+Aa-
    Zalo

    Ăn xin Sài Thành: Chồng "chăn dắt" chính vợ con mình

    • DSPL

    (ĐS&PL) - PV phát hiện một số địa chỉ tổ chức hoạt động theo kiểu gia đình. Tại đó, chính chồng, cha là người chăn dắt, đẩy vợ, con ra đường thành công cụ xin ăn.

    Thông thường, đường dây chăn dắt người ăn xin đều do các đối tượng “dân xã hội” trực tiếp về quê nghèo tuyển người. Thế nhưng, đi sâu tìm hiểu, PV phát hiện thêm một số địa chỉ tổ chức hoạt động theo kiểu gia đình. Tại đó, chính chồng, cha là người chăn dắt, đẩy vợ, con ra đường thành công cụ xin ăn.

    Đường dây ăn xin kiểu gia đình

    Thâm nhập cuộc sống của những người ăn xin, PV thấu hiểu nhiều nguyên nhân họ chọn kiếp sống tầm gửi. Thông thường, những người có hoàn cảnh nghèo khó, trẻ mồ côi, phụ nữ nuôi con nhỏ dễ dàng gia nhập đội quân lang thang ăn xin. Tuy nhiên, hiện nay, tại TP.HCM xuất hiện một số đường dây chăn dắt ăn xin theo dạng gia đình, người quản lý, chăn dắt là chồng, cha các nạn nhân.

    Nhóm đối tượng chăn dắt này thuộc diện siêng ăn nhác làm, ham nhậu, bài bạc, nợ nần, vũ phu. Họ mang trong mình tư tưởng do xã hội xô đẩy buộc phải biến người thân thành công cụ kiếm tiền.

    Một cụ bà chuyên ăn xin tại khu chợ về đêm.

    Trường hợp của N.T.H. (27 tuổi, quê ở tỉnh Tây Ninh) là ví dụ điển hình. Trò chuyện với chúng tôi, chị H. thú nhận, hai mẹ con không tham gia đường dây chăn dắt ăn xin như mọi người nghĩ. Ngược lại, người quản lý mẹ con chị chính là anh chồng tên T. (30 tuổi, ngụ cùng quê). Mỗi ngày, chị phải cho hai con nhỏ ngồi xe đẩy, đi khắp các tuyến đường trên địa bàn quận 10, quận 11 (TP.HCM) để xin ăn.

    Giọng chất chứa nỗi buồn, H. tâm sự: “Những năm trước, gia đình tôi thuộc diện kinh tế khấm khá ở quê. Ngày đó, hai vợ chồng tôi cùng sang Campuchia làm nhân viên phục vụ trong các sòng bài. Thế nhưng, tôi phát hiện anh T. dính vào bài bạc từ giữa năm 2015. Cứ tưởng sau khi phải bán căn nhà khang trang để lấy tiền trả nợ, chồng sẽ hối lỗi. Ai ngờ, sau đó anh ta vì mong gỡ gạc tiền thua mà lao vào đánh bạc với số tiền ngày càng lớn. Đau lòng hơn, khi không thắng bạc, anh biến cả vợ thành món đồ đem cầm cho chủ nợ”.

    Để bảo toàn mạng sống của con gái, bố mẹ chị H. đã vay mượn ở quê 200 triệu đồng gửi sang Campuchia cho T. trả nợ, chuộc vợ. Rút khỏi các sòng bạc tại Campuchia, vợ chồng chị H. không còn nhà để ở nên quyết định lên TP.HCM lập nghiệp. T. cay cú vì chỉ trong thời gian ngắn đã mất nhà cửa, nợ nần chồng chất nên gã nuôi hy vọng làm giàu nhanh chóng bằng những trò đỏ đen, lô đề.

    Hàng ngày, T. cung cấp cho vợ con khoảng 50 tờ vé số đi bán. Sau khi bán hết, T. sẽ hướng dẫn các con giả bệnh, ngồi trên xe đẩy đi xin tiền. Hôm nào mẹ con H. xin được ít tiền sẽ bị T. đánh đập sưng mặt mày. Dù vợ con đi xin ăn ngoài đường cả ngày, bất chấp nắng, mưa, T. cũng không bao giờ đón họ về phòng trọ trước 19h. Vừa qua, T. bị công an triệu tập lên làm việc do dính vào một vụ cá độ đá gà ăn tiền với nhóm xe ôm.

    Bằng giọng ngậm ngùi, H. kể, trong dãy trọ đang sống tại quận Bình Tân (TP.HCM), có vài gia đình khác cũng sống bằng công việc đi ăn xin. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Nhưng chị H. cho biết dù trong hoàn cảnh nào, những người phụ nữ đều có nỗi khổ giống nhau. Để minh chứng, H. kể cuộc sống địa ngục của chị N.T.K. (25 tuổi, quê Tiền Giang).

    Chị K. có một con nhỏ 3 tuổi và vừa sẩy thai do bị gã chồng vũ phu tên Q. (30 tuổi) gây ra. Nhiều lần Q. bắt vợ đi xin tiền nhưng chị K. không chấp nhận. Chị bảo mình còn trẻ, còn sức khỏe nên cảm thấy xấu hổ khi cùng con giả bệnh, lừa người khác. Chị K. đề nghị Q. ở nhà giữ con để chị xin đi phụ quán cơm kiếm sống. Q. không đồng ý. Vốn là người nghiện rượu, ham đánh bạc nên mỗi lần chị K. nói vậy, Q. đều cho rằng vợ hỗn hào, sẵn sàng “dạy” vợ bằng tay chân khiến chị K. bị sẩy thai.

    Không chịu nổi cảnh bạo hành gia đình, chị K. làm đơn ly hôn. Lúc này, Q. một mặt van xin, hứa hẹn sửa chữa lỗi lầm, mặt khác hăm dọa nếu vợ bỏ đi sẽ tìm giết chết. Đến thời điểm hiện tại, Q. vẫn chứng nào tật nấy. Trước sự vô trách nhiệm, côn đồ của chồng, chị K. đành chấp nhận cuộc sống với suy nghĩ “sống cho con có cha” và để đảm bảo mạng sống cho hai mẹ con.

    Những “diễn viên” bất đắc dĩ

    Ngoài những người có gia cảnh nghèo khó, bất hạnh, đường cùng buộc phải đi xin sự bố thí của xã hội, còn có một bộ phận người xem ăn xin là một cái nghề để mưu sinh.

    Vợ chồng N.H.T. (35 tuổi, quê tỉnh Tây Ninh) được cho rằng giàu lên từ “nghề” đi xin ăn. T. hành nghề xe ôm, đồng thời chuyên chở vợ con đi xin tiền quanh địa bàn quận 8, quận 5 và quận 11 (TP.HCM). Theo đó, vợ con T. sẽ được hóa trang rách rưới, lui tới các cổng chùa, ngã tư đường ngồi xin tiền với hoàn cảnh tự thuật là con bệnh, chồng bỏ, nghèo đói. Trong khi đó, T. canh chừng ở những nơi vợ con có mặt vừa phụ giúp việc di chuyển địa bàn vừa chạy xe ôm.

    Trung bình một ngày, cả gia đình thu nhập thấp nhất 500.000 đồng, có hôm lên tới cả triệu đồng. Nghe đâu, nhờ việc kết hợp ăn xin với chạy xe ôm, 3 năm qua, vợ chồng anh ta đã xây được một ngôi nhà khang trang ở huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh).

    Có tiền, nhưng T. bảo, nhiều khi nhục không để đâu cho hết. Nhiều lần vợ con anh ta gặp người cùng quê, ê chề, xấu hổ, đồng tiền mang về quê thành tiền bố thí, con cái sau này lớn lên sẽ mang tiếng là con của kẻ lười làm, ăn xin...

    Tiếp đó, tôi gặp gỡ cặp vợ chồng N.T.L. (25 tuổi, ngụ huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) cũng sống bằng việc đi ăn xin. Gia đình L. đang ở trọ tại quận Tân Phú trong căn phòng trọ có giá 1 triệu đồng/tháng.

    L. chia sẻ: “Trước kia, hai vợ chồng tôi và đứa con nhỏ sống ở căn phòng trọ ổ chuột dột nát có giá 400 ngàn đồng/ tháng. Nay nhờ đi xin mà kinh tế khấm khá hơn nhiều. Nghề đi ăn xin tuy mạt hạng, dành cho người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật nhưng chúng tôi không ngại mang tiếng điều đó”.

    Tôi trách, sao khỏe mạnh không kiếm việc làm đàng hoàng, còn tương lai của những đứa trẻ nữa, L. không ngại ngần nói: “Xã hội có người giàu người nghèo, kẻ khó người khôn. Cũng như nghề nghiệp mỗi người có một cách chọn việc riêng phù hợp với sức khỏe. Vợ chồng tôi không có bằng cấp, xin việc khó khăn lại gò bó thời gian. Cho nên, chúng tôi muốn đi xin ăn cho tự do, mà thu nhập cũng ổn định”... Nói vậy, nhưng nhìn sâu vào mắt người đàn bà ấy, tôi cảm nhận được nỗi buồn không thể thốt thành lời.

    Tại các quận Thủ Đức, Bình Thạnh (TP.HCM), chúng tôi phát hiện một số khu trọ có nhiều người cùng tập trung đi ăn xin. Nơi đây chủ yếu là người già và trẻ nhỏ, trẻ khuyết tật.

    Người dân tại các khu trọ này cho biết, họ đều có gia đình, con cháu có kinh tế khá giả ở quê. Tuy nhiên, hàng ngày, những người này vừa đi bán vé số vừa kiêm luôn việc xin tiền tại các khu chợ.

    Trong số đó, chiếm đa số là người già cô đơn, nghèo khó đi xin tiền để nuôi sống bản thân do con cháu bỏ rơi. Số còn lại là những người mang theo cháu nhỏ khuyết tật. Số tiền kiếm được từ việc ăn xin, những người này tích góp để làm vốn. Họ sống bằng công việc đi ăn xin vài năm rồi lại trở về quê hương sinh sống.

    Không nên lợi dụng lòng tốt

    Theo chia sẻ của bà V.T.Q. (60 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM), cán bộ hưu trí thường tham gia công tác xã hội, những hoàn cảnh khó khăn, không thể lao động được vẫn có nhiều tổ chức xã hội, nhóm từ thiện giúp đỡ. Do vậy, mọi người không nên lợi dụng lòng tốt người khác để sống ký sinh. Điều đó, còn làm ảnh hưởng tới văn hóa, lối sống của người Việt. Đặc biệt, hiện nay có khá nhiều người khỏe mạnh giả bệnh, lợi dụng trẻ em, người già để thu lợi bất chính. Điều này xã hội phải lên án mạnh mẽ.

    (Còn nữa)

    Huệ Trần

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/an-xin-sai-thanh-chong-chan-dat-chinh-vo-con-minh-a201154.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan