Báo Thế giới và Việt Nam cho biết, theo số liệu của Cơ quan Hải quan liên bang Nga, tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa của nước này năm 2023 đạt 710,1 tỷ USD. Trong đó, 51% thuộc về các nước châu Á, châu Âu (23%), Cận Đông (11%), các quốc gia lân cận (8%), châu Mỹ (4%) và châu Phi (3%).
Đứng đầu trong thương mại với Nga là Trung Quốc với giá trị trao đổi hàng hóa 240,1 tỷ USD. Ấn Độ từ vị trí thứ 5 vươn lên thứ 2 với 64,9 tỷ USD (tăng 1,8 lần), trong đó xuất khẩu dầu từ xứ sở bạch dương sang quốc gia Nam Á tăng gấp đôi. Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ ba với 56,5 tỷ USD.
Chủ tịch Duma quốc gia Nga: Moscow là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Mỹ đã mất vị trí dẫn đầu cùng với Belarus và Kazakhstan, 5 nước này chiếm 60% tổng kim ngạch hàng hóa của Nga trong năm 2023.
Top 5 đối tác thương mại tiếp theo của Moscow gồm Đức, Hàn Quốc, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Brazil và Hà Lan.
Báo Dân trí dẫn nguồn hãng tin Reuters cho biết, Nga đã báo cáo doanh thu dầu thô tăng vọt trong quý I khi giá dầu tăng cao. Nga đang nỗ lực bán dầu sau khi hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ do xung đột tại Ukraine.
Báo cáo của Bộ Tài chính Nga cho rằng đã có tín hiệu tích cực mạnh mẽ trong dòng tiền vào ngân sách liên bang. Dòng vốn vào từ các ngành phi năng lượng tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, tạo thành cơ sở ổn định để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đáng chú ý, doanh thu từ dầu khí ghi nhận mức tăng 80% so với năm ngoái, nhờ giá cả tăng và các công ty dầu mỏ nộp thuế.
Ngành dầu mỏ Nga đang đối mặt thách thức do lệnh trừng phạt tăng cường của phương Tây. Các biện pháp trừng phạt thứ cấp đang khiến nhiều ngân hàng toàn cầu lo ngại và hạn chế giao dịch với Moscow.
Bà Elvira Nabiullina, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, việc phương Tây thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với nước này đang ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu dầu mỏ.
Theo bà, sau đợt sụt giảm vào đầu năm nay, xuất khẩu đã phục hồi nhờ giá dầu tăng. Giá dầu thô quốc tế đã tăng hơn 10% trong năm nay. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của phương Tây cản trở quá trình phục hồi này.
Năm 2023, thu nhập từ năng lượng của Nga đã giảm 23,9% so với năm trước đó do lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga bằng đường biển và mức giá trần từ G7.
Trước đó, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với công ty vận tải Sovcomflot và 14 tàu chở dầu thô của họ liên quan đến vận chuyển dầu của Nga.
Khi được hỏi về việc bán cho các quốc gia phương Tây các sản phẩm tinh chế được sản xuất từ dầu của Nga, bà Anna Morris, trợ lý thư ký tại Kho bạc Mỹ, cho rằng điều đó sẽ không vi phạm lệnh trừng phạt.
"Một khi dầu của Nga được tinh chế, nó không còn là dầu của Nga nữa. Nếu nó được xử lý ở một quốc gia và sau đó được vận chuyển thì từ góc độ trừng phạt đó không phải là hàng nhập khẩu từ Nga", bà nói với Reuters. Như vậy, dầu Nga sẽ có thể len lỏi vào khắp nơi kể cả châu Âu dưới hình thức các sản phẩm tinh chế.