Có những điều dễ thương nhỏ xíu nhưng đủ khiến lòng người ấm áp, giống như chuyện một anh chàng nhân viên ngân hàng mỗi ngày dành 30 phút nghỉ trưa của mình để ra vỉa hè dạy chữ cho cô bé vé số nghèo ở Sài Gòn.
Giữa lòng Sài Gòn có một "lớp học" vô cùng đặc biệt. Gọi là lớp nhưng chỉ có một thầy, một trò, cũng chẳng có bàn ghế hay bảng đen phấn trắng, hai thầy trò ngồi học ngay trên vỉa hè và mỗi buổi học chỉ có 30 phút vào ban trưa. Ở Sài Gòn, có những mối nhân duyên giữa con người với con người đẹp đến kỳ diệu.
Lớp học đặc biệt của thầy trò anh Tú ở giữa Sài Gòn. |
Cô bé vé số hiếu học trước cổng ngân hàng
Vì cả hai nhân vật chính trong câu chuyện này đều tên là Tú, nên trong bài viết này tôi sẽ gọi là Tú lớn và Tú nhỏ cho dễ phân biệt.
Tú lớn tên thật là Lê Hà Tú, sinh năm 1990, hiện anh đang làm nhân viên của một ngân hàng ở Sài Gòn. Vào khoảng tháng 10 năm ngoái, cứ mỗi buổi trưa Tú nhỏ lại đến trước cổng công ty của Tú lớn để bán vé số. Sự hồn nhiên, lanh lợi của cô bé đã để lại ấn tượng lớn đối với chàng nhân viên văn phòng vốn quen với công việc trong phòng máy lạnh.
Tú nhỏ rất lanh lợi và hồn nhiên.
"Dù phải bươn chải ngoài nắng để kiếm tiền, nhưng Tú vẫn luôn giữ được sự hồn nhiên của em. Con bé không tỏ ra mệt mỏi, mà ngược lại còn rất vui vẻ với công việc của mình. Thấy vậy mỗi buổi trưa mình mua cơm cho Tú, vì lúc đó mình cũng không biết rõ hoàn cảnh của bé, không biết bé có bị chăn dắt hay không nên không dám cho tiền" - Tú lớn chia sẻ.
Dù phải cùng chị và bà bươn chải ngoài đường phố kiếm tiền nhưng cô bé không bao giờ tỏ ra mệt mỏi hay than vãn.
Thời gian đầu Tú nhỏ nhận cơm từ Tú lớn nhưng khá rụt rè. Hai bên cứ cho và nhận, trong im lặng. Mãi một thời gian sau, Tú nhỏ mới mở lòng để trò chuyện cùng ông chú bao đồng trưa nào cũng cho mình cơm.
Tú nhỏ tên thật là Bùi Ngọc Tú, sinh năm 2008 tại Kiên Giang. Ba mẹ của cô bé đi làm công nhân ở Bình Dương, hai năm trước em lên Sài Gòn cùng chị và bà nội để bán vé số. Ba bà cháu ở tại một đại lý vé số ở quận 5 rồi chia nhau đi bán ở khắp các ngã đường.
Gia đình khó khăn nên Tú nhỏ không được đến trường.
Ngọc Tiền (15 tuổi, chị của Tú nhỏ) được đi học đến lớp 4 thì nghỉ, còn Tú nhỏ thì hoàn toàn không được đến trường. "Thời buổi bây giờ nếu không biết chữ, không biết tính toán thì sẽ rất thiệt thòi, thế nên mình quyết định giúp bé" - Tú lớn tâm sự.
Tú lớn đã quyết định sẽ giúp Tú nhỏ tiếp cận con chữ.
Lớp học nhỏ trên vỉa hè
Tú lớn quyết tâm sắm sửa tập vở, rồi tranh thủ 30 phút nghỉ trưa mỗi ngày để dạy chữ cho Tú nhỏ. Anh bảo chỉ hy vọng giúp con bé biết đọc, biết viết là tốt lắm rồi, chứ chẳng mong muốn gì xa hơn.
Mỗi trưa từ thứ 2 đến thứ 5, sau khi ăn cơm xong đúng 12h30 là Tú Lớn xuống cổng công ty để dạy cho cô học trò nhỏ. Còn Tú nhỏ thì đã có mặt đợi "ông thầy" từ lúc 11h30. Và chẳng ngày nào cô bé đến trễ.
Tú nhỏ luôn có mặt từ sớm để ngồi bán vé số và đợi thầy.
Tú lớn kể: "Ban đầu mình chỉ tính dạy bé những thứ cơ bản như bảng chữ cái hay cộng trừ đơn giản. Nhưng dạy được một thời gian, chính mình cảm thấy ngưỡng mộ sự hiếu học của Tú. Con bé quá nhỏ để hiểu rằng học cái chữ thì sẽ tốt cho tương lai, nó đến gặp mình mỗi ngày đơn giản vì thích học. Mình chợt nhận ra con bé khác hoàn toàn với tụi mình ngày xưa, ngày xưa đi học là bố mẹ phải thúc ép, đôi khi thích đến trường chỉ vì có bạn bè đông vui, còn Tú nó chỉ học một mình nhưng chưa hôm nào bé bỏ học".
Dạy Tú nhỏ đem lại cho thầy rất nhiều niềm vui.
Có một kỷ niệm khiến Tú lớn nhớ mãi và là động lực để anh duy trì công việc này cho đến tận bây giờ. Lần đó đang học thì trời mưa, tập vở của Tú nhỏ bị ướt hết. Ngày hôm sau cô bé đến học và đem theo 2 cuốn sách mới, nó bảo sách kia ướt hết rồi nên con trích tiền để dành ra mua 2 cuốn sách mới, 8 ngàn lận đó.
"8 ngàn đối với Tú thật sự là một số tiền không hề nhỏ, trong khi mình còn chưa kịp nghĩ đến việc đi mua sách mới thì nó đã tự đi mua sách để tiếp tục học, lúc đó mình thật sự phục ý chí của con bé" - giọng Tú lớn không dấu được sự tự hào về cô học trò nhỏ của mình.
Duy chỉ có lần bị ướt tập, Tú nhỏ tự mua 2 cuốn sách, còn lại tất cả tập vở, sách, bút đều được các nhân viên trong ngân hàng nơi Tú lớn làm việc đóng góp cho em.
Ngày nắng thì hai thầy trò che dù học, ngày mưa vất vả hơn thầy và trò phải chui vào bụi cây trước công ty để tập sách không bị ướt. Học ở đây tiện một điều là các cô chú trong ngân hàng đi ngang qua thấy cô bé cũng hay ghé lại để ủng hộ vé số, thế là con bé vừa được học chữ, vừa bán được vé số.
Trời nắng hai thầy trò che ô để học.
Tú lớn kể nhiều hôm công việc mệt mỏi chỉ muốn nằm nghỉ một lát để chiều vào làm tiếp, nhưng nhớ con bé còn ngồi đợi mình ở dưới nên cũng ráng xách tập vở xuống. Dạy riết rồi quen.
Tú lớn bảo chẳng nhớ từ bao giờ con gọi mình là thầy, vì ban đầu Tú nhỏ gọi anh là chú.
Thời gian học bị hạn chế vì 1h chiều Tú lớn phải trở lại làm việc, nên anh chỉ tranh thủ dạy cho bé tập đọc và cho bài tập về nhà làm, hôm sau lên chấm điểm.
Tiền (chị gái của Tú nhỏ) hào hứng kể: "Đi bán về là Tú mở tập ra làm bài tập để mai nộp cho thầy chấm điểm. Em học hết lớp 4 rồi nên cũng kèm cho Tú được chút xíu. Bà của em hay khen thầy là người tốt".
Tú nhỏ rất chăm chỉ.
Điều khiến Tú lớn trăn trở là đầu tháng 6 anh phải chuyển công tác sang chi nhánh khác, không thể duy trì "lớp học" vào buổi trưa với Tú nhỏ. Anh cũng nghĩ đến việc sẽ chuyển xuống học buổi chiều, sau giờ tan ca, nhưng giờ đó thì ngoài vỉa hè không đủ ánh sáng. Thế nên Tú lớn đang ráo riết tìm một lớp học tình thương phù hợp để gửi cô học trò nhỏ của mình.
Tú lớn chuẩn bị phải chuyển công tác nên có rất nhiều thứ phải lo.
Trưa nay, vẫn như mọi ngày Tú nhỏ ngồi dưới gốc cây đợi thầy Tú lớn. Thầy vừa xuống tới "lớp" con bé đã chạy ào tới méc: "Hôm qua con bị người ta giựt hết 30 tờ vé số đó thầy, con khóc quá chừng luôn". Ông thầy hết hồn hỏi: "Ui trời, rồi con lấy tiền đâu đền cho đại lý?". Con nhỏ cười ríu rít: "Hai (chị Tiền) cho con mượn tiền trả đại lý, mốt đi bán có tiền con trả lại cho Hai".
Rồi hai thầy trò ngồi xuống thềm gạch học bài bỏ lại những ồn ào, xô bồ của cuộc sống ở ngoài kia. Ở đây bình yên đến lạ.