+Aa-
    Zalo

    Ảm đạm hài tết 2021: Hài Tết cũng như “món ăn”, khán giả thông minh thích những “món” lạ, độc!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nếu cuối năm 2019, có khoảng 10-15 công ty, nhà sản xuất làm hài Tết thì năm nay, phim hài đếm trên đầu ngón tay. Vậy nguyên nhân là gì?

    Cuối năm 2020, dù đã vào “chính vụ” nhưng thị trường hài Tết 2021 được cho là rất ảm đạm. Nếu cuối năm 2019, có khoảng 10-15 công ty, nhà sản xuất làm hài Tết thì năm nay, phim hài đếm trên đầu ngón tay. Vậy nguyên nhân là gì và các đạo diễn phải làm gì để không bị chê hài nhảm, hài công nghiệp?

    Đạo diễn Trần Bình Trọng. 

    Táo quân vẫn có người chê nhạt và nhảm...

    Phim hài Tết vốn được coi là “đặc sản” mỗi dịp Tết đến xuân về ở thị trường giải trí phía Bắc. Trong thời kỳ bùng nổ của thị trường băng đĩa, những DVD hài Tết được đông đảo khán giả ưa chuộng, gắn bó với ký ức của nhiều người. Không ít danh hài nổi lên từ băng đĩa hài Tết.

    Những năm gần đây, khi thị trường băng đĩa sụp đổ, phim hài Tết đổ bộ sang internet và vẫn được nhiều khán giả ưa chuộng. Nhiều dự án phim thu hút hàng chục triệu lượt xem, thường xuyên lọt top thịnh hành. Song, theo quan sát chúng tôi, thị trường phim hài Tết năm nay ảm đạm hơn nhiều, không còn thu hút khán giả như trước.

    Bởi đến thời điểm hiện tại, mới một số phim hài Tết “điểm danh” như Nghe nhìn Thăng Long với "thương hiệu hài dân gian" với phim Thói đời và Khi Cuội yêu; Bình Minh Film của Trần Bình Trọng với series Làng ế vợ và Đại gia chân đất; nhà sản xuất Hường Đinh với phim Tết đú- Đú tết; Ê-kíp nghệ sĩ Xuân Nghĩa với phim hài Để cho thầy lấy vợ, Mất vợ vì rượu... Ngoài ra, những sản phẩm hài Tết lẻ chưa xuất hiện hoặc quá mờ nhạt.

    Chia sẻ với PV ĐS&PL, đạo diễn Trần Bình Trọng cho hay: “Năm nay, nhiều nhà làm phim lắc đầu ngao ngán bởi tác động của dịch Covid-19 nên nhiều nhà làm phim không kêu gọi được quảng cáo, tài trợ. Những công ty làm phim chuyên nghiệp thì không nói, họ có thể có một khoản dự trữ để cuối năm làm hài Tết, nhưng những công ty nhỏ việc làm phim hài Tết thường dựa vào kêu gọi tài trợ, tình hình dịch kéo dài, nhiều doanh nghiệp cũng “lao đao” nên họ không có tài chính để hỗ trợ làm phim.

    Nếu năm nay, số lượng phim hài tết giảm cũng là chuyện tất yếu. Bản thân Bình Trọng đang làm 2 phim là Đại gia chân đất và Làng ế vợ thì cũng gặp khó khăn. Mọi năm có những doanh nghiệp chủ động hỏi đoàn phim để tài trợ nhưng năm nay chỉ có 1 vài đơn vị thân thiết và ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh duy trì hợp tác vô điều kiện với đoàn phim”.

    Khi được hỏi, một trong những nguyên nhân khiến hài Tết “thất sủng” là do hài nhạt, hài nhảm, liệu có đúng? Đạo diễn Bình Trọng cho biết thêm: “Nhạt hay nhảm, hoặc hay là do quan niệm của từng người. Có người thấy hay, có người thấy bình thường. Nếu “thất sủng” chúng tôi làm hài cho ai xem? Vì vẫn có người xem nên chúng tôi vẫn làm hài Tết. Nói đâu xa, chương trình Táo Quân cũng có năm bị chê, thậm chí họ “ném đá” cả diễn viên đấy chứ. Bản thân tôi nếu 50% khán giả ghét bỏ, không cần series phim của tôi thì sẽ dừng lại, còn hiện tại số lượng khán giả ủng hộ vẫn đông quá. Khán giả còn đón chào tôi còn phục vụ. Nói nôm na dễ hiểu là thà đi phục vụ một quán quen đông khách còn hơn xây một quán mới không có khách nào. Vì thế, chỉ cần khách thích thì vẫn chiều”.

    Hài Tết như một món tráng miệng của khán giả...

    Danh hài Chiến Thắng cho hay: “Hài Tết như một ăn nhẹ, món tráng miệng của khán giả. Nếu trên bàn tiệc có những món sơn hài hải vị hài Tết là “món salat” để người xem đỡ ngấy. Hài là giải trí, có phim có thể khán giả xem xong là quên ngay cũng chẳng sao. Theo tôi những bộ phim hài, được khán giả gọi là nhảm sẽ không còn đất sống, đó là những bộ phim khoe thân, hở hang. Thị trường hài Tết đang có một mảng bị “bỏ ngỏ” là hài dân gian. Ngày trước, khi đạo diễn Phạm Đông Hồng còn sống, năm nào anh cũng làm hài dân gian, đó là những câu chuyện, không gian xưa nhưng lại nói về ngày nay với nhiều vấn đề thời sự. Nếu khai thác tốt mảng này hài tết sẽ phong phú, đa dạng hơn”.

    Nói về “ông lớn” vẫn chịu chơi, đầu tư về hài Tết 2021 trong năm ảnh hưởng Covid- 19 này, NSND Trung Hiếu cho hay: “Năm nay, phần lớn các đạo diễn, nhà sản xuất lao đao vì kinh tế bị ảnh hưởng, các cụ thường nói “có thực mới vực được đạo”, phải có tiền mới đầu tư được những bộ phim hài có chất lượng.

    Năm nay, tôi thấy Bình Minh Film của Trần Bình Trọng với vẫn giữ phong độ với series Làng ế vợ và Đại gia chân đất. Hơn 10 năm nay, hầu như năm nào, Bình Trọng cũng làm 2 phim hài Tết và chơi “tất tay” luôn. Nhưng, Bình Trọng là đạo diễn có “thương hiệu” nên phim của anh không bị ế. Nhiều nhãn hàng muốn hợp tác để quảng bá sản phẩm”.

    Với câu hỏi: Một năm chỉ làm 2 phim hài Tết, nhưng anh vẫn sống “rủng rỉnh”, vậy chắc tiền quảng cáo rất khủng? Đạo diễn Bình Trọng cho hay: “Những gì khán giả nhìn thấy chỉ là bề nổi. Ngoài làm phim hài dịp Tết, tôi còn làm phim ngắn chiếu YouTube, sản xuất phim cho một số kênh truyền hình... cái nọ bù cái kia chứ nếu chỉ làm phim hài sao sống được cả năm? Hài Tết ngày một ít đi, cộng với việc thị hiếu khán giả nâng lên, họ khó tính hơn, nên chúng tôi phải nâng cao chất lượng, đầu tư kịch bản để cho những phim hài hay. Khán giả thông minh lắm, phim chán họ tẩy chay ngay. Một số đạo diễn trẻ cũng làm phim hài nhưng có trụ được lâu đâu, chỉ 1-2 phim trong vài năm là chán vì làm hài chỉ chăm chăm đi vào “xin quảng cáo” nên không có nền tảng để phát triển”.

    Lạc Thành

    Bài viết đăng trên ấn phẩm Tạp chí in Đời sống & Pháp luật số chủ nhật (3)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/am-dam-hai-tet-2021-hai-tet-cung-nhu-mon-an-khan-gia-thong-minh-thich-nhung-mon-la-doc-a353601.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan