(ĐSPL) - Đại gia Nguyễn Đức Kiên có cả nghìn tỉ đồng trong tay bỗng dưng tán gia bại sản, rơi vào vòng lao lý, Dương Chí Dũng cùng em trai Dương Tự Trọng đang ở đỉnh cao quyền lực, bỗng rơi xuống hố sâu tội lỗi, anh nhận án tử hình, em mức án 16 năm tù... Có một điểm chung giữa những con người này, đó là họ đều ở trong gia đình có ba con trai. Ngẫm câu "tam nam bất phú", nhiều người không khỏi giật mình...
Đại gia tóc bạc vướng vòng lao lý
Nguyễn Đức Kiên (biệt danh "bầu" Kiên) sinh năm 1964 trong một gia đình nhà giáo tại Hà Nội. Ngay từ hồi học phổ thông, Kiên tỏ ra thông minh hơn các bạn cùng trang lứa. Với thành tích học tập xuất sắc, Nguyễn Đức Kiên được đi du học tại một trường đại học ở Hungary. Năm 1993, Kiên chính chức gia nhập làng tài chính ngân hàng nước ta với tư cách là cổ đông lớn của ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) ở tuổi 29. Theo tài liệu mà ĐS&PL có được, vào thời điểm đó, Nguyễn Đức Kiên và người thân trong gia đình sở hữu trong tay 937.696.506 cổ phần ngân hàng ACB, chiếm 9.03 vốn điều lệ, trong đó, Kiên sở hữu 31.574.183 cổ phần. Nền kinh tế Việt Nam trên đà phát triển là môi trường rất tốt để chàng thanh niên có quý tướng ngũ đoản (đầu ngắn, mặt, thân, tay và chân đều ngắn) thi triển tài năng thiên bẩm về kinh tế.
Gần 10 năm tung hoành trong giới tài chính ngân hàng, tháng 8/2010, Nguyễn Đức Kiên được cổ đông tín nhiệm, giao giữ chức Hội đồng đầu tư ngân hàng ACB, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng ACB nhiệm kỳ 1994 -2008. Không chỉ thành danh tại ngân hàng ACB, “bầu” Kiên còn điều hành sáu doanh nghiệp của gia đình hoạt động hiệu quả. Giới doanh nhân đồn thổi, gia đình “bầu” Kiên phải có khối tài sản lên đến nhiều nghìn tỉ đồng? Chẳng nói đâu xa, toà biệt thự khu 1,3ha, ngõ 27 Xuân Diệu, (Quảng An, quận Tây Hồ - Hà Nội) thiết kế sang trọng là nơi ở của vợ chồng “bầu” Kiên, là mơ ước của rất nhiều người dân Thủ đô Hà Nội. Đấy là chưa nói đến của chìm, của nổi và rất nhiều động sản, bất động sản, cổ phần, cổ phiếu các ngân hàng uy tín mà vợ chồng Kiên đang nắm giữ. Bà Lan, vợ “bầu” Kiên được biết đến là một trong những người phụ nữ nằm trong top đầu thị trường chứng khoán. Cả hai vợ chồng Kiên đều thành công trên thương trường và có thu nhập vào diện "khủng" trong giới doanh nhân Việt Nam.
Vợ chồng "bầu" Kiên sinh được ba cậu con trai (SN 1996, 2003 và 2010). Trước khi dính vòng lao lý, nghĩ về câu: "Tam nam bất phú", nhiều người cho rằng nó không đúng với gia đình "bầu" Kiên. Bởi lẽ, càng có nhiều con, vợ chồng "bầu" Kiên càng làm ăn phát đạt. Tuy nhiên, người biết thuật xem tướng số, có thể nhìn ra ngay "bầu" Kiên là người có quý tướng ngũ đoản, tai rồng (là người rất giàu có. Nhưng vì Kiên có đôi lông mày ngắn, không che hết mắt - ám chỉ người có hậu vận không tốt), cộng thêm đường con cái "tam nam bất phú", sau này về già không biết thế nào?
Đời người mấy ai biết được chữ ngờ. Ở tuổi 49, Nguyễn Đức Kiên vướng vòng lao lý, gia đình tán gia, bại sản. Với bốn tội danh: Lừa đảo, trốn thuế, kinh doanh trái phép và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, số tiền trong vụ án lên đến cả nghìn tỉ đồng, nhiều người tiếc cho "bầu" Kiên. Từ một đại gia giàu nứt đố, đổ vách, nay nhà cửa, đất đai và nhiều tài sản có giá trị bị kê biên, phong toả để thực hiện việc thi hành án sau này. Ngẫm câu "tam nam bất phú", nhiều người mới thấy thấm thía!
Dương Tự Trọng (bên trái) bị tuyên án 16 năm tù và anh trai Dương Chí Dũng bị tuyên án tử hình. |
Trùng hợp những gia đình "tam nam" gặp họa
Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến số phận bi đát của hai anh em Dương Chí Dũng và Dương Tự Trọng. Hai anh em này đều là những người có địa vị xã hội, Dũng nguyên là Cục trưởng Cục Hàng hải, Trọng nguyên là Phó Giám đốc Công an TP.Hải Phòng. Người anh bị tử hình, người em lĩnh án 16 năm tù, gia đình ly tán, chỉ nhìn vào chuyện khắc phục hậu quả hàng tỉ đồng, thuê luật sư bào chữa, thăm nom người thân trong trại giam... cũng đủ thấy gia đình anh em họ Dương khốn đốn thế nào. Theo nguồn tin riêng của ĐS&PL, dưới Dũng và Trọng còn một người em trai nữa. Người em này đã mất sớm, nên ít được nhắc đến (ngoài ra, còn hai người em gái). Như nhiều người đã biết, trước khi "nhúng chàm", gia đình Dương Chí Dũng thuộc vào diện giàu có. Tuy chưa thể nhiều tiền bằng "bầu" Kiên, nhưng Dũng chỉ "phẩy tay" là mua ngay được nhà đẹp tặng bồ nhí nhẹ như lông hồng. Nay gặp hoạ, Dũng đau khổ tột cùng khi biết vợ con vất vả đi vay mượn từng đồng khắc phục hậu quả cho mình.
Cách đây không lâu, nhiều người dân sống quanh khu vực số nhà 124 phố Quốc Tử Giám, quận Ba Đình, Hà Nội suýt gặp họa sát thân vì một quả mìn nặng 10kg bay từ trong tiệm vàng Hoàng Tín ra đường. Kẻ cướp vàng là Tạ Văn Thanh (SN 1987, quê Yên Dũng, Bắc Giang). Theo tìm hiểu của PV, nhà Thanh có ba anh em trai, cuộc sống chạy ăn từng bữa. Không cam chịu cảnh nghèo khó, Thanh đi mua thuốc nổ, chế mìn tự tạo, rồi rủ em trai Tạ Hải Hà đi về Thủ đô Hà Nội cướp tiệm vàng. Sáng hôm đó, Thanh cầm quả mìn tự tạo bước vào tiệm vàng Hoàng Tín. Hắn đe dọa chủ tiệm đưa tiền, vàng ra, nếu không sẽ cho nổ mìn. Thấy tên cướp luống cuống vẻ sợ sệt, chủ tiệm vàng tấn công và hất quả mìn ra ngoài. Thấy anh chạy ra ngoài đường (cướp không thành), Hà ở ngoài cảnh giới bấm điện thoại kích nổ quả mìn. 15 người bị thương tích khá nặng, rất may không có ai bị thiệt mạng. TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt tử hình Tạ Văn Thanh, Tạ Hải Hà lĩnh án tù chung thân.
Nói về chuyện "tam nam bất phú", một cán bộ Công an điều tra công an quận Đống Đa đưa ra một trường hợp đã xảy ra cách đây hai năm. Đó là vụ án bố đâm chết con trai. Tại cơ quan điều tra. Thủ phạm là Võ Tuấn Dũng (SN 1949, trú tại phường ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) nguyên là giám đốc một doanh nghiệp thuộc ngành đường sắt. Trong lúc nóng giận vì con trai ngổ ngáo đòi tiền lao vào đánh bố, Dũng đã bóp cổ nghịch tử đến chết. Dũng là con cả trong gia đình có ba anh em trai. Từ bé đến lớn, ông không lúc nào được sung sướng. Mang tiếng làm giám đốc, kinh tế gia đình chưa lúc nào được khá giả vì đứa con trai cả nghiện ma tuý quấy quả. Đến khi bị bắt giam, trong túi của ông chỉ vỏn vẹn 100.000 đồng. Một cán bộ công an thương tình tự bỏ tiền mua cho ông bát cháo gà ăn cho đỡ đói lòng.
Vụ án nổi tiếng "Đề án 112": Ba anh em trai cùng bị bắt
Còn nhớ, năm 2007 vụ án "Đề án 112" (Đề án tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước) đã gây chấn động dư luận lúc bấy giờ, với nhiều cán bộ công chức bị sa lưới. Có một điểm đặc biệt trong vụ án này là ngoài nhiều bị can khác bị bắt thì còn có ba anh em trai trong cùng một gia đình cũng bị bắt. Trong đó, ông Lương Cao Sơn vốn là ủy viên thư ký ban Chỉ đạo điều hành Đề án 112 bị bắt trước, sau đó đến hai em trai là Lương Cao Phong và ông Lương Cao Phi (khi bị bắt cùng đang công tác tại bộ Xây dựng). Cơ quan điều tra xác định, ông Phong và ông Phi có hành vi câu kết với một số NXB và phát hành sách cho việc đào tạo Đề án 112 để ăn chênh lệnh.
Năm 2010, vụ án được đưa ra xét xử. Nguyên ủy viên thư ký ban Đề án 112 Lương Cao Sơn bị HĐXX TAND TP.Hà Nội đánh giá là chủ mưu trong việc ký kết các hợp đồng gây thiệt hại cho Nhà nