+Aa-
    Zalo

    App tín dụng đen đòi nợ: Lúc mềm mỏng, khi trở mặt côn đồ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dính vào tín dụng đen vay qua app online lãi suất cao, không ít người sa vào vòng xoáy với lãi suất “cắt cổ”. Chậm trả một ngày, nạn nhân bị đe dọa bằng nhiều hình như bôi nhọ danh dự, làm phiền đến đồng nghiệp, người thân của người vay...

    Bị “khủng bố” điện thoại cả ngày lẫn đêm 

    H.L. - một thành viên trong nhóm “Hội Bùng App Vay Tiền Và Chia Sẻ Cách Đối Phó” có gần 26.000 thành viên trên mạng xã hội cho biết, bản thân vay rất nhiều app như Truecaller, Tamo, Dr Đồng, Cashvn… với số tiền từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Hiện đã quá hạn tất toán gốc và lãi song L. không còn khả năng trả nợ nên bị app vay tiền gọi điện khủng bố cả ngày. “Họ nhắn tin, gọi điện khủng bố, làm phiền đến cả người nhà, bạn bè, đồng nghiệp. Nhiều người quay ra trách móc, thậm chí từ mặt mình, rất khổ tâm”, L. nói. 

    Chủ nợ liên tục gọi điện nhắn tin thúc giục thanh toán nợ bất kể ngày đêm.

    Sau khi nếm trải việc bị khủng bố điện thoại, đăng ảnh bêu rếu khắp mạng xã hội, rải tờ rơi bôi nhọ danh dự, uy tín thì thành viên H.S. của Hội trên còn nhận được thông báo khẩn cấp, phát hành bởi văn phòng luật, yêu cầu cung cấp các thông tin về thân nhân, thu nhập, chỗ ở…, thông tin liên quan đến khoản vay 13 triệu đồng từ một app vay tiền online. Trong đó nhấn mạnh “nếu trong vòng 3 ngày kể từ khi nhận được thông báo mà người vay không có phản hồi thì văn phòng luật sẽ tiến hành thủ tục tố tụng hình sự, dân sự. Người vay có khả năng bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản”. “Hiện tại tôi không còn khả năng trả nợ, mọi thứ đi vào ngõ cụt. Nay lại nhận được đơn kiện, cũng không biết sẽ ra sao”, S. chia sẻ. 

    Con nợ nhận được thông báo khẩn cấp đến từ văn phòng luật, bên cạnh đó là những tin nhắn đe dọa, thúc giục trả nợ.

    Chỉ khi trả hết nợ, người vay mới thực sự được “tự do”

    Sau khi tung hàng loạt động thái đòi nợ nhưng con nợ vẫn im hơi lặng tiếng, chủ nợ bắt đầu thay đổi chiến thuật, chuyển qua khuyên bảo, thuyết phục con nợ tất toán nợ gốc để tránh gây thêm phiền phức cho người nhà và yên ổn làm ăn, làm lại cuộc đời. 

    “Đăng ảnh mình khắp các nơi xong thì họ năn nỉ chỉ cần tất toán nợ gốc. Mình cũng muốn giải quyết cho xong để còn làm ăn, cũng đã hứa với gia đình sẽ làm lại, không vướng vào tín dụng đen nữa nhưng liệu có đơn giản như vậy?”, H.K. - một thành viên trong “Hội Bùng App Vay Tiền Và Chia Sẻ Cách Đối Phó” nói.

    M.L. cũng là thành viên của hội này cho biết, bản thân cũng được chủ nợ đồng ý cho tất toán nợ gốc và hẹn gặp giải quyết. Nhưng khi đến nơi, L. bị thu giữ phương tiện cá nhân và vẫn phải thanh toán cả gốc, lẫn lãi tính gộp cả thời gian nợ quá hạn. “Mình đi xe máy đến bị thu luôn chìa khóa xe, trong người có bao nhiêu tiền lấy ra trả sạch nhưng vẫn không xong vì còn cả khoản lãi, tiền phạt quá hạn. Giờ mình vẫn gánh một khoản nợ, điện thoại tin nhắn suốt ngày rất mệt mỏi”, L. kể lại.

     

    Chỉ khi trả xong nợ, người vay mới có thể yên ổn làm lại cuộc đời. 

    Một thành viên khác cho biết, chủ nợ hẹn gặp giải quyết xong bản thân không đem theo tiền nên đã phải viết giấy nợ. Đồng thời còn bị chủ nợ ép gọi điện về cho gia đình, yêu cầu người nhà viết giấy cam kết trả nợ thay thì mới cho về. “Thương con và muốn gia đình yên ổn nên mình chỉ còn cách vay khắp nơi trả nợ cho xong, dù lãi vay cao cắt cổ. Không trả hết thì chẳng bao giờ được yên”, N.H. nói. 

    Mới đây, tại Hội thảo “Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng đen khu vực nông thôn” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an và TAND TP Hà Nội tổ chức, các diễn giả cho rằng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen vẫn tiềm ẩn sự phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhu cầu vay tiền cho sinh hoạt, kinh doanh tăng cao.

    Để đối phó với cơ quan chức năng, đối tượng hoạt động tín dụng đen lập doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội Zalo, Facebook…

    “Nếu lỡ tìm đến các website/ứng dụng cho vay núp bóng tín dụng đen, ‘dịch vụ bốc họ’, mức lãi suất có thể cao tới 20% - 50%/tháng. Những app này không chỉ tính lãi suất cắt cổ, người vay còn phải chịu khoản tính phí vô lý theo cách tính bậc thang như phí vay ban đầu, phí nhắc nợ, phí tính lãi suất... Mức lãi suất này khiến nhiều người vay gặp phải hệ lụy, khi không còn khả năng thanh toán bị khủng bố điện thoại, kể cả đe dọa đánh đập…”, ông Nguyễn Đình Tiến, Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP Hà Nội cho biết.

    Cao Hoa  

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/app-tin-dung-den-doi-no-luc-mem-mong-khi-tro-mat-con-do-a521724.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.