Giao tranh gay gắt tại khu vực Nagorno-Karabakh tiếp tục diễn ra khi Armenia liên tục bắn tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Azerbaijan.
Independent đưa tin các cuộc giao tranh gay gắt tại Nagorno-Karabakh tiếp tục diễn ra hôm 22/10 với việc hai nước Armenia và Azerbaijan liên tục đổ lỗi trong các cuộc tấn công mới.
Mới đây, bộ Quốc phòng Azerbaijan cáo buộc Armenia đã liên tục bắn một số tên lửa đạn đạo từ lãnh thổ của mình nhằm vào các thành phố Gabala, Siyazan và Kurdamir của Azerbaijan, những nơi nằm cách xa khu vực giao tranh ở Nagorno-Karabakh. Bộ này cũng cho biết thêm không có thương vong sau cuộc tấn công này.
Ảnh minh họa. Nguồn: Al Arabiya. |
Hiện tại, phía quân đội Armenia đã bác bỏ tuyên bố này và cho rằng đó là "một lời nói dối hoài nghi".
Khu vực biên giới Nagorno-Karabakh thuộc Azerbaijan nhưng đã nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Armenia hậu thuẫn kể từ khi một cuộc chiến giữa hai nước kết thúc vào năm 1994. Cuộc xung đột mới đây giữa Armenia và Azerbaijan bắt đầu vào ngày 27/9 đã khiến hàng trăm người thiệt mạng, đánh dấu sự leo thang lớn nhất trong cuộc xung đột kể từ năm 1994.
Hai lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian đã sụp đổ ngay lập tức sau khi có hiệu lực, và hai bên tham chiến tiếp tục tấn công nhau bằng pháo hạng nặng, tên lửa và máy bay không người lái.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã nói rằng để chấm dứt chiến tranh, lực lượng Armenia phải rút khỏi Nagorno-Karabakh. Ông khẳng định Azerbaijan có quyền giành lại lãnh thổ của mình bằng vũ lực vì gần ba thập kỷ hòa giải quốc tế không mang lại hiệu quả.
Nga, Mỹ và Pháp đã đồng chủ trì "nhóm Minsk" do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu thành lập để làm trung gian trong cuộc xung đột, nhưng nỗ lực đàm phán giải quyết chính trị của họ đã bị đình trệ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Independent. |
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinian hôm 21/10 phản pháo lại rằng lập trường hiếu chiến của Azerbaijan có hiệu quả tương đương với yêu cầu khu vực Nagorno-Karabakh đầu hàng, không còn chỗ cho ngoại giao. “Hiện không có cách nào để giải quyết vấn đề Nagorno-Karabakh thông qua ngoại giao”, ông Pashinian nói.
Nhà lãnh đạo Armenia cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ khuyến khích cuộc tấn công của Azerbaijan vào Nagorno-Karabakh và ngăn chặn mọi nỗ lực ngừng bắn.
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, đã mạnh mẽ bảo vệ quyền của đồng minh trong việc giành lại các vùng đất của mình bằng vũ lực và cố gắng giành được một vai trò ngoại giao cấp cao hơn trong cuộc xung đột. Máy bay không người lái tấn công và hệ thống tên lửa tầm xa do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp trong những năm trước đã mang lại lợi thế mạnh mẽ cho quân đội Azerbaijan trên chiến trường.
Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cảnh báo hôm 21/10 rằng Ankara sẽ không ngần ngại gửi quân đến Azerbaijan nếu Baku đưa ra yêu cầu như vậy. Ông chia sẻ với CNN: “Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ có thỏa thuận về hợp tác quân sự. Nếu Armenia có những bước đi bất ngờ và có yêu cầu gửi quân từ Baku, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không do dự".
Nga, nước có căn cứ quân sự ở Armenia, đã tham gia vào một hành động cân bằng tinh tế, cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Azerbaijan và tránh đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ. Một nhà lập pháp Nga Konstantin Zatulin, lập luận hôm 22/10 rằng Moscow nên can thiệp quân sự để bảo vệ Armenia, nhưng Điện Kremlin bác bỏ lời kêu gọi này.
Khi được hỏi về tuyên bố của ông Zatulin, phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin Dmitry Peskov trả lời rằng “không có cách nào ngoài một giải pháp hòa bình”.
Bình luận về việc Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi một vai trò hòa giải lớn hơn trong cuộc xung đột, ông Peskov nói rằng việc hòa giải như vậy phải được cả hai bên tham chiến chấp nhận. Armenia đã dứt khoát từ chối sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vì ủng hộ Azerbaijan.
Bích Thảo(Theo Independent)