Ăn thịt lợn ốm, người xuất hiện đau bụng, tiêu chảy, sốt, và đau dữ dội các cơ bắp. Trong đó có 1 người tử vong, 1 người trong tình trạng nguy kịch.
Tối 4/1, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) cho biết, mới đây bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 2 bệnh nhân ở Lai Châu nhập viện do bị nhiễm giun xoắn sau khi ăn thịt lợn ốm.
Theo đó, vào cuối tháng 12/2017, khoa Cấp cứu tiếp nhận 2 bệnh nhân là anh P.P.H (33 tuổi) và anh L.L.G (24 tuổi) cùng ở Mù Cả, Mường Tè, Lai Châu. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng gầy, suy kiệt, đau dữ dội các cơ, không thể nuốt được, nói rất khó khăn.
Các bác sĩ đã thực hiện các xét nghiệm, lấy các mẫu để phân tích tìm nguyên nhân, với chẩn đoán bước đầu là nhiễm giun xoắn, điều trị theo phác đồ đặc hiệu và chăm sóc tích cực, hỗ trợ dinh dưỡng. Tuy nhiên, với bệnh nhân P.P.H, chỉ 2 ngày sau vào viện, bệnh nhân đột ngột xuất hiện ngừng tim và tử vong.
Ngày 4/1, kết quả xét nghiệm, phân tích cho kết quả chẩn đoán chính xác là các bệnh nhân bị nhiễm giun xoắn. Hiện bệnh nhân L.L.G đã kiểm soát được tình trạng sức khoẻ, qua cơn nguy kịch.
Ảnh minh hoạ. |
Qua khai thác bệnh sử từ người nhà bệnh nhân, được biết, người dân ở Mù Cả, Mường Tè, Lai Châu thịt lợn ốm, làm tiết canh và chế biến đồ ăn thịt lợn sống (món lạp). Sau khi ăn khoảng 5 ngày có 5-6 người xuất hiện đau bụng, tiêu chảy, sốt, và đau dữ dội các cơ bắp.
Các bệnh nhân đều nhập viện điều trị tại tuyến dưới. Riêng hai bệnh nhân nêu trên, sau điều trị bệnh trạng tăng nặng nên buộc phải chuyển bệnh nhân lên BV Nhiệt đới Trung ương.
Theo BS Cấp, bệnh giun xoắn ở người gây ra bởi một loại giun tròn thuộc giống Trichinella. Trong thiên nhiên nhiều động vật mang ký sinh trùng này. Người bị nhiễm do ăn phải thịt heo sống hay chưa nấu chín có nhiễm Trichinella spiralis. Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun xoắn
Về phương thức lây truyền, có thể lây qua đường ăn uống: ăn sống, ăn tái, ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt (chủ yếu là thịt lợn) nhiễm ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín kỹ. Giun xoắn không lây truyền trực tiếp từ người sang người.
Người ăn phải thịt nhiễm kén có ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín, ấu trùng sẽ thoát kén tại dạ dày và di chuyển đến ruột non. Ở ruột non, sau 24 giờ, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập ký sinh trong niêm mạc ruột non. Sau 4-5 ngày, giun cái có thể đẻ ấu trùng.
Trong thời gian khoảng 4-6 tuần, ấu trùng xâm nhập hệ tuần hoàn đến tim và tới các tổ chức như tạo kén gây viêm và đau dữ dội. Nếu nhiễm ở thực quản bệnh nhân sẽ đau không nuốt được, nếu nhiễm ở cơ hoành, cơ hô hấp mỗi khi thở sẽ đau dữ dội còn nếu nhiễm nhiều vào cơ tim có thể gây loạn nhịp tim, thậm chí ngừng tim.
Mỹ An (T/h)