Bát đũa là thứ trực tiếp tiếp cận với đồ ăn, nếu như nó không sạch sẽ hoặc được làm bằng nguyên liệu nguy hiểm thì có thể truyền mầm bệnh, độc tố vào cơ thể dễ dàng.
Cẩn thận khi chọn loại bát được làm từ những nguyên liệu sau:
Bát giả sứ
Theo báo Phụ nữ Việt Nam, bát giả sứ là loại bát không nên sử dụng, tuy nó nhẹ, ít bị vỡ và có giá rẻ hơn so với bát sứ thật.
Thành phần chính của bát giả sứ là nhựa melamine. Nhựa melamine không chịu được nhiệt độ cao, nếu được đun sôi trong dầu nóng ở nhiệt độ 200°C trong 10 phút, một phần nhựa melamine có thể bị phân hủy và tạo ra các chất độc hại như melamine và formaldehyde.
Một số loại bát melamine kém chất lượng còn nguy hiểm hơn, chúng sử dụng nhựa urê-formaldehyde thay vì nhựa melamine. Loại nhựa này độc hại hơn và có tốc độ giải phóng formaldehyde cao hơn.
Formaldehyde đã được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế xếp vào loại "chất gây ung thư cấp độ 1". Tiếp xúc lâu dài với liều lượng lớn có thể gây đột biến gen, làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu, ung thư hạch, ung thư vòm họng, ung thư não...
Bát có hoa văn vẽ trên men
Cần làm rõ hai kỹ thuật tráng men hiện nay. Kỹ thuật vẽ trên men (Over glazed enamel) chỉ lớp phủ ở bề mặt gốm và kỹ thuật vẽ dưới men (Under glazed enamel) nói đến những hoa văn chìm dưới lớp tráng men, theo Vnexpress.
Những màu men nổi có thể gây hại cho sức khỏe người dùng bởi khi gặp ma sát hoặc nhiệt độ cao, các chất tạo màu rất dễ thôi nhiễm ra thực phẩm.
Nguy hiểm hơn nhiều nhà sản xuất đã chọn bột màu hóa học giá rẻ có chứa kim loại nặng tương đối cao (chì, thủy ngân, cadmium). Nhiễm độc chì sẽ gây sụt cân, buồn nôn, đau bụng, tăng nguy cơ cao huyết áp, về lâu về dài sẽ gây ra các bệnh về thận và não.
Bát inox
Thực tế bát inox có hai lớp cách nhiệt nên không nóng, mà thuận tiện hơn nhiều so với bát sứ, song nhược điểm là không thể cho vào lò vi sóng.
Hơn nữa, bát inox không thích hợp để đựng một số thực phẩm có tính kiềm mạnh như baking soda hoặc tính chua như cà chua, nước cam, chanh. Nếu đựng chúng trong thời gian dài, inox dễ bị ăn mòn, ảnh hưởng tới tuổi thọ của đồ vật, đồng thời gây hại cho sức khỏe.
Nhất là hiện nay bát inox trên thị trường chất lượng không đồng đều, có những loại không đạt tiêu chuẩn 316, chưa nói gì đến tiêu chuẩn 304.
Chất liệu inox không đạt có thể chứa các kim loại nặng, đương nhiên không có lợi cho sức khỏe khi ở nhiệt độ cao.
Nếu phải chọn bát inox, hãy chọn inox 2 lớp 304 hoặc 316. Đồng thời khi rửa bát inox không dùng cọ đánh nồi vì sẽ bị trầy xước.
Nên chọn loại đũa được làm từ chất liệu gì?
Đũa inox
Do vấn đề chất liệu nên nó tương đối nặng và trơn, gây bất tiện khi dùng. Khi mua đũa inox, hãy cẩn thận không chọn thông số kỹ thuật 201. Loại thép không gỉ này chứa tỷ lệ niken thấp, khả năng chống ăn mòn kém và cũng có thể chứa quá nhiều kim loại nặng.
Đũa nhựa
Gọn nhẹ, nhiều kiểu dáng, không dễ gãy, nhiều gia đình mua về cho trẻ em sử dụng. Tuy nhiên, chất liệu nhựa dễ bị biến dạng, thậm chí nóng chảy khi tiếp xúc với nhiệt độ cao nên không nên sử dụng thường xuyên.
Đũa gốm
Nhìn đẹp, cầm chắc tay, ít có khả năng sinh sản vi khuẩn trong cuộc sống hàng ngày nhưng lại dễ vỡ.
Đũa tre
Được làm từ tre tự nhiên và nhìn chung không độc hại tuy nhiên, một số loại đũa tre có lớp sơn màu bên ngoài thì không nên dùng. Bởi lớp sơn này có thể chứa các chất gây ung thư như chì.
Thêm vào đó, đũa tre nếu dùng lâu dài dễ sinh ra nhiều vi khuẩn, bao gồm Staphylococcus aureus và Escherichia coli, có thể gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy...
Đũa gỗ
Đũa gỗ có lẽ là loại đũa được sử dụng phổ biến trong hầu hết các gia đình, tuy nhiên khi dùng đũa gỗ bạn nên hết sức thận trọng vì nó dễ sản sinh nấm mốc trong thời tiết ẩm ướt. Nấm mốc có thể chứa aflatoxin, đây là độc tố gây ung thư gan.
Có thể thấy, từ góc độ vệ sinh và sức khỏe, đũa kim loại được đánh giá là loại đũa lành mạnh và dễ vệ sinh nhất. So với đũa tre và đũa gỗ, đũa kim loại thường được làm bằng thép không gỉ, hạn chế được lượng vi khuẩn bám dính.
Nguyễn Linh(T/h)