+Aa-
    Zalo

    Anh em đứt gãy tình thân vì món nợ 200 triệu đồng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Với gia đình cả đời làm nông nghiệp, 200 triệu đồng là khoản tiền không phải nhỏ với vợ chồng anh Đức. Nhưng chỉ vì cho em ruột vay mà giờ anh Đức lâm vào tình cảnh trớ trêu khi tiền không đòi được, tình cảm ruột già cũng sứt mẻ theo.

    Khóc dở mếu dở vì cho em ruột vay tiền

    Tiền bạc là vấn đề khá nhạy cảm, đặc biệt là khi liên quan đến những người thân, bạn bè, họ hàng… Đã không ít trường hợp rơi vào tình cảnh khóc dở, mếu dở vì cho người thân vay tiền. Bởi khi người vay không trả, người cho vay không những thiệt hại về kinh tế, mà tình cảm máu mủ ruột rà cũng sứt mẻ theo.

    Trường hợp của anh Nguyễn Minh Đức (Hà Nội, tên nhân vật đã thay đổi) là một ví dụ điển hình. Anh Đức và em trai ruột đều đã lập gia đình, sống gần nhau. Vợ chồng anh Đức làm nông nghiệp, cả đời tiết kiệm mong đủ tiền nuôi 3 đứa con ăn học và dành dụm một khoản phòng lúc ốm đau. Còn vợ chồng người em trai làm nghề buôn bán nhỏ. 

    Năm 2018, vì vợ sắp sinh con trong khi căn nhà hiện tại còn tạm bợ và chật chội nên người em trai ngỏ ý vay tiền anh Đức để xây nhà mới. Thương em, thương cháu, anh Đức đã dốc hết số tiền dành dụm 200 triệu đồng cho em trai mượn, không lãi suất, không thế chấp, chỉ viết giấy vay tiền, thời hạn trả sau 1 năm. 

    Vì chuyện vay mượn này mà vợ chồng anh Đức đã nhiều lần mâu thuẫn. Đỉnh điểm là khi đứa con út bị tai nạn cần phải mổ gấp, nhưng nhà chẳng còn tiền, họ phải chạy vạy khắp nơi vay mượn để nộp viện phí cho con. 

    Trong khi đó, bằng số tiền tích cóp và vay mượn, người em xây căn nhà 2 tầng rộng rãi sáng sủa. Còn vợ chồng anh Đức vẫn sống trong căn nhà cấp 4 nhỏ hẹp, con cái thì đau ốm triền miên.

    “Đứng cho vay, quỳ đòi nợ” là tình trạng xảy ra không chỉ giữa những mối quan hệ bình thường mà còn cả với những người thân

    Đến thời hạn, người em vẫn không hoàn trả số tiền 200 triệu đồng đã vay với lý do buôn bán khó khăn, nhiều lần vợ chồng anh Đức sang tận nhà em trai đòi thì xảy ra cãi cọ, xô xát. Tình cảm sứt mẻ, anh em họ giận nhau. 

    Sau đó vợ chồng người em mở rộng làm ăn buôn bán, ngày càng khấm khá. Vợ chồng anh Đức vẫn chỉ miệt mài làm nông, chi phí thuốc thang cho con hàng ngày tốn kém khiến gia đình lâm vào cảnh thiếu trước, hụt sau. Vợ anh Đức đã nhiều lần khóc, xin vợ chồng em trai trả mình tiền để trả nợ, nhưng người em không những không trả mà còn tỏ ra thách thức. 

    Tình cảm anh em rạn nứt đã đành, vợ chồng anh Đức cũng vì chuyện cho vay tiền mà trở nên lục đục. Anh Đức muốn đòi lại số tiền mình cho em trai vay nhưng không biết phải làm thế nào. Bản thân anh lâm vào cảnh trớ trêu, nói nhẹ nhàng thì vợ chồng em trai chây ỳ không chịu trả, còn nếu khởi kiện ra tòa thì sợ hàng xóm láng giềng cười chê vì anh em một nhà lại đi kiện nhau.

    Cẩn trọng khi cho người khác vay tiền

    Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Phạm Hồng Kiên - Giám đốc Công ty Luật Cán Cân Việt thuộc đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết: “Ở trường hợp này, người em nợ anh trai 200 triệu đồng và cố tình không trả, đã phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2017. 

    Cụ thể, tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định, các hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là: Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng, nhưng cố tình không trả. Theo đó, nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.

    Theo luật sư Kiên, nên cẩn trọng, minh bạch, rõ ràng khi cho người khác vay tiền

    Luật sư Kiên cũng cho biết, tuy không phải mối quan hệ nào cũng tan vỡ khi liên quan tới tiền bạc, nhưng chúng ta nên tránh rủi ro này bằng cách cẩn trọng trong việc cho mượn tiền, kể cả là người thân. Bên cạnh đó, người cho vay cần làm giấy tờ giao kèo minh bạch, rõ ràng. 

    Nếu khó khăn trong việc đòi nợ người nhà mà họ cố tình trốn tránh không muốn trả, hãy đưa ra điều kiện: nếu họ đồng ý trả nợ thì sẽ không tính lãi hoặc vì tình thân sẽ giảm chỉ lấy 2/3 số nợ… Trong trường hợp xấu nhất, khi đã nhường nhịn đến như vậy mà họ vẫn cố tình không chịu trả thì khởi kiện ra tòa.

    P.V 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/anh-em-dut-gay-tinh-than-vi-mon-no-200-trieu-dong-a518612.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.