng đây là cuộc chiến gian khổ, rất vất vả và phức tạp. Mạ mong các con phải bình tĩnh, phải làm gương để các thế hệ tiếp theo noi gương”. Trong mỗi lần chia tay, mạ Thuệ đều cẩn thận dặn dò các con như vậy.

    “Tàu chúng thì to lớn, nhưng chí khí mình còn lớn hơn tất thảy. Vì mình bảo vệ Tổ quốc, còn chúng thì lấn chiếm. Tất nhiên con mình và các đồng đội của con cũng vất vả. Tôi tin ngày chiến thắng của chính nghĩa, và các con sẽ về với chúng tôi”, ông Xuyên nói. 

    Ba người con và một lời hứa

    Bà Thuệ cho biết, ngôi nhà cấp bốn mà ông bà ở đã xuống cấp, xung quanh lở loét hết cả. Mỗi mùa mưa bão nước lại ngập ngang nhà, ngồi trên gác lửng có thể chao chân xuống nước. Trận lụt năm ngoái hai vợ chồng bị “cầm tù” ba ngày chờ nước rút. “Ba đứa chúng nó hứa với bọ mạ, sang năm 2015 ba anh em sẽ gom góp tiền để sửa nhà cho bọ mạ, bọ mạ đừng lo”, bà Thuệ nói.


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ba-me-co-ba-con-dang-o-hoang-sa-a38489.html
    Ngôi đình lưu giữ bằng chứng khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam

    Ngôi đình lưu giữ bằng chứng khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam

    (ĐSPL) - Gần 500 năm tuổi, gắn liền việc mở cõi của Chúa Nguyễn về phía Nam, ngôi đình cổ kính ở làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên- Huế) còn là nơi lưu giữ hơn 200 bản thư tịch cổ. Đặc biệt, trong đó có bản thư tịch bằng chữ Hán - Nôm thời nhà Hậu Lê, khẳng định chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ngôi đình lưu giữ bằng chứng khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam

    Ngôi đình lưu giữ bằng chứng khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam

    (ĐSPL) - Gần 500 năm tuổi, gắn liền việc mở cõi của Chúa Nguyễn về phía Nam, ngôi đình cổ kính ở làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên- Huế) còn là nơi lưu giữ hơn 200 bản thư tịch cổ. Đặc biệt, trong đó có bản thư tịch bằng chữ Hán - Nôm thời nhà Hậu Lê, khẳng định chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.

    “Chờ Hoàng Sa lặng sóng cha về gặp con”

    “Chờ Hoàng Sa lặng sóng cha về gặp con”

    Đó câu chuyện của những cảnh sát biển, kiểm ngư viên đang tạm gác những hạnh phúc đời thường, có mặt nơi đầu sóng ngọn gió vì nhiệm vụ thiêng liêng: bảo vệ Tổ quốc