(ĐSPL) -Chính trường Mỹ lại tiếp tục nóng khi ứng viên đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bị FBI chất vấn về việc sử dụng email cá nhân trong thời gian đương nhiệm. Sau buổi chất vấn, Giám đốc FBI đưa ra tuyên bố về việc “sẽ không đề nghị truy tố” bà Hillary. Thông tin này công khai đã vấp phải rất nhiều y kiến phản đối, dư luận cho rằng đó la sự thiếu công bằng, trung thực trong quá trình điều tra…
CNN (Mỹ) ngày 6/7 đưa tin, Giám đốc FBI James Comey cho biết, ông sẽ không đề nghị truy tố ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton vì sử dụng địa chỉ email riêng trong thời gian đương chức Ngoại trưởng. “Chúng tôi đánh giá trường hợp này không đáng phải khởi tố”, ông Comey tuyên bố sau quá trình điều tra của FBI. Dù thế, ông Comey kịch liệt chỉ trích hành động này của cựu Ngoại trưởng và các cố vấn của bà “cực kỳ bất cẩn” trong việc quản lý các thông tin mật. “Mặc dù không có chứng cứ rõ ràng về việc cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và đồng nghiệp cố ý vi phạm luật pháp trong quản lý thông tin mật, nhưng có chứng cứ cho thấy họ đã cực kỳ bất cẩn trong quản lý các thông tin có độ nhạy cảm và độ bảo mật cao”, Giám đốc FBI cho biết.
Ông Comey cũng khẳng định, cuộc điều tra đã được thực hiện rất trung thực, hoàn chỉnh và độc lập, không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào từ bên ngoài. Kết quả điều tra của FBI cho thấy, trong 30.000 email mà các cố vấn bà Clinton gửi về bộ Ngoại giao có 110 email trong 52 chuỗi email bà Clinton đã nhận hoặc gửi bằng địa chỉ email cá nhân được xác định không chứa thông tin mật vào thời điểm gửi hoặc nhận. 8 trong 52 chuỗi email này chứa thông tin thuộc hàng tuyệt mật, mức phải bảo mật cao nhất.
Giám đốc FBI Comey tuyên bố không đề nghị truy tố bà Hillary Clinton. |
FBI tìm thấy hàng ngàn email liên quan đến công việc nhưng đã bị xóa và không gửi về bộ Ngoại giao. FBI nhận định đây là hành động làm nhẹ hộp email của bà Clinton hoặc các cố vấn, hoặc có thể do luật sư bà Clinton xóa nhầm vì nhầm chúng là email cá nhân trước khi gửi về bộ Ngoại giao.
Trước đó, ngày 2/7, ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, người gần như chắc chắn đại diện cho đảng này tham gia vòng “chung kết” cuộc chạy đua Nhà Trắng vào tháng 11 tới đây đã bị FBI chất vấn về việc sử dụng thư điện tử cá nhân khi còn là Ngoại trưởng Mỹ.
Ngay sau cuộc chất vấn, phát ngôn chiến dịch tranh cử của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary, ông Nick Merrill ra tuyên bố: “Ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton đã có một cuộc chất vấn tự nguyện về việc sử dụng email khi còn là Ngoại trưởng Mỹ. Cuộc chất vấn diễn ra trong hơn 3 tiếng rưỡi”. Sau buổi chất vấn, bà Clinton đã có trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN (Mỹ): “FBI nên làm điều này sớm hơn, đây là cuộc chất vấn mà tôi muốn làm lâu nay”. Cựu Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, bà rất vui lòng khi có cơ hội hỗ trợ bộ Tư pháp kết thúc quá trình điều tra này. Vì tôn trọng quá trình điều tra, bà sẽ không bình luận thêm về cuộc chất vấn. Bà khẳng định, chỉ dùng email cá nhân trao đổi những vấn đề nhỏ nhặt, không phương hại đến an ninh quốc gia và tin rằng, cơ quan điều tra sẽ chứng minh sự vô tội của mình.
