(ĐSPL) - Nếu đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm vu cáo người khác thì tùy theo từng mức độ, công dân có thể bị truy cứu trách nhiệm.
Như báo ĐS&PL đã đăng tải về kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra bộ Công an (C44-P3) đã có kết luận điều tra về Lý Nguyễn Chung (SN 1988, trú tại thôn Đoàn Kết, xã Eaka Mút, huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk) về các tội Giết người; Cướp tài sản, quy định tại Điều 93, Điều 133 BLHS. Tuy nhiên, mới đây bà Nguyễn Thị Thu Hà (trú tại Bắc Giang) có đơn gửi cơ quan chức năng. Trong đơn, bà Hà nêu rõ và khẳng định ông Nguyễn Thanh Chấn chính là thủ phạm, không phải Lý Nguyễn Chung. Để làm sáng tỏ vấn đề trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Thanh (điều tra viên cao cấp cục Điều tra Viện KSND Tối cao) - người trực tiếp tham gia xác minh, điều tra vụ án, về mục đích cũng như việc giải quyết liên quan tới nội dung bà Hà tố cáo.
Hung thủ Lý Nguyễn Chung tại tòa. |
Không được suy diễn chủ quan
Liên quan tới việc bà Nguyễn Thị Thu Hà ở Bắc Giang có đơn gửi cơ quan chức năng cho rằng ông Chấn là hung thủ thật của vụ án giết người, không phải Lý Nguyễn Chung. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, thông tin này không chỉ gây ảnh hưởng xấu trong dư luận mà còn ảnh hưởng tới niềm tin, sự tự tôn đối với pháp luật của người dân?
Ông Lê Hồng Thanh: Tôi là một trong các ĐTV tham gia xác minh, điều tra vụ án. Khi gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn gửi đơn kêu oan tới Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao, sau khi xem xét, xác minh ban đầu, CQĐT nhận thấy có dấu hiệu oan sai, nên đã báo cáo lãnh đạo Viện KSND Tối cao; đồng thời vào cuộc điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ. Sau khi xác định Lý Nguyễn Chung là hung thủ của vụ án và có dấu hiệu bỏ trốn, CQĐT Viện KSND Tối cao đã phối hợp với CQCSĐT Bộ Công an truy tìm, vận động Lý Nguyễn Chung ra đầu thú.
Sau khi Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, trên cơ sở báo cáo của CQĐT và tài liệu chứng cứ đã thu thập, lãnh đạo Viện KSND Tối cao đã giao Vụ 3 Viện KSND Tối cao nghiên cứu, xem xét, và đề nghị lãnh đạo Viện KSND Tối cao kháng nghị những bản án đã xét xử đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. TAND tối cao đã mở phiên tòa tái thẩm, kết quả tuyên hủy các bản án nêu trên để điều tra lại. Sau đó, Viện KSND Tối cao đã giao vụ án trên cho Cơ quan CSĐT bộ Công an điều tra lại theo thẩm quyền. Qua thời gian điều tra độc lập, CQCSĐT bộ Công an đã xác định ông Chấn không phạm tội Giết người, nên đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Chấn; sau đó có Kết luận điều tra, đề nghị truy tố Lý Nguyễn Chung về tội Giết người. Và vừa qua, phiên tòa sơ thẩm đã được xét xử, Lý Nguyễn Chung bị tuyên phạm tội Giết người. Điều đó chứng tỏ việc đánh giá ông Chấn có bị oan hay không do nhiều cơ quan, đơn vị cùng tham gia xem xét. Trong đó có CQĐT Viện KSND Tối cao, Vụ 3 Viện KSND Tối cao, CQCSĐT bộ Công an, TAND Tối cao, TAND tỉnh Bắc Giang, Viện KSND tỉnh Bắc Giang...
Về những thông tin mà bà Hà đề cập trong đơn, chắc chắn các cơ quan tố tụng phải rất thận trọng, phải xem xét rõ bà Hà có đủ tư cách làm nhân chứng hay không? Nếu xác định là nhân chứng thì là nhân chứng trực tiếp hay gián tiếp? Nếu là gián tiếp thì nó phải kết hợp với các chứng cứ khách quan khác thì mới có giá trị chứng minh (không được phép suy diễn chủ quan). Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo hay đưa ra những chứng cứ giúp cho các cơ quan tố tụng làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án; tuy nhiên các quyền trên phải trên cơ sở tôn trọng sự thật khách quan và không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Việc xem xét đơn tố cáo của bà Hà là trách nhiệm của các cơ quan tố tụng (đối với CQCSĐT trong giai đoạn điều tra; đối với Viện KSND trong giai đoạn truy tố; đối với TAND trong giai đoạn xét xử).
Có ý kiến cho rằng, một trong những thông tin bà Hà đưa ra là tài liệu mật, chỉ có CQĐT mới có. Tuy nhiên nó lại được phát tán trước khi TAND tỉnh Bắc Giang đưa vụ án Lý Nguyễn Chung ra xét xử sơ thẩm? Ông có bình luận gì về nội dung này?
