+Aa-
    Zalo

    Ẩn họa từ những quả bom nổ chậm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thời gian gần đây, hàng loạt vụ nổ lò hơi đã xảy ra trên khắp cả nước. Thế nhưng nhận thức về sự nguy hiểm của những quả bom nổ chậm trong khu dân cư...

    (ĐSPL) - Thời gian gần đây, hàng loạt vụ nổ lò hơi đã xảy ra trên khắp cả nước. Thế nhưng nhận thức về sự nguy hiểm của những quả bom nổ chậm trong khu dân cư dường như vẫn chưa được nâng cao. Dù biết nguy hiểm và thực tế đã có nhiều tai nạn thương tâm song người trong cuộc vẫn bình chân như vại.

    Nguồn: Internet

    Những tai nạn thương tâm

    Thời gian gần đây, hàng loạt tai nạn lò hơi đã xảy ra, gây thương vong không nhỏ và tổn thất lớn về kinh tế cho người dân.

    Vụ nổ lò hơi xảy ra vào ngày 30/10, tại thôn Quang Lang Đoài, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình làm 2 người tử vong tại chỗ, 2 người tử vong khi đi cấp cứu và 11 người bị thương. Tại Nghệ An, ngày 24/8, một vụ nổ lò hơi xảy ra ở nhà máy Granite Trung Đô khiến 2 công nhân tử vong. Ngày 30/5, một vụ nổ lò hơi khác tại nhà máy gạch Tasa thuộc công ty CP Gạch men Tasa (tại khu công nghiệp Thụy Vân, TP. Việt Trì, Phú Thọ) cũng khiến 1 công nhân thiệt mạng. Còn tại Bình Dương, ngày 25/3 vụ nổ lò hơi xảy ra tại công ty TNHH Shijar (Đài Loan, chuyên sản xuất gạch men) cũng đã làm 2 công nhân thiệt mạng. Gần đây nhất, ngày 10/11 vụ nổ lò hơi xảy ra ở công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu Thái Nguyên (tổ 15, phường Quan Triều, TP.Thái Nguyên) khiến 2 người tử vong tại chỗ và 6 người khác bị thương.

    Nguyên nhân của các vụ nổ nói trên, đều liên quan đến vấn đề kỹ thuật. Nguy hiểm hơn, hầu hết những vụ nổ đều xảy ra tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, những lò hơi công suất không lớn. Tuy công suất không lớn nhưng những lò hơi này tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm song bản thân những hộ sản xuất kinh doanh và người vận hành không nhận thức hết điều này.

    Trong quá trình khảo sát thực tế thị trường lò hơi ở Việt Nam, PV đã tiến hành tìm hiểu và phát hiện những lỗ hổng chết người từ việc quản lý đến nhận thức về mức độ an toàn của lò hơi. Trên thị trường hiện tại, việc mua bán lò hơi đã qua sử dụng thường được các doanh nghiệp ưu tiên hơn. Bởi lẽ chi phí đầu tư cho những lò hơi này thường thấp hơn. Vì các hộ thường sản xuất nhỏ lẻ nên việc đầu tư một lò hơi đúng quy chuẩn sẽ đòi hỏi giá thành tương đối lớn. Ngoài ra, đội ngũ kỹ thuật vận hành lò hơi còn rất nhiều hạn chế.

    Để tìm hiểu thị trường lò hơi trong nước, PV đã liên hệ với rất nhiều đầu mối kinh doanh lò hơi trong cả nước. Theo đó trên thị trường hiện nay, các loại lò hơi cỡ nhỏ có công suất từ 500kg đến 10 tấn đốt than, củi hay dầu DO và đốt vải vụn là những loại phổ biến trên thị trường. Và hiện thị trường buôn bán lò hơi trong nước tương đối sôi động bởi doanh nghiệp kinh doanh chế biến gỗ, thủy sản, may mặc trong nước cần sử dụng lò hơi khá cao.

     Ẩn họa từ việc lắp đặt và quản lý lò hơi

    Lò hơi, nồi hơi là những thiết bị áp lực rất dễ xảy ra cháy nổ do đó công tác kiểm định sẽ giúp ngăn ngừa và phát hiện kịp thời những nguy cơ nhằm ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cách quản lý và lắp đặt lò hơi như hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề. Trong vai một chủ

    cơ sở kinh doanh gỗ có nhu cầu sử dụng lò hơi để sấy sản phẩm, PV báo ĐS&PL đã tìm đến 3 cơ sở cung ứng lò hơi để được tư vấn. Theo đại lý cung cấp có tên N.A tại thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) và T. Boider, một đơn vị kinh doanh nồi hơi có trụ sở tại TP.HCM. Khi giới thiệu rằng có nhu cầu sản xuất 30m3 gỗ sản phẩm/ngày, chúng tôi được người bán tư vấn lắp đặt loại lò hơi đốt củi nhằm tận dụng sản phẩm thừa.

    Bên cạnh lợi ích về mặt kinh tế, các đơn vị này tư vấn cho PV thủ tục mua bán lò hơi cực kỳ đơn giản, khi khách hàng có nhu cầu, bên cung cấp sẽ lo toàn bộ thủ tục kiểm định cho khách hàng thông qua một công ty tư nhân có pháp nhân kiểm định. Khi PV thắc mắc rằng liệu có phải thông qua sở Lao động, Thương binh và Xã hội của tỉnh mình vừa báo cáo vừa kiểm định hay không, đơn vị cung cấp này cho biết, cái đó tùy thuộc vào nhu cầu khách

    hàng. Nếu muốn thì đơn vị cung cấp lò hơi sẽ “lo” luôn. Và việc vận hành lò hơi cũng được công ty huấn luyện cho khách hàng. Cũng theo đơn vị cung cấp này thì thường khách hàng của họ ít khi nhờ đến Sở kiểm định bởi lo ngại về việc “nhiêu khê” thủ tục giấy tờ. Hầu hết, thủ tục đăng kiểm, huấn luyện công nhân vận hành lò hơi các công ty này sẽ lo cả. Cũng theo quy định hiện hành, lò hơi hiện nay được chia thành nhiều giai đoạn để kiểm định, theo đó thời gian kiểm định tùy thuộc vào tuổi đời của lò hơi. Thời hạn kiểm kỹ thuật an toàn định kỳ là 2 năm. Đối với nồi hơi, nồi đun nước nóng đã sử dụng trên 12 năm thì thời hạn kiểm tra kỹ thuật an toàn định kỳ là 1 năm. Bên cạnh đó với nồi hơi nghỉ vận hành từ 12 tháng trở lên, thay đổi vị trí lắp đặt phải đưa ra khám nghiệm bất thường. Việc rút ngắn thời gian kiểm định, theo quy định thì, kiểm tra viên phải nêu rõ lý do trong biên bản kiểm định và có sự thống nhất của cơ sở sử dụng. Tuy nhiên, thực tế hầu hết những quy định này có được áp dụng đầy đủ hay không đều phụ thuộc vào... ý thức của những người sử dụng.

    Trao đổi với PV, chuyên gia Phạm Văn Tân - Giám đốc công ty cổ phần Năng lượng và Môi trường Bách khoa, giảng viên viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt - Lạnh, trường ĐHBK Hà Nội, đơn vị đào tạo cung cấp chứng chỉ kỹ thuật vận hành nồi hơi cho biết: “Nói về nguyên nhân nổ lò hơi thì có nhiều. Tuy nhiên, nếu nhìn dưới góc độ chuyên gia từng có nhiều năm đào tạo kỹ thuật viên lò hơi và tìm hiểu nguyên nhân nổ lò hơi thì những vụ việc vừa xảy ra trên địa bàn cả nước có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, là do công nhân vận hành. Hiện tại, nguồn nhân lực vận hành lò hơi công nghiệp không thiếu nhưng các chủ sản xuất kinh doanh thường tận dụng công nhân cơ điện để đào tạo vận hành lò hơi. Chỉ thông qua vài buổi huấn luyện của nhà cung ứng, công nhân có thể tự đứng vận hành lò hơi. Đây là điều hết sức nguy hiểm bởi những công nhân này không nhận thức được một số vấn đề về cảm biến nhiệt hoặc cung ứng nước. Thực tế một số vụ nổ liên quan đến việc cung ứng nước cho lò hơi bị thiếu.

     Nguyên nhân thứ 2 là lượng lò hơi trôi nổi, đã qua sử dụng và lượng lò hơi đã dừng sử dụng nhiều năm nhưng chỉ được kiểm tra qua loa rồi đưa vào vận hành. Đây là điều hết sức nguy hiểm bởi độ bền của thép lò hơi đã giảm theo thời gian. Cuối cùng, đường nước vận hành lò hơi có vấn đề. Tức là vấn đề chất lượng nước ở khu vực đặt lò hơi có quá nhiều cặn hoặc các loại oxit tạo ra cặn trong ống nhiệt. Chính những cặn này sẽ làm cảm ứng nhiệt bị ảnh hưởng và khi không cảm biến được nhiệt sẽ dễ gây cháy nổ. Tuy nhiên, trong thực tế, những vấn đề này chưa được nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ lẻ chú ý khi sử dụng lò hơi. Đây là điều hết sức nguy hiểm”.

    T.P

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/an-hoa-tu-nhung-qua-bom-no-cham-a172187.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.