Nhưng giữa thời điểm nhạy cảm chính trị, cuộc chất vấn của FBI đã đẩy ứng viên đảng Dân chủ vào thế bất lợi, nhiều phe phái lợi dụng điều này để công kích bà. Ngay sau tuyên bố của Giám đốc FBI, đối thủ của bà, ông Donald Trump cáo buộc: “Không thể có việc FBI không đề nghị truy tố hình sự chống lại Hillary Clinton. Một hệ thống gian lận, quá không công bằng. Đây là một quyết định tồi tệ”.
Chung quan điểm, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, thành viên đảng Cộng hòa cho rằng, tuyên bố của ông Comey là coi thường luật pháp. “Không ai được đứng trên luật pháp. Nhưng tuyên bố của ông Comey cho thấy, quy định luật pháp đã bị hủy hoại. Không khởi tố Ngoại trưởng Clinton vì bất cẩn trong quản lý và chuyển tiếp thông tin an ninh quốc gia sẽ tạo một tiền lệ tồi tệ”, ông Paul Ryan nói.
Chủ tịch đảng Cộng hòa Reince Priebus cũng chỉ trích quyết định của FBI: “Rất nhiều trường hợp binh sỹ, quân nhân phải rời khỏi quân đội vì những sai lầm còn kém nghiêm trọng hơn rất nhiều so với những gì bà Clinton đã làm”.
Trước cuộc điều tra này, cuộc gặp riêng giữa chồng bà Hillary, cựu Tổng thống Bill Clinton và Bộ trưởng bộ Tư pháp cũng gây nhiều sự nghi ngờ về kết qua cuộc điều tra. CNN dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quốc gia, thành viên đảng Cộng hòa Reince Priebus nói trong một tuyên bố: “Người dân Mỹ cần phải có niềm tin, chính quyền Obama đang tiến hành một cuộc điều tra công bằng, vô tư. Nhưng chúng ta cần xét lại hành động bí mật của cựu Tổng thống Bill Clinton gặp Bô trưởng bộ Tư pháp Loretta Lynch trước cuộc chất vấn, rõ ràng có sự không minh bạch ở đây”.
Chuyên gia chính trị Maeve Reston của CNN đưa ra bình luận, những sự kiện diễn ra trong thời điểm nhạy cảm này sẽ là gót chân Asin của bà Clinton. Cử tri Mỹ sẽ đặt ra nghi vấn về sự trung thực và con người thực chất của cựu Ngoại trưởng là gì xung quanh bà Clinton và người chồng trong hai nhiệm kỳ đứng đầu Nhà Trắng. Rất có thể cuộc chất vấn mà không kết thúc sớm, nó sẽ tạo thành một “cơn gió ngược” gây bất lợi cho cựu Ngoại trưởng Mỹ vào lúc này.
Trong một diễn biến liên quan, cuộc thăm dò CNN cuối tháng Sáu cho thấy, 67\% số người được hỏi đồng ý, việc bà Clinton sử dụng hòm thư cá nhân khi còn đương nhiệm là hoàn toàn sai lầm theo luật pháp Mỹ. Một thăm dò khác tại các bang Ohio, Florida, Pennsylvania (Mỹ) cho thấy, số lượng cử tri đang hoài nghi về sự trung thực của ứng viên đảng Dân chủ này tăng lên.
Chung quan điểm, chuyên gia nghiên cứu Stephen Colllnson của CNN bình luận: “Ngoại trưởng Mỹ cùng các cố vấn thân tín nhất của bà quản lý tài liệu mật của Chính phủ. Bà Clinton và các nhân viên của mình đã phải vật lộn để đối phó với những cáo buộc cách sử dụng email cá nhân của bà Clinton đã vi phạm giao thức của bộ Ngoại giao, điều đó đồng nghĩa là bà Clinton không đáng tin cậy”. Dù đã có kết quả chính thức từ FBI, nhưng dự đoán thời gian tới ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton sẽ bị vấp phải “cơn bão” chỉ trích đến từ các đối thủ của bà.
PHƯƠNG ANH
Nguồn: CNN
[mecloud]rPsFwiwkqr[/mecloud]