Bá hộ Xường tên thật là Lý Tường Quan. Cha của ông là người Hoa, lấy vợ người Việt sinh ra bốn người con, trong đó ông Quan là con thứ ba. Ông sinh tại thôn Nhơn Hòa (Gia Định) vào năm 1842. Tương truyền lúc mới sinh có “hồng hoa bao để” (đẻ bọc điều) nên gia đình đặt tên là Tường Quan.
Theo sử sách ghi lại, từ nhỏ, ông là người khá thông minh và rất hiếu học. Ông được bố mẹ cho học cùng lúc tiếng Việt, tiếng Hoa và tiếng Pháp nên là người thông thạo ngoại ngữ. Không chỉ vậy, ông còn là người có tài về cầm kỳ thi họa. Chính vì điều đó mà sau này ông được người Hoa bầu làm ban trưởng bang Triều Châu. Sau đó, ông được Pháp mời ra làm thông ngôn, kiêm luôn chức vụ bang trưởng cả bảy bang Hoa kiều Chợ Lớn. Việc Pháp thành lập được 25 hộ trưởng trong Chợ Lớn đều có công sức rất lớn của ông.
Thời bấy giờ, nếu được làm thông ngôn cho chính quyền Pháp thì khả năng lấn sân vào giới quan chức là vô cùng dễ dàng, tiền bạc từ đó cũng phất lên là không hề ít. Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển từng kể lại: “Xưa thầy thông ngôn oai lắm: Chức làm “interprète” khi đứng bàn ông Chánh (tức thông dịch viên của Tham biện chủ tỉnh) thét ra khói. Khi lại đứng bàn ông Phó, làm tay sai và thông dịch viên cho Phó tham biện, hét ra lửa. Ngày sau thầy thông ngôn có đủ năm làm việc thì được làm một nhiệm kỳ nữa rồi được bổ làm Huyện, lên Phủ, rồi Đốc phủ sứ, làm Chủ quận, đại diện cho quan Pháp trong một vùng, oai thấu trời, oai hơn ông ghẹ”.Tuy nhiên, ông Quan chỉ làm được vài năm rồi từ bỏ công việc làm thông ngôn để đi buôn. Việc đi buôn này giúp ông có thêm nhiều cơ hội làm giàu cho bản thân. Hơn nữa, nhờ khoảng thời gian làm thông ngôn cho chính quyền Pháp, ông đã có chút vốn liếng rồi nhờ mối quan hệ với Pháp mà việc đi buôn của ông thuận lợi hơn rất nhiều.
Ban đầu, ông lựa chọn kinh doanh thực phẩm và đây là bước đi quyết định cho việc trở thành một trong “Tứ đại phú hộ” thời bấy giờ. Ông tiến hành thu mua toàn bộ cá ở lục tỉnh rồi mang bán ở Chợ Lớn và Sài Gòn. Không chỉ cung cấp các thực phẩm tươi sống cho người dân trong nước, ông còn tiến hành chế biến cá khô để xuất khẩu sang nước ngoài. Như vậy, ông là người đầu tiên tiến hành lựa chọn việc xuất nhập khẩu làm phương thức kinh doanh.
Sau này khi đã có nhiều vốn, ông tiếp tục mở rộng kinh doanh bằng việc mua thịt, cá ở miền Tây bán cho người thị tứ và các nhu yếu phẩm khác từ thành phố về vùng quê cho nông dân. Nhờ sự linh hoạt trong kinh doanh mà ông nhanh chóng giàu lên với khối tài sản bạc tỷ. Chính vì sự giàu có nhanh chóng nên người ta không còn gọi ông là Tường Quan nữa mà gọi là Hộ Xường.
Với lợi nhuận khổng lồ thu được từ kinh doanh thịt, cá, ông lấn sân sang bất động sản. Ông tiến hành cho xây hàng loạt các ngôi nhà, biệt thự tại Chợ Lớn rồi cho thuê và bán, nhờ đó mà tài sản của ông ngày một tăng lên. Nhờ tận dụng các mối quan hệ với chính quyền Pháp cũng như cách hành xử “biết điều” nên ông mua được rất nhiều khu đất ruộng, đất hoang giá rẻ rồi đầu tư xây địa ốc để “đón gió”.
Dinh thự của ông rất bề thế, đến nay nó vẫn còn tọa lạc trên đường Hải Thượng Lãn Ông và được Nhà nước xét tặng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Bá hộ Xường qua đời vào năm 1896, sau khi ông mất hầu hết tài sản của ông bị con cháu ăn xài, tiêu phí hết.