Áp thấp nhiệt đới giật cấp 10 đang hoạt động ở Biển Đông có dấu hiệu mạnh lên thành cơn bão số 11.
Vào chiều nay (9/10), Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đã họp trực tuyến với các tỉnh để bàn phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Theo báo Vietnamnet, tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc TT Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, trong suốt 2 ngày qua, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh 35km/h và giữ nguyên sức gió cấp 6, giật cấp 8. Sáng nay, khi vào Hoàng Sa, áp thấp nhiệt đới bất ngờ di chuyển chậm lại còn 20-25 km/h, hình thành xoáy và có dấu hiệu mạnh lên thành bão.
Đến 13h chiều nay, áp thấp nhiệt đới đã mạnh từ cuối cấp 6 lên đầu cấp 7, giật cấp 9, đang ở vị trí 16,2 độ vĩ bắc, 110,4 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Bình khoảng 400km.
Theo ông Cường, cơ quan khí tượng Hongkong nhận định, áp thấp nhiệt đới không mạnh lên thành bão, khi vào bờ vẫn mạnh cấp 7, giật cấp 9 và sẽ ảnh hưởng trực tiếp Hà Tĩnh - Quảng Bình. Trong khi đó cơ quan khí tượng của Nhật Bản và Hoa Kỳ cho rằng trong thời gian ngắn nữa, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão với sức gió mạnh cấp 8, khi vào bờ giảm còn cấp 7. Hoa Kỳ nhận định vùng ảnh hưởng từ Nghệ An - Hà Tĩnh.
Áp thấp nhiệt đới đang có dấu hiệu mạnh lên. Ảnh: Vietnamnet |
“Hiện xoáy đã hình thành rõ hơn nên khả năng mạnh lên thành bão là không loại trừ. Chúng tôi dự báo trong thời gian ngắn, áp thấp sẽ di chuyển hướng Tây sau đó lệch lên Tây Tây Bắc, đổ bộ vào Hà Tĩnh - Quảng Bình sớm nhất là 1h sáng mai, muộn là 7h với sức gió mạnh cấp 7, thời gian ngắn tăng lên cấp 8”, ông Cường thông tin.
Theo ông Cường, do ảnh hướng của áp thấp nhiệt đới, các tỉnh từ Thanh Hóa- Quảng Ngãi sẽ mưa to, riêng 4 tỉnh Nghệ An- Quảng Bình mưa rất to. Khu vực phía Nam Tây Bắc và Bắc Tây Nguyên cũng có mưa vừa.
Báo VnExpress đưa tin, tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng yêu cầu các địa phương bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi neo đậu hoặc tránh trú an toàn; kiên quyết ngăn chặn, không để các phương tiện ra khơi trong thời gian có áp thấp...
Ông Thắng cũng yêu cầu các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp tổ chức sơ tán dân ra khỏi vùng trũng, thấp, ven sông suối, khu vực ngoài bãi sông và khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở trước khi bão đổ bộ.Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành quyết định việc cho học sinh nghỉ học để hạn chế việc đi lại trong mưa, lũ.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, hồi 13 giờ ngày 09/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị khoảng 410km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 01 giờ ngày 10/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và suy yếu thành ATNĐ. Đến 13 giờ ngày 10/10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt -Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Do ảnh hưởng của ATNĐ sau có khả năng mạnh lên thành bão, chiều và đêm nay ở vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông, gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Biển động mạnh. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 14,0 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113 độ Kinh Đông. |
Hoàng Yên (T/h)