Thông tin trên chuyên trang Đầu tư chứng khoán, thống kê từ ngày 20/7 đến ngày 4/8, cổ phiếu AGM của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) tăng 98,5% từ 5.970 đồng lên 11.850 đồng/cổ phiếu và tiếp tục tăng trần phiên thứ 11 liên tiếp ngày 7/8, tức tăng kịch trần 800 đồng lên 12.650 đồng/cổ phiếu.
Sau khi cổ phiếu tăng trần 10 phiên liên tiếp tới ngày 4/8, giải trình trước Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE), Angimex cho biết, hiện nay thị trường lúa gạo thế giới và Việt Nam vẫn đang tiếp tục biến động tăng giá do tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine và ảnh hưởng của tình trạng thời tiết El Nino. Bên cạnh đó, sau khi Ấn Độ, thì Nga và các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng đã cấm xuất khẩu gạo làm giá lương thực tăng vọt. Giá cổ phiếu AGM tăng trần 10 phiên liên tiếp đến nay là do cung cầu trên thị trường chứng khoán, các quyết định của nhà đầu tư đối với cổ phiếu AGM nằm ngoài tầm kiểm soát của Angimex.
“Angimex không có sự tác động nào đến giá giao dịch của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán”, Angimex khẳng định.
Về hoạt động kinh doanh, trong nửa đầu năm 2023, Angimex tiếp tục ghi nhận lỗ thêm 53,72 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 6,22 tỷ đồng, luỹ kế tới 30/6/2023 ghi nhận lỗ 44,02 tỷ đồng (đầu năm lãi luỹ kế 22,9 tỷ đồng) và bằng 24,2% vốn điều lệ. Như vậy, tại thời điểm cuối quý II/2023, Angimex đã chính thức xoá bỏ toàn bộ lãi luỹ kế tích luỹ nhiều năm.
Tính tới ngày 30/6, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Angimex lên tới 1.150,89 tỷ đồng, bằng 364,5% vốn chủ sở hữu (đầu năm bằng 313,8% vốn chủ sở hữu). Trong đó, đáng chú ý tổng dư nợ trái phiếu dài hạn lên tới 559,45 tỷ đồng.
Được biết, dư nợ trái phiếu do phát hành 2 mã AGMH2123001 (mệnh giá 350 tỷ đồng) và trái phiếu mẫGMH2223001 (mệnh giá 300 tỷ đồng, dư nợ còn lại 210 tỷ đồng). Trong đó, cả 2 trái phiếu đều phát sinh việc chậm thanh toán lãi đáo hạn.
Ngoài AGM, nhóm cổ phiếu gạo trên thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung đã thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư. Tính từ ngày 20/7, các cổ phiếu gạo như: cổ phiếu VSF của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam – Vinafood 2, cổ phiếu TAR của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An), cổ phiếu LTG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời,… đều bật tăng mạnh, với mức tăng cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung của thị trường.
Đáng chú ý, chỉ trong 10 phiên giao dịch gần nhất (tính từ ngày 21/7 đến ngày 4/8), cổ phiếu VSF của Vinafood 2 trên sàn UPCoM đã ghi nhận mức tăng lên tới 250%. Trong đó, cổ phiếu gạo này đã có 9 phiên tăng trần hoặc gần kịch trần (14% - 15%/phiên) với thanh khoản bình quân tăng vọt lên mức hàng trăm nghìn đơn vị, so với mức chỉ vài nghìn đơn vị như thông thường, theo tạp chí Công Thương.
Vân Anh(T/h)