Không chỉ là vị vua sống thọ nhất (88 tuổi), Càn Long Đế còn có cuộc sống xa hoa nhất, cai trị lâu nhất (60 năm) trong lịch sử Trung Hoa.
Càn Long: Ông vua sống thọ nhất
Càn Long Đế là vị vua sống thọ nhất lịch sử Trung Hoa. |
Càn Long tên thật là Ái Tân Giác La Hoằng Lịch (1711 - 1799) là Hoàng đế thứ 6 của nhà Thanh. Năm 1736, ông lên ngôi Hoàng đế và lấy niên hiệu là Càn Long. Ông còn được biết tới với tên gọi Thanh Cao Tông.
Càn Long Đế sống thọ tới 88 tuổi và trở thành vị vua sống thọ nhất trong lịch sử Trung Hoa. Tuổi thọ như thế này trong lịch sử Trung Quốc rất hiếm, bởi chỉ có 3 vị vua có tuổi thọ vượt qua 80. Hai người còn lại, một là Nữ Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc Võ Tắc Thiên (82 tuổi) và Lương Vũ Đế Tiêu Diễn của Nam Bắc triều thọ 86 tuổi.
Càn Long là vị vua sống xa hoa nhất Thanh triều
Xét về độ xa hoa, Càn Long cũng được nhớ tới là vị vua "chịu chơi" nhất triều Thanh. Ông hay tổ chức đại tiệc trong cung, cũng thường xuyên ra ngoài Tử Cấm Thành đi tìm thú vui ở những nơi có ca kĩ.
Theo tài liệu sử ghi chép, năm Càn Long đế mừng thọ 60 tuổi, ông đã gọi quan lại trong nước và sứ thần nước ngoài tới dự. Cung đình bấy giờ được trang hoàng rực rỡ, treo đèn kết hoa, bên lề đường xây dựng các sân khấu biểu diễn để dành cho các gánh hát.
Lần mừng thọ 80 tuổi, vua Càn Long còn tổ chức một buổi yến tiệc cho gần 6.000 người tham sự. Ước tính chi phí cho hai lần mừng đại thọ tốn đến mười triệu lạng bạc bấy giờ.
Thời Càn Long Đế, kinh tế, xã hội và chính trị của Trung Hoa ở vào thời kỳ hưng thịnh nhất của vương triều nhà Thanh. Cũng giống như ông nội, Càn Long hay đi vi hành. Nhưng mục đích vi hành của ông tập trung vào việc hưởng thụ là chính, còn chiêu mộ nhân tài hay tìm hiểu đời sống nhân dân chỉ là phụ. Trong những lần đi vi hành, vua Càn Long cũng tuyển vào cung không ít mỹ nhân để hầu hạ mình. Bởi lẽ đó, Càn Long đế cũng được mệnh danh là một vị vua phong lưu, đa tình bậc nhất Trung Hoa. Ông có khoảng 40 thê thiếp, chưa kể những người đã được phong sắc.
Hoàng đế cai trị lâu nhất
Thời kì trị vì của vua Càn Long kéo dài hơn 60 năm từ 18 tháng 10, 1735 đến 9 tháng 2, 1796, và là thời cực thịnh về kinh tế và quân sự của nhà Thanh. Vào thời này, lãnh thổ nhà Thanh kéo dài đến châu thổ sông Ili và Tân Cương và lãnh thổ Trung Quốc mở rộng đến tối đa: khoảng 11.000.000 km², so với 9.000.000 km² hiện tại. Ông bắt chước cách thức cai trị của ông nội mình là Khang Hy, người mà ông rất ngưỡng mộ.
Khi còn trẻ, Càn Long đã khiến Khang Hi ngạc nhiên về rất nhiều lĩnh vực, nhất là về văn học nghệ thuật. Và Khang Hi đã cho rằng Càn Long có thể sẽ là xứng đáng trở thành hoàng đế kế vị của nhà Thanh sau Ung Chính.
Lúc lên ngôi, Càn Long có mở một số cuộc viễn chinh (đã thất bại), và thu nạp nhiều phụ nữ, tuần du các nơi, kết nạp lộng thần tham ô Hoà Thân...
Năm 1796, ông nhường ngôi cho con là Ngung Diễm, lên làm Thái thượng hoàng, giữ vững quyền triều chính.
Thu Hằng(T/h)