Cuộc phóng thử tên lửa đã được tiến hành từ một bệ phóng dưới nước ở ngoài khơi bờ biển bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ.
Ấn Độ bắn thử thành công tên lửa K-4 phóng từ tàu ngầm. Ảnh: Twitter |
Hãng thông tấn ANI của Ấn Độ dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết, nước này vừa thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo K-4 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân từ tàu ngầm.
Ngày 19/1, tên lửa đạn đạo K-4 đã được phóng thành công từ vịnh Bengal ngoài khơi bờ biển Visakhapatnam, phía nam bang Andhra Pradesh và bay xa 2.200km. Đã trải qua nhiều thử nhiệm nhưng đây là lần đầu tiên lửa phóng được một khoảng cách xa như vậy.
Tên lửa K-4 được phát triển bởi Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO). K-4 được mệnh danh là tên lửa đạn đạo mạnh nhất của Hải quân Ấn Độ có thể bắn từ tàu ngầm.
Trong vòng 2 năm qua, mục tiêu hàng đầu của DRDO là khiến tên lửa này nhẹ hơn và nhanh hơn ở cả biến thế hành trình và đạn đạo. K-4 có chiều dài khoảng 12m, đường kính 1,3m và nặng 17 tấn, tầm bắn lên tới 3.500km.
Được biết, K-4 là một trong 2 tên lửa đạn đạo được Ấn Độ thiết kế nhằm trang bị cho tàu ngầm. Tên lửa còn lại mang tên BO-5 có tầm bắn hơn 700 km. Tên lửa K-4 dành riêng cho tàu ngầm hạt nhân lớp Arihant của Hải quân Ấn Độ.
Ấn Độ dự kiến sẽ thực hiện thêm nhiều vụ thử đối với loại tên lửa này, trước khi nó sẵn sàng được trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân. Hiện tại, Hải quân Ấn Độ chỉ có duy nhất 1 tàu hạt nhân INS Arihant đang hoạt động.
Việc phóng thử thành công chính thức đánh dấu bước tiến trong việc phát triển bộ ba răn đe hạt nhân của Ấn Độ.
Vi An (T/h)