Đức đã cung cấp các hệ thống phòng thủ Eurofighters và "lá chắn thép" Patriot cho Ba Lan để giúp quốc gia này bảo vệ không phận của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nói với các tờ báo địa phương hôm 21/11 (giờ địa phương).
Chia sẻ với các tờ Rheinische Post và General-Anzeiger, bà Lambrecht cho biết: "Chúng ta phải định vị mình trong liên minh tốt hơn nữa về mặt phòng không". Điều này đặc biệt đúng với Ba Lan, Slovakia và các nước vùng Baltic.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết, ông đã nhận được lời đề nghị bổ sung tên lửa Patriot của Đức “với sự hài lòng” và sẽ chuyển chúng đến gần khu vực biên giới với Ukraine.
Ông Mariusz Blaszczak viết trên mạng xã hội Twitter rằng, trong cuộc điện đàm hôm 21/11 với phía Đức, ông đã đề xuất địa điểm tăng cường tên lửa Patriot. Ba Lan đã triển khai tên lửa Patriot của Mỹ.
Việc Đức cung cấp vũ khí để bảo vệ Ba Lan là minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp và lòng tin mà các quốc gia láng giềng đã xây dựng, sau khi vượt qua giai đoạn lịch sử đầy căng thẳng của họ bao gồm cuộc xâm lược của quân đội Đức Quốc xã và sự chiếm đóng tàn bạo của Ba Lan trong Thế chiến II. Quân đội Đức đã có mặt trên đất Ba Lan trong thời gian gần đây như một phần cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trước đó, ngày 15/11, một quả tên lửa đã rơi xuống ngôi làng Przewodow của Ba Lan, khiến 2 người thiệt mạng tại chỗ. Sau khi thu thập thông tin tình báo xoay quanh vụ việc, cả Ba Lan và các nước phương Tây nói rằng tên lửa này có thể là tên lửa S-300 của phòng không Ukraine.
Theo đó, phương Tây cho rằng sự cố là do hệ thống phóng không Ukraine đánh chặn tên lửa Nga. Đồng thời, NATO và Mỹ nhận định Nga vẫn phải nhận "trách nhiệm cuối cùng" về vụ việc vì đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Bích Thảo