Tại Hà Nội, trong các ngày từ 24-26/10 đã diễn ra 3 hội nghị quốc tế quan trọng liên quan đến việc phát triển các quốc gia của Đông Nam Á lục địa: Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 7; Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 8 và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về khu vực Mekong lần thứ nhất.
Khai mạc Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 7, CLMV lần thứ 8. |
Các nhà lãnh đạo chính phủ và nhà nước của các quốc gia thuộc hai cơ chế ACMECS và CLMV đã đánh giá các thành tựu đạt được kể từ khi thành lập năm 2003 đến nay, nổi bật là các cơ chế hợp tác khu vực này đã góp phần củng cố quan hệ giữa 5 nước thành viên trên cơ sở quan hệ láng giềng, hữu nghị truyền thống, vì lợi ích chung và hiểu biết lẫn nhau.
Các diễn đàn đồng thời là các kênh kêu gọi hỗ trợ của các nước ASEAN khác, cũng như của các đối tác quốc tế ngoài khu vực dành cho các nước CLMV, ACMECS.
Đông Nam Á lục địa là khu vực địa lý quan trọng của Đông Nam Á. Trong ASEAN, các nước này, trừ Thái Lan, vẫn thuộc diện kém phát triển. Nâng cao hợp tác tiểu vùng là một biện pháp quan trọng để thu hút các nguồn tài trợ và đầu tư nước ngoài, kết hợp với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, phát huy các nguồn lực của 5 nước để rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước Đông Nam Á hải đảo.
Các cuộc gặp gỡ cấp cao diễn ra 1 đến 2 năm một lần. Tại cấp cao Hà Nội lần này, các nhà lãnh đạo đã đánh giá cao những tiến bộ đạt được trong các lĩnh vực hợp tác mà một trong những thành tựu nổi bật là phát triển du lịch tại các nước thành viên ACMECS với hơn 52 triệu khách quốc tế. Trong khuôn khổ của CLMV, lượng khách du lịch gia tăng ổn định trong vài năm gần đây, từ 10,9 triệu lượt khách năm 2010 lên 22 triệu lượt khách năm 2015, đạt tăng trưởng hằng năm là 12,4%
Lần này, các nước thành viên đề ra mục tiêu thúc đẩy du lịch xanh và du lịch có trách nhiệm; phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, trong đó có du lịch đường sông Mekong, du lịch đường bộ, du lịch đường biển.
Các thành viên cũng quyết tâm tăng cường hợp tác trong phát triển nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và sử dụng năng lượng hiệu quả. Tại ACMECS, các thành viên nhất trí xây dựng các chương trình hợp tác về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, công nhận lẫn nhau về chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng cường hợp tác trong quản lý dịch bệnh vật nuôi qua biên giới. Các nước cũng xác định hợp tác nghiên cứu các giống cây trồng mới cũng như các giống cây trồng truyền thống, có khả năng thích nghi và thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra tại khu vực Đông Nam Á lục địa. Một nội dung quan trọng là thực hiện các chương trình hợp tác về quản lý nguồn nước trong nông nghiệp và nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tiếp tục củng cố hợp tác giữa các nước thành viên ACMECS về tăng cường phối hợp giữa ACMECS với Ủy hội sông Mekong và các cơ chế khu vực khác, cùng quản lý nguồn nước nhằm quản lý và phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả và bảo tồn nguồn nước xuyên biên giới và các nguồn tài nguyên khác liên quan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 7, CLMV lần thứ 8. |
Trong khuôn khổ hợp tác CLMV, các nước nghị quyết đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến đường còn thiếu và cải tạo các tuyến đường dọc theo Hành lang Kinh tế Bắc-Nam (NSEC), Hành lang Kinh tế Đông-Tây (EWEC) và Hành lang Kinh tế phía nam (SEC). Đoofng thời, cũng đưa ra quyết định quan trọng: Xây dựng tuyến đường cao tốc kết nối Vientiane và Hà Nội để tạo thuận lợi cho việc di chuyển hàng hoá và con người giữa hai thủ đô; triển khai nghiên cứu khả thi mở tuyến đường kết nối Rangoon-MaythilaTalay-Cenglap (Myanmar)-Xieng Coc-Luang Namtha-Oudomxay-Muang Khua (Lào)-Tây Trang-Hà Nội (Việt Nam); chuyển đổi các hành lang giao thông thành các hành lang kinh tế và nhất trí đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa, hài hòa hóa thủ tục thông quan và tiếp tục phát triển các khu công nghiệp dọc các tuyến hành lang; thúc đẩy thương mại biên giới thông qua hài hòa hóa các quy định về thương mại biên giới và phát triển hệ thống chợ biên giới; nghiên cứu khả năng áp dụng mô hình kiểm tra “Một cửa, một lần dừng” tại các cặp cửa khẩu quốc tế dọc Hành lang Kinh tế Đông-Tây và Hành lang Kinh tế phía nam.
Các nhà lãnh đạo tham gia các hội nghị nhận thức đầy đủ những thách thức mà các nước trong vùng đang phải đối mặt như hạn chế về nguồn lực và năng lực, cơ sở hạ tầng yếu kém, các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tình trạng bất ổn định của kinh tế khu vực và toàn cầu, tính dễ bị tổn thương của các nền kinh tế mở và nhỏ. Các nước trong vùng đã bước vào một giai đoạn phát triển mới với những cơ hội phát triển chưa từng có nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức mới. Việc các nước thành viên đều đang trong quá trình chuyển đổi kinh tế-xã hội nhanh chóng vừa là cơ hội, vừa là thách thức.
Nhận thức được tầm quan trọng của các doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo khuyến khích khu vực doanh nghiệp tham gia vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Các nước CLMV đề ra 5 lĩnh vực chiến lược là lương thực và nông nghiệp, tạo thuận lợi thương mại, doanh nghiệp vừa và nhỏ, giáo dục, y tế và phúc lợi.
Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với ACMECS, CLMV và WEF-Mekong. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì các phiên họp khai mạc của ACMECS, CLMV. Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sau hơn một thập kỷ hoạt động, hợp tác CLMV, ACMECS đã đạt kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, đóng góp vào tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, củng cố quan hệ láng giềng tốt đẹp, hòa bình, ổn định ở khu vực. Các nước Mekong đã trở thành động lực quan trọng của các nước Đông Nam Á, được đánh giá là một trong những khu vực phát triển năng động hàng đầu trên thế giới.
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải tìm cách thúc đẩy hợp tác kinh tế và kết nối hạ tầng, đi đến hiệu quả ngày càng thiết thực. Điều này phù hợp với phương châm của Việt Nam tại các hội nghị đa phương gần đây là tích cực thực hiện từ tầm nhìn đến hành động.
Tại cấp cao Hà Nội lần này, Việt Nam đã đưa ra nhiều chương trình nghị sự mới, trong đó nổi bật là sáng kiến mời được Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức Diễn đàn WEF-Mekong lần đầu tiên. Sự kiện được kỳ vọng tăng cường kết nối thực chất giữa doanh nghiệp với các nguyên thủ, các nhà hoạch định chính sách, với hy vọng đi đến được các dự án rất cụ thể, biến những thứ còn trên giấy tờ, trong tầm nhìn trở thành hiện thực. Ý tưởng là nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy quan hệ đối tác công-tư nhằm hiện thực hóa tầm nhìn về một Tiểu vùng Mekong cạnh tranh, hội nhập và thịnh vượng.
Đối với các doanh nghiệp, vấn đề cơ bản vẫn là lợi ích. Các tập đoàn xuyên quốc gia, các đối tác phát triển được đề nghị hợp tác với các Chính phủ trong khu vực, dành nhiều nguồn lực hơn cho Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực và khả các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để các doanh nghiệp này không bị tụt lại đằng sau mà còn trở thành động lực dẫn dắt khu vực phát triển trong thời gian tới.
Đồng thời, trong thời kỳ có nhiều chuyển động và biến động của tương quan lực lượng và cạnh tranh quốc tế ở khu vực, các lợi ích kinh tế luôn gắn với các lợi ích địa-chính trị, nhà nước gắn với tư nhân.
Các hội nghị quốc tế lần này khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ hợp tác chặt chẽ toàn diện giữa các nước láng giềng, có ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề an ninh và phát triển của Việt Nam. Cả ba hội nghị đều có chủ đề phát triển bền vững và vấn đề sông Mekong.
Chỉ có thông qua phối hợp và hợp tác chặt chẽ giữa các nước trong vùng và với các đối tác ngoài khu vực, các quốc gia trong khu vực sông Mekong mới có thể vượt qua các thách thức và tạo nên một khu vực kinh tế năng động, phát triển bền vững và bao trùm, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của Đông Nam Á và châu Á.