Phiên tòa đặc biệt
Như ĐS&PL đã thông tin, từ năm 2018-2021, một vụ án Cố ý gây thương tích xảy ra tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Đến nay, vụ án trải qua hàng chục phiên xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm. Đến năm 2020, cấp phúc thẩm TAND tỉnh Quảng Bình tuyên trả hồ sơ điều tra lại vì còn nhiều điểm chưa sáng tỏ. Giữa tháng 12/2021, TAND huyện Quảng Ninh đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
Theo ghi nhận của PV, suốt một ngày xét xử, vụ án vẫn gây ra nhiều tranh cãi ngay tại tòa. Cáo trạng của VKSND huyện Quảng Ninh truy tố Trương Thị Hòa, SN 1965, trú xã Hải Ninh ra trước tòa về tội Cố ý gây thương tích theo điểm đ, khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, ngày 19/6/2018, do mâu thuẫn từ việc tranh chấp đất đai, bà Trương Thị T., SN 1963, trú cùng địa phương cùng anh em ruột thịt trong nhà cầm theo xẻng, xà beng kéo sang đào phá con đường vào nhà bị cáo Hòa. Nhóm 6 người này và gia đình bị cáo Hòa có quan hệ bà con, anh em ruột thịt.
Lúc đang đào phá đường thì con của bị cáo Hòa đứng quay video rồi các bên ẩu đả. Khi chồng bị cáo Hòa chạy ra thì diễn biến nghiêm trọng hơn. Thấy con gái đang đánh nhau với nhóm người trên, bị cáo Hòa chạy ra can ngăn. Trong quá trình này, bị cáo Hòa dùng xẻng đánh vào đầu bà T. khiến bà này thương tích 13%.
Nhiều vấn đề chưa rõ
Tại tòa, bị hại và bị cáo liên tục khai mâu thuẫn nhau. Đặc biệt là chi tiết bị hại T. cho rằng, bị cáo Hòa dùng xẻng đánh khiến mình thương tích.
Còn bị cáo Hòa khai, lúc nhóm bà T. kéo sang phá đường, bà chạy đi trình báo chính quyền. Trên đường về, thấy nhóm bà T. đánh con gái mình nên xông vào can ngăn để cứu con gái đang ngất xỉu.
Trong quá trình này, bà T. đã dùng xẻng đánh vào chân bị cáo. Sau đó, hai bên giằng co cái xẻng. Còn việc vì sao bà T., bị thương thì bị cáo hoàn toàn không biết.
Ở phần tranh luận, tỷ lệ thương tích 13% của bị hại cũng được đưa ra “mổ xẻ”. Theo kết luận giám định, tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại là 13%. Đây là vết sẹo lớn với kích thước chiều dài x chiều rộng là 8,5 x 0,1cm.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Hòa cho rằng, kết luận giám định chưa đúng. Luật sư viện dẫn các quy định của luật pháp và khẳng định sẹo lớn phải đáp ứng kích thước 5cmx0,5cm. Trong khi đó, kích thước chiều rộng sẹo theo giám định chỉ mới 0,1cm. Từ đó, vị này đề nghị HĐXX xem xét lại vấn đề giám định.
Về vấn đề hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, tại toà, giám định viên khẳng định khi tiến hành giám định, các giám định viên không căn cứ vào hồ sơ bệnh án của bệnh nhân mà chỉ dùng để tham khảo.
Đối đáp lại, vị luật sư bào chữa cho bị cáo lập luận rằng việc tiến hành giám định, kết luận giám định mà không căn cứ vào hồ sơ bệnh án là vi phạm Luật Giám định tư pháp.
Theo nguyên tắc, giám định viên thực hiện giám định theo đúng nội dung yêu cầu giám định. Ngoài ra, nếu tài liệu liên quan được cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định tư pháp thì giám định viên phải tiến hành đề nghị người trưng cầu bổ sung làm rõ. Sau khi đã đề nghị người trưng cầu, người yêu cầu giám định bổ sung, làm rõ nhưng không được đáp ứng thì từ chối giám định.
Một tình tiết khác cũng gây nhiều tranh luận tại tòa là “con đường bị đào phá”. Chi tiết này trước đó đã được cấp phúc thẩm TAND tỉnh Quảng Bình chỉ ra rằng là một trong những vấn đề mấu chốt của vụ án.
Theo đó, TAND tỉnh Quảng Bình phân tích, đoạn đường bị đào phá nằm trên phần diện tích được Nhà nước cấp sổ đỏ cho gia đình bà T.. Nếu trước đó, gia đình bà này không có sự thỏa thuận cho phép bị cáo Hòa được xây dựng con đường phục vụ đi lại thì việc đào phá đường là không vi phạm.
Ngược lại, nếu trước đó, gia đình bà T. có thỏa thuận hoặc cho phép gia đình bị cáo Hòa tạo lập con đường trên phần đất của họ thì việc tự ý phá đường là trái luật. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chưa làm rõ vấn đề này.
Hơn nữa, theo TAND tỉnh Quảng Bình, vấn đề xác định việc đào phá đường có vi phạm pháp luật hay không là căn cứ để xem xét trách nhiệm đầy đủ của bị cáo Hòa. Nếu việc đào phá con đường là sai, gây bức xúc, kích động mạnh cho bị cáo dẫn đến vi phạm pháp luật thì hành vi này được xác định xuất phát từ hành vi trái pháp luật trước đó của bị hại.
Từ đó bị cáo được xem xét giảm nhẹ hoặc miễn truy cứu hình sự do kích động mạnh. Nếu việc đào phá đường là không sai thì việc hai bên ẩu đả có lỗi của cả hai bên. Ai không kiểm soát được hành vi của mình gây hậu quả thì phải chịu trách nhiệm.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Hòa đưa ra nhiều bằng chứng như giấy tờ đo đạc của cơ quan quản lý đất đai huyện Quảng Ninh, địa chính xã Hải Ninh và biên bản đồng tình cho đổ đá làm đường của làng xóm. Điều này thể hiện, đôi bên đã có sự thỏa thuận đồng tình về con đường từ trước năm 2016. Từ đó, bị cáo Hòa khẳng định việc phía bà T. sang phá đường năm là vi phạm.
Tuy nhiên, gia đình bà T. lại không đồng tình với ý kiến này. Họ nói rằng không biết gì về các giấy tờ trên. Việc gia đình bà Hòa làm đường này là sai nên họ đào phá.
Bị cáo và bị hại đều có lỗi
Đại diện VKS phân tích vụ án này có phần lỗi của bị hại trong việc đào phá con đường, gây nên bi kịch.
Cùng quan điểm, luật sư bào chữa cho bị cáo nhấn mạnh, khi có tranh chấp thì các bên cần nhờ cơ quan chức năng giải quyết, chứ không phải là cầm cuốc, cầm xẻng đi đập phá, đánh nhau. Từ đó, gây nên thù hằn, bức xúc cho phía còn lại dẫn đến kết cục không hay như ngày hôm nay.
Kết thúc phiên xử, HĐXX tuyên phạt bị cáo Hòa 2 năm tù giam về tội Cố ý gây thương tích.
Nhâm Thân
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật (44)