Ông Lê Hồng Thanh: Người dân có quyền gửi đơn đến nhiều cơ quan khác nhau; nhưng trách nhiệm giải quyết thuộc về từng cơ quan tố tụng, trong từng giai đoạn tố tụng cụ thể, như đã trao đổi ở trên.
Được biết, bà Hà nói rõ do CQĐT dàn dựng để ông Nguyễn Thanh Chấn được minh oan?
Ông Lê Hồng Thanh: Tôi chưa biết rõ về nội dung đơn của bà Hà. Tuy nhiên, như trên đã đề cập, công dân có quyền khiếu nại tố cáo theo quy định của pháp luật, nhưng không được suy diễn. Nếu đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm vu cáo người khác thì tùy theo từng mức độ, công dân có thể bị truy cứu trách nhiệm, thậm chí phải xử lý bằng pháp luật hình sự.
Ông Lê Hồng Thanh, điều tra viên cao cấp, cục điều tra VKSNDTC. |
Diễn biến vụ án
Theo bản kết luận điều tra C44 - P3 bộ Công an: Chiều ngày 15/8/2003, ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961), trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang cùng bà Nguyễn Thị Chiến (SN 1965) là vợ ông Chấn) bán hàng tại quán của gia đình ở giáp sân bóng thôn Me. Đến khoảng 19h cùng ngày, bà Chiến bảo ông Chấn đi xin nước về để muối cà pháo. Ông Chấn lấy xe đạp nữ thống nhất của gia đình buộc hai thùng nhựa đằng sau xe, rồi đạp xe đến nhà vợ chồng chị Hoàng Thị Viển, anh Thân Văn Bảo, ở cùng thôn để xin nước, khi đi ngang qua nhà chị Nguyễn Thị Hoan, ở cùng thôn, ông Chấn nhìn vào nhà thấy cửa trước nhà chị Hoan mở to, trong nhà bật điện sáng, chị Hoan đang bế con ở sân sau, lúc đó là mấy giờ thì ông Chấn không biết...
Trong thời gian này có rất nhiều người đến quán mua hàng của ông Chấn và ông trực tiếp bán hàng cho bà Phạm Thị Nhâm, ở thôn Me, mua bia và kẹo; ông Nguyễn Văn Quyền, ông Nguyễn Văn Thực. Bán hàng một lúc, khi thấy quán ít khách, ông Chấn bảo bà Chiến ở lại quán trông hàng còn ông Chấn về nhà ăn cơm trước. Ông Chấn đi xe đạp về nhà, sau đó đi tắm và ủ men rượu rồi ăn cơm cùng với mẹ và các con, ăn cơm xong, ông Chấn lại đạp xe ra ngoài quán để bán hàng, không đi đâu cho đến khi mọi người phát hiện chị Hoan bị giết.
Căn cứ kết quả điều tra, kết luận giám định xác định dấu vết đường vân chân dính máu tại hiện trường không phải của Nguyễn Thanh Chấn và lời khai của ông Chấn và một số nhân chứng có đủ cơ sở khẳng định ông Nguyễn Thanh Chấn không phạm tội giết chị Nguyễn Thị Hoan. vào đêm 15/8/2003. Ngày 25/01/2014, Cơ quan CSĐT bộ Công an ra Quyết định đình chỉ điều tra bị can số 01/C44-P3 đối với ông Nguyễn Thanh Chấn về tội Giết người.
Có lẽ vụ án sẽ vĩnh viễn đi vào ngõ cụt, nếu như không có sự mâu thuẫn giữa ông Lý Văn Chúc và bà Nguyễn Thị Lành là bố đẻ và mẹ kế của Lý Nguyễn Chung. Việc Lý Nguyễn Chung giết người chỉ có bố đẻ và mẹ kế biết, nhưng do vợ chồng có mâu thuẫn với nhau, bà mẹ kế đã moi móc chuyện cũ và chân tướng Chung bị lộ. Từ thông tin bị lộ ra trong nội bộ gia đình Chung, Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao và các cơ quan chức năng khác đã điều tra lại toàn bộ sự việc và lấy ý kiến của nhiều nhân chứng. Ngày 15/10/2013, sau khi được chính quyền và gia đình khuyên, đối tượng Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào tối ngày 15/8/2003 để cướp tài sản.
Theo luật sư Nguyễn Đức Biền, đoàn Luật sư Bắc Giang: “Tôi là người bào chữa cho anh Chấn cả hai phiên tòa, từ phiên sơ thẩm đến phúc thẩm, ngay từ khi tiếp xúc, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, cộng với phần thẩm vấn tại phiên tòa thì tôi khẳng định, ông Nguyễn Thanh Chấn không phạm tội”. |
Hà My
[mecloud]GHbMmzKwX5[/mecloud]