+Aa-
    Zalo

    Anh nông dân trẻ măng kiếm "bội tiền" nhờ nuôi loài thân mềm, đen xì

    (ĐS&PL) - Anh nông dân trẻ ở Phú Yên kiếm "bội tiền" nhờ nuôi thành công ốc nhồi - loài động vật thân mềm, vỏ mỏng, nhẵn, bóng, có màu đen hoặc vàng hanh.

    Anh nông dân trẻ quyết tâm làm giàu từ ốc nhồi

    Anh nông dân trẻ đó là anh Lê Anh Hòa (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên). Anh Hòa sở hữu trang trại nuôi ốc nhồi rộng 200m2.

    Theo chia sẻ của anh Hòa, trước đây, khu vườn nhà anh rợp bóng tre, không thể canh tác cây trồng. Nhận thấy mô hình nuôi ốc nhồi ít bệnh tật và mang lại thu nhập ổn định, anh đã tự tìm hiểu kỹ thuật nuôi qua sách báo và tham quan các mô hình thực tế ở miền Nam.

    Đặc biệt, anh Hòa nhận ra rằng nuôi ốc nhồi trong bể là một giải pháp tối ưu, giúp dễ dàng theo dõi, quản lý và kiểm soát sức khỏe của ốc. Với quyết tâm thay đổi, đầu năm 2022, anh mạnh dạn đầu tư xây dựng ao nuôi ốc nhồi. Anh sử dụng tre làm nẹp xung quanh ao, sau đó lót bạt để đảm bảo giữ nước. Mỗi ao có kích thước rộng 12m, dài 15m và cao 60cm, với mực nước duy trì từ 35-40cm.

    Anh nông dân trẻ măng kiếm "bội tiền" nhờ nuôi ốc nhồi trong bể bạt. Ảnh: Trang thông tin điện tử Khuyến nông Phú Yên

    Anh nông dân trẻ măng kiếm "bội tiền" nhờ nuôi ốc nhồi trong bể bạt. Ảnh: Trang thông tin điện tử Khuyến nông Phú Yên

    Mỗi lứa nuôi, anh thả khoảng 59.000 con ốc giống. Nhờ phương pháp nuôi trong bể, anh Hòa kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và giảm thiểu tối đa thất thoát ốc. Sau 120 ngày chăm sóc, lứa ốc đầu tiên đã cho thu hoạch với trọng lượng trung bình đạt 30-33 con/kg. Với giá bán 80.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, anh thu về lợi nhuận đáng kể từ 25 đến 30 triệu đồng mỗi lứa.

    Không chỉ dừng lại ở đó, anh Hòa còn chia sẻ rằng mô hình nuôi ốc nhồi trong bể cho phép ông nuôi 2 lứa mỗi năm, mang lại nguồn thu nhập ổn định và đáng kể cho gia đình.

    Thành công của anh Hòa không chỉ là minh chứng cho sự cần cù, sáng tạo mà còn mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân trong vùng, tận dụng những diện tích đất khó canh tác để phát triển kinh tế.

    Cách nuôi ốc nhồi trong bể lót bạt

    Chuẩn bị bể bạt nuôi ốc

    Dựa theo nhu cầu, số lượng ốc nhồi nuôi trong bể bạt mà làm bể bạt có diện tích phù hợp. Bể nuôi thông thường có diện tích từ 5 – 30m2 một bể. Bể nên đặt ở nơi thoáng mát, có cây cối che càng tốt hoặc có thể là thêm mái che cho bể.

    Chọn giống ốc nhồi

    Để đảm bảo ốc nhồi nuôi trong bể bạt được sinh trưởng và phát triển tốt thì khâu chọn giống cần được chọn thật kỹ lưỡng. Lựa chọn những con khỏe mạnh, có chất lượng tốt, không bị sưng vòi và mòn đít. Không sứt mẻ ở phần vỏ ốc, có màu tươi sáng ở phần đỉnh ốc.

    Lựa chọn những con ốc giống khỏe mạnh, có chất lượng tốt, không bị sưng vòi và mòn đít. Ảnh: Nongsanphugia.com

    Lựa chọn những con ốc giống khỏe mạnh, có chất lượng tốt, không bị sưng vòi và mòn đít. Ảnh: Nongsanphugia.com

    Kích thước lý tưởng cho ốc giống là khoảng 0,4 – 0,6g/ con (cỡ 2 tuần tuổi) Khi vận chuyển ốc giống cần được giữ ẩm, không bịt kín để tạo độ thông thoáng với môi trường bên ngoài. Trước khi thả vào bể ốc cần được làm sạch, tránh cho rong rêu bám vào vỏ ốc sẽ gây ra mùi khó chịu vì nước bị giảm oxy do rong rêu gây ra.

    Kỹ thuật chăm sóc ốc nhồi trong bể bạt

    Chăm sóc và duy trì môi trường nuôi là yếu tố quan trọng để đạt được hiệu suất cao khi nuôi ốc nhồi trong bể bạt. Dưới đây là những biện pháp để giữ cho môi trường nuôi luôn ổn định và thuận lợi cho sự phát triển của ốc:

    Thực hiện thay nước khoảng 5-7 ngày một lần với lượng nước thay thế từ 30-70%. Điều này giúp loại bỏ chất cặn, tăng lưu thông nước, và cung cấp dưỡng chất mới cho ốc.Khi thay nước, cần thêm lượng vôi vừa đủ để sát trùng môi trường nuôi. Điều này giúp kiểm soát vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh, đồng thời cải thiện độ pH của nước.

    Nuôi ốc nhồi trong bể bạt cần duy trì độ pH ổn định ở mức >6,5%. Trong trường hợp trời mưa, việc bón vôi với liều lượng 3-5kg/100m2 giúp duy trì độ pH ổn định và chống lại tác động của axit.

    Khi có cơn mưa đầu mùa mang theo axit, sau mỗi cơn mưa thay nước từ 20-50% bằng cách xả tràn. Nếu có tình trạng ốc bò lên thành bể hoặc xuất hiện bèo, cần thực hiện thay nước lớn (80%) và theo dõi tình trạng ốc để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.

    Thu hoạch ốc

    Sau khoảng 3-4 tháng nuôi là có thể thu hoạch ốc nhồi trong bể lót bạt. Ngay từ tháng thứ 3, có thể thu hoạch những con lớn trước bằng cách tỉa dần, để lại những con bé nuôi tiếp. Quy trình này giúp tối ưu hóa kích thước ốc và tạo ra sự đồng đều trong vườn nuôi.

    Thời điểm thu hoạch tốt nhất là vào sáng sớm hoặc chiều tối, vì đây là lúc ốc đi tìm ăn.

    Sau khoảng 3-4 tháng nuôi là có thể thu hoạch ốc nhồi trong bể lót bạt. Ảnh: Nongsanphugia.com

    Sau khoảng 3-4 tháng nuôi là có thể thu hoạch ốc nhồi trong bể lót bạt. Ảnh: Nongsanphugia.com

    Cho lá chuối, lá sen, hoặc các vật liệu khác vào hồ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hoạch. Ốc sẽ leo lên các vật liệu này, dễ dàng vớt ra mà không làm tổn thương ốc.

    Trước khi thu hoạch, cần loại bỏ những con ốc chết hoặc bị nhiễm bệnh. Rửa sạch ốc và ngâm trong nước từ 1-2 giờ để ốc nhả hết chất bẩn.

    Sau khi thu hoạch, ốc nên được bảo quản ở điều kiện thoáng mát hoặc có thể đặt vào tủ đông lạnh để giữ được chất lượng và an toàn khi sử dụng.

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/anh-nong-dan-tre-mang-kiem-boi-tien-nho-nuoi-loai-than-mem-en-xi-a455745.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan