+Aa-
    Zalo

    Anh nông dân kiếm bội tiền nhờ nuôi con vật "độc" có trong Sách đỏ Việt Nam

    (ĐS&PL) - Nhờ nuôi con vật "độc" có trong Sách đỏ Việt Nam, trong y học được ví là "thần dược" chữa nhiều bệnh, anh nong dân ở Lâm Đồng kiếm bội tiền.

    Đang trồng lan đột biến "quay xe" nuôi rắn

    Từ việc nhận định được thị trường hoa lan giả hạc đột biến đi xuống, anh Nguyễn Văn Thư (37 tuổi, xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) đã chuyển sang nuôi rắn hổ vện. Với hàng nghìn con rắn dài nuôi trong trang trại, anh Thư nuôi đến đâu, bán hết đến đó

    Trước khi gắn bó với nghề nuôi rắn hổ vện, vợ chồng anh Thư từng có khoảng thời gian tập trung kinh doanh lan đột biến. Tuy nhiên xác định được mặt hàng nào cũng đến ngưỡng của nó, kể cả hoa lan đột biến, giá lên cao đến đỉnh rồi chắc chắn sẽ bị hãm lại. Vậy là tháng 4/2021, gia đình anh Thư bắt đầu đầu tư thêm nuôi rắn hổ vện...

    Nhờ có người anh em họ bên ngoại đã có kinh nghiệm nuôi rắn hổ vện ở miền Bắc, anh Thư tự tin xây dựng 100 chuồng nuôi vào tháng 4/2021. Sau đó, anh đầu tư 25 triệu đồng để mua 1.000 quả trứng rắn hổ vện về ấp. Khoảng 3 tháng sau, trứng nở và anh Thư chuyển số rắn con vào chuồng gỗ đã chuẩn bị sẵn.

    Anh nông dân Nguyễn Văn Thư kiếm bội tiền nhờ nuôi rắn hổ vện. Ảnh: Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng

    Anh nông dân Nguyễn Văn Thư kiếm bội tiền nhờ nuôi rắn hổ vện. Ảnh: Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng

    Giai đoạn đầu, việc nuôi rắn gặp không ít khó khăn. rắn hổ vện là loài hoang dã, thức ăn chủ yếu là các loài động vật sống. Vợ chồng anh Thư phải thức đêm đi bắt ếch, nhái, cóc cho rắn ăn. Tuy nhiên, nguồn thức ăn tự nhiên này dần cạn kiệt, khiến anh phải tìm giải pháp khác để duy trì mô hình nuôi rắn.

    "Chính vì vậy, gia đình tôi phải đến các lò ấp trứng mua vịt, gà con thải loại về để làm thức ăn cho rắn. Rất may, rắn cũng chịu ăn mồi và phát triển mạnh", anh Thư tâm sự trên báo Dân Việt.

    Thoát nghèo bền vững nhờ rắn hổ vện

    Thông tin trên Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng, vào cuối năm 2022, trong khuôn viên chỉ rộng hơn 500m2, anh Nguyễn Anh Thư chăm sóc và phát triển hơn 3.000 con rắn hổ vện thuộc nhiều kích cỡ và lứa tuổi khác nhau.

    Anh chia sẻ rằng ban đầu chỉ nuôi thử 200 con, nhưng sau hơn một năm, trại rắn đã phát triển vượt bậc. Ngoài rắn bố mẹ và rắn lứa, anh Thư còn tự nhân giống và nuôi rắn để lấy trứng bán cho thương lái.

    Rắn hổ vện là loài rắn có trong Sách đỏ Việt Nam, trong y học được ví như "thần dược" chữa được nhiều bệnh. Ảnh: Dân Việt

    Rắn hổ vện là loài rắn có trong Sách đỏ Việt Nam, trong y học được ví như "thần dược" chữa được nhiều bệnh. Ảnh: Dân Việt 

    Anh Thư cho biết rắn hổ vện là loài rắn hoang dã, không có nọc độc nguy hiểm và tương đối dễ nuôi. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, người nuôi cần nắm vững kỹ thuật chăm sóc, từ thức ăn đến nước uống, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh môi trường sống cho rắn.

    Thức ăn ưa thích của rắn hổ vện là các loại động vật sống như chuột, ếch, cóc, nhái. Tuy nhiên, ngay từ đầu, anh Thư đã tập cho rắn ăn thức ăn nguội là gà con thải loại được chế biến và cấp đông. Nhờ đó, anh chủ động được nguồn thức ăn và giảm đáng kể chi phí chăn nuôi.

    Để đảm bảo chất lượng và tăng đàn từ hơn 3.000 con rắn hiện có, anh Thư đã tự nghiên cứu và sáng tạo cách nuôi bằng việc phân chia chuồng trại thành các khu riêng biệt: khu dưỡng rắn con, khu nuôi rắn mẹ và khu phối giống. Trung bình mỗi con rắn mẹ đẻ từ 12 đến 20 trứng. Sau khi trứng nở, anh Thư tiến hành phân loại, trứng đạt chất lượng sẽ được bán làm giống, còn trứng không đạt sẽ được nuôi để làm thương phẩm.

    Sau một năm nuôi, rắn đạt trọng lượng trung bình khoảng 3kg/con. Vào cuối năm 2022, giá bán rắn thịt đạt 400.000 đồng/kg, rắn con có giá từ 150.000-200.000 đồng/con và trứng rắn khoảng 70.000 đồng/trứng. Nhờ những tín hiệu tích cực từ thị trường, anh Thư đang mở rộng quy mô chuồng trại để tăng đàn rắn lên khoảng 6.000 con.

    Anh Thư thường xuyên kiểm tra sự phát triển của rắn và dọn dẹp chuồng rắn sạch sẽ. Ảnh: Dân Việt

    Anh Thư thường xuyên kiểm tra sự phát triển của rắn và dọn dẹp chuồng rắn sạch sẽ. Ảnh: Dân Việt

    Không chỉ dừng lại ở đó, anh Thư còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao kỹ thuật nuôi rắn cho các bạn trẻ có nhu cầu khởi nghiệp, góp phần tạo ra một mô hình nuôi rắn độc đáo và hiệu quả, đồng thời khơi dậy tinh thần sáng tạo trong kinh doanh cho thanh niên địa phương.

    Hiệu quả của việc nuôi rắn hổ vện được thể hiện rõ qua sự linh hoạt và chủ động của người nuôi, không phụ thuộc vào thương lái. Ngoài nguồn thu nhập đáng kể từ việc bán trứng rắn, người nông dân còn có thể kiếm thêm lợi nhuận từ bán thịt rắn thương phẩm, cung cấp con giống và nhiều sản phẩm khác từ rắn.

    Chính sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm và mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình nuôi rắn độc đáo này đã giúp anh Nguyễn Văn Thư không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn trở nên giàu có ngay trên chính quê hương mình.

    Kỹ thuật nuôi rắn hổ vện

    Chuồng nuôi: Có nhiều dạng, chuồng xi măng hoặc chuồng lưới. Diện tích chuồng nuôi: dài 2m x rộng 1m x cao 1,2m. Cửa chuồng nên làm ngang bên hông để tiện vệ sinh. Bên trong chuồng có vỉ tre để rắn nằm, mặt trên của chuồng lợp bằng lưới sắt nhỏ để tạo sự thoáng mát, sạch và êm để rắn nghỉ ngơi. Đáy chuồng tráng một lớp xi măng mỏng, sau đó đắp lên một lớp đất khoảng 2cm. Chuồng nuôi rắn có thể đặt ở vị trí đầu nhà nơi có mái che hoặc tận dụng các gian nhà trống để nuôi, chỗ đặt chuồng phải đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, chống gió lạnh thổi vào. Mỗi chuồng có thể nuôi được 50 con rắn.

    Thức ăn: Rắn là loài động vật hoang dã mới được thuần hóa, sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, có khả năng thích ứng với điều kiện nuôi dưỡng. Chúng rất kỹ tính, thức ăn chính của chúng là cóc, nhái… và chúng ăn rất sạch, con mồi phải còn sống. Hơn nữa, rắn chỉ ăn khoảng 2-3 lần trong 1 tuần. Thức ăn của rắn non chủ yếu là ếch, nhái nhỏ, cá, tép… Cứ 3-5 ngày lại cho rắn ăn một lần, số lượng thức ăn tăng dần theo tuổi.

    Thức ăn của rắn trưởng thành chủ yếu là chuột, cóc, ếch, nhái… Rắn bắt mồi bằng cách đớp, ngoạm, răng cong vào trong nhờ cấu tạo của xương hàm mở rộng nên có thể nuốt được những con mồi lớn. Thức ăn cho rắn không được cho vào tràn lan mà phải đựng vào trong thùng để khi đói rắn có thể vào ăn, những thức ăn thừa sẽ không bị rơi vãi ra ngoài làm bẩn chuồng rắn.

    Nước uống: Tốt nhất nên cung cấp đầy đủ nước sạch và mát cho rắn uống và tắm tự do. Trong chuồng cần đặt vật chứa nước cho rắn tắm và uống, phải thay nước hàng ngày. Nên đặt bóng đèn trong chuồng rắn, nhằm tạo cho rắn thích nghi với ánh sáng và tạo nhiệt độ ấm cho rắn (nếu vào mùa đông).

    Chọn giống: Chọn rắn đực, rắn cái làm giống phải dựa trên ngoại hình, rắn từ khi sinh ra đến trưởng thành không có lần nào bị nhiễm bệnh. Trong quá trình nuôi, rắn chóng lớn, da rắn mượt, thân hình dài cân đối. Rắn đực và rắn cái phải khác dòng để khi lai tạo tránh trùng huyết.

    Quá trình sinh trưởng phát triển của rắn phải trải qua những lần lột da. Đối với loài rắn Ráo, thời gian rắn thay da khoảng 15-20 ngày và tiếp tục thay da trong suốt quá trình rắn lớn, một con rắn cái từ lúc nở đến lúc sinh sản từ 9-10 tháng tuổi. Sau khi thay da nếu được cung cấp thức ăn đầy đủ, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, tốc độ tăng trưởng của rắn có thể tăng nhanh hơn 2-3 lần.

    Rắn hổ vện đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng

    Rắn hổ vện đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng

    Bên cạnh việc chọn lựa rắn giống thì vấn đề đảm bảo tỷ lệ trứng rắn nở cao cũng cần được quan tâm. Để đảm bảo tỷ lệ trứng nở cao chúng ta có thể nuôi ghép 2 con rắn đực với 10 con rắn cái. Thời gian rắn đẻ sau khi phối giống khoảng 30 đến 35 ngày. Một con cái có thể đẻ từ 12 - 21 trứng.

    Quản lý chăm sóc, phòng trị bệnh: Công việc quản lý vệ sinh chuồng trại cũng là yếu tố quyết định đến kết quả nuôi. Nếu quản lý không tốt dễ dẫn đến thiệt hại. Thường ngày phải dọn phân trong chuồng, số phân hàng ngày thải ra không nhiều, phân thường khô, ít mùi hôi.

    Rắn là động vật hoang dã, ít bị bệnh. Tuy nhiên, biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho rắn là biện pháp tốt nhất: chăm sóc nuôi dưỡng tốt, ăn uống sạch sẽ, thức ăn đảm bảo thành phần và giá trị dinh dưỡng, chuồng trại luôn sạch sẽ, không lầy lội, không quá nóng hoặc quá lạnh, không có mùi lạ, tránh ruồi nhặng và các loại côn trùng khác gây hại cho rắn, theo thông tin từ Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng.

    Rắn hổ vện thuộc loài rắn hổ, là loài rắn nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Tên gọi của loài rắn này tùy vào nơi nó sống.

    Ở miền Đông người ta gọi rắn có trong Sách Đỏ này là rắn Long Thừa, miền Tây gọi là rắn hổ hèo, miền Trung gọi là rắn hổ vện và miền Bắc là rắn hổ trâu.

    Rất nhiều tên gọi nhưng tên chung của loài rắn này là hổ dện (hổ vện) vì trên mình nó có nhiều vằn vện. Đây không phải là loài rắn độc, nguy hiểm mà có nhiều công dụng trong y học, nhất là sản xuất thuốc chữa bệnh.

    Ngoài ra rắn hổ hèo còn là loại thực phẩm bổ dưỡng, thơm ngon.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/anh-nong-dan-kiem-boi-tien-nho-nuoi-con-vat-oc-co-trong-sach-o-viet-nam-a447892.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan