(ĐSPL) - Dư luận thế giới đang xôn xao trước thông tin một bé trai ở Ấn Độ bị bỏng nặng bởi ngọn lửa bùng lên từ chính cơ thể mình. Theo lời kể của người mẹ 22 tuổi, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, đứa con trai đầu lòng của chị “đột nhiên bốc cháy” tới 4 lần. Theo tờ Telegraph, các bác sỹ đã tiến hành rất nhiều lần kiểm tra và xét nghiệm, nhưng họ đành bó tay. Cho đến thời điểm hiện tại, họ vẫn không thể xác định liệu đó có phải hiện tượng tự bốc cháy ở người hay không. Các chuyên gia cho biết, rất có thể trong người cậu bé có một “ngọn lửa bí ẩn”.
Thành chủ đề truyền thông quốc tế
Câu chuyện tưởng như chỉ xuất hiện trong những bộ phim về đề tài dị nhân của Marvel lại đang xuất hiện trong chính cuộc sống hiện tại. Chuyện xảy ra tại đất nước của sử thi Mahabharata. Theo tờ Telegraph của Anh, cơ thể bé Rahul bất ngờ bốc cháy khi cậu bé mới được 9 ngày tuổi và trong vòng 2 tháng sau đó cậu bé tiếp tục bốc cháy tới 4 lần, để lại những vết bỏng lớn trên đầu, ngực và đùi.
Mẹ của Rahul – chị Rajeshwari Karnan (22 tuổi) cho biết, ban đầu ngọn lửa xuất phát từ bàn chân của cậu bé, sau đó lan nhanh lên phần bụng và đầu gối bên phải. “Lúc đó, tôi vô cùng hoảng sợ. Tôi loay hoay không biết xử lý ra sao. Chồng tôi phải dùng khăn dập ngọn lửa đang lan dần khắp người bé”. Cũng theo lời kể của người mẹ 22 tuổi, sau lần đầu “đột nhiên bốc lửa”, ba lần sau Rahul cũng bốc cháy tương tự khiến gia đình vô cùng sợ hãi và quyết định đưa cậu bé đến bệnh viện Kilpauk, ở quận Chennai (phía nam Ấn Độ) để các bác sỹ theo dõi.
Nhật báo Times of India của Ấn Độ dẫn lời các bác sỹ tại bệnh viện Kilpauk cho biết, họ đã thực hiện nhiều dạng xét nghiệm, mời các chuyên gia đến tham khảo nhưng mọi thứ gần như đều đi vào ngõ cụt. Họ cũng tiến hành khám nghiệm xem liệu Rahul có bị tác nhân gây cháy nào khác hay không, cũng như nêu giả thuyết về tình trạng cậu bé bị bạo hành... nhưng đều bị bác bỏ sau đó. “Chúng tôi rất khó xử và không thể đi đến bất cứ kết luận nào. Cha mẹ bé cho rằng bé tự bốc cháy mà không có tác nhân nào cả. Cho đến khi mọi khảo sát hoàn tất chúng tôi không thể nói đây là trường hợp người tự bốc cháy”, bác sỹ Narayana Babu – Trưởng khoa Nhi tại bệnh viện Kilpauk nói.
Sau quá trình hội chẩn, một giả thuyết khác cũng được đưa ra, đó là cậu bé đã tự sản sinh ra những loại khí có khả năng bốc cháy, nhưng giả thuyết này đã được bác bỏ sau khi các xét nghiệm không cho thấy sự xuất hiện của bất kỳ loại khí nào có khả năng. “Tiếc rằng chúng tôi không phát hiện được khí methane hay khí ethanol tỏa ra từ người cậu bé Rahul” bác sỹ Narayana Babu cho biết thêm.
Cũng theo lời kể của các nhân viên y tế, ngọn lửa bí ẩn không còn bùng lên khi các bác sỹ khuyên cha mẹ của Rahul duy trì độ ẩm cơ thể cho cậu bé, để cậu nằm trong phòng thoáng khí và mặc quần áo vải bông. Tuy nhiên, sự việc kéo dài không lâu, các bác sỹ lại một lần nữa phải quay lại với vụ việc khi chị Rajeswari tất tưởi chạy tới phòng cấp cứu với cậu bé Rahul bị bỏng rộp. Theo lời kể của chị, cậu bé tiếp tục bốc cháy ngay tại nhà hôm 15/1/2015. Cậu bé được làm các xét nghiệm và theo dõi chặt chẽ bằng máy quay trong phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Kilpauk. Các bác sỹ cũng đang điều trị vết bỏng 5\% trên hai chân của Rahul.
Chị Rajeswari cho biết, lần này chị phát hiện con trai đang bốc cháy khi vừa từ phòng tắm ra. “Tôi đang vào phòng tắm ở phía sau nhà bỗng nhiên nghe tiếng hết của Rahul. Tôi liền chạy tới, lúc này chân thằng bé cháy rực. Tôi lập tức nhúng nó vào nước rồi đưa đến bệnh viện”, người mẹ trẻ kể lại. Theo Daily Mail, gia đình người mẹ khốn khổ này đã bị đuổi khỏi ngôi làng ở Villipuram, cách Chennai 200km về phía nam sau khi dân làng phát hiện con trai đầu lòng của họ tự bốc cháy. Hàng xóm nghi ngờ họ đã cố tình châm lửa đốt con và gia đình bên nội cũng đã đuổi họ đi sau khi bé Rahul bốc cháy quá nhiều lần.
Những giả thuyết còn bỏ ngỏ
Câu chuyện của Rahul đang gây xôn xao dư luận Ấn Độ. Giới truyền thông địa phương cũng bán tín bán nghi nêu một số giả thuyết về trường hợp của cậu bé. Nhật báo Times of India nhắc lại vụ cháy bí ẩn tại vài ngôi nhà tại một ngôi làng ở Ấn Độ hồi năm 2004. Sau vụ cháy, có lời giải thích rằng những đốm lửa xuất phát từ chất phốt-pho trong đống phân bò được tích trữ để làm vật liệu xây dựng, đã phát cháy lên do một nguồn mồi lửa rất nhỏ. Tuy nhiên, đó là chuyện của ngôi nhà cháy.
Trong khi đó, vấn đề người tự bốc cháy vẫn là giả thuyết gây tranh cãi. Các chuyên gia điên đầu với một vài trường hợp, trong đó có người đã biến thành tro ngay nơi ở của họ dù mọi thứ xung quanh không hề bén lửa. Nhiều giả thuyết được nêu cháy do tĩnh điện, hoặc do tàn thuốc lá... nhưng không nêu được bằng chứng xác thực.
Các bác sỹ cho biết, việc cơ thể đột nhiên bốc cháy thường liên quan với những trường hợp trẻ em bị lạm dụng, xảy ra khi người chăm sóc chính của các em đã nói quá hoặc bịa đặt về tình trạng bệnh tật của trẻ. Mặc dù các bác sỹ nghi ngờ khả năng Rahul có thể là nạn nhân của kiểu lạm dụng trẻ em này, nhưng không tìm thấy tổn thương nội tạng nào trên người cậu bé. Một đội điều tra gồm 4 nhân viên cảnh sát đã được cử đến để làm rõ nguyên nhân gây ra các vết bỏng trên người Rahul nhưng đều không thu được kết quả gì. Giả thuyết cậu bé bị lạm dụng cũng được xóa bỏ.
Theo các chuyên gia pháp y, trong vòng hai thế kỷ qua, thế giới từng ghi nhận một số trường hợp của hiện tượng người “đột nhiên bốc cháy”. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn sống sót như cậu bé Rahul. Trong một số trường hợp ngọn lửa đỏ rực đột nhiên bùng lên dữ dội và chỉ trong vài phút ngắn ngủi, nạn nhân cháy tan thành tro, để lại lớp khói mịt mù, muội đen và những phần thân thể còn vương vãi. Đôi khi, những vật thể xung quanh chưa kịp bắt nhiệt, quần áo nạn nhân vẫn còn nguyên vẹn.
Khi chứng kiến những hiện tượng người tự bốc cháy, không ít người đã đổ lỗi cho bàn tay của ma quỷ, hay sự hù dọa của một thế lực siêu nhiên, thế nhưng nhiều giả thuyết khoa học đã được đưa ra để bác bỏ những luận điệu có phần thần thánh hóa này. Một số nhà khoa học cho rằng, ruột của những người tự bốc cháy đã sản sinh ra quá nhiều khí metan, thậm chí là hậu quả của quá trình điện phân bất ngờ khi nước trong cơ thể bị phân tách ra thành hydro và oxy. Tuy nhiên, những giả thuyết trên mới chỉ dừng lại ở mức phỏng đoán, chưa có cơ sở khoa học vững chắc cũng như chứng cứ xác thực. Cho đến nay, hiện tượng người bốc cháy vẫn là dấu hỏi lớn trong kho tàng bí ẩn về khả năng vô tận của con người.
Một trường hợp hi hữu? Trường hợp tự cháy đầu tiên được chính thức ghi nhận là vào ngày 5/7/1835. Khi đó, GS. toán học James Hamilton của trường đại học Tổng hợp thành phố Nesville (Mỹ) bỗng cảm thấy đau nhói ở chân trái. Chỉ một giây sau, cái chân... bùng cháy với ngọn lửa cao tới 10cm. Tuy nhiên, ông Hamilton đã kịp dập tắt lửa bằng đôi tay trần của mình. Rất may ông Hamilton đã thoát khỏi “hỏa thần”. Thế nhưng, trên thực tế không phải ai cũng may mắn như vậy. Năm 1951, cụ bà Mary Riser tại Mỹ cũng bất ngờ bốc cháy cùng với chiếc ghế đang ngồi. Hiện trường còn lại chỉ là một chiếc cẳng chân còn đi chiếc giày màu đen, trong khi những tờ báo bên cạnh không hề cháy. Điều ngạc nhiên là trên tường và sàn nhà không hề có dấu muội của đám cháy, cũng không có mùi khét của một vụ cháy thông thường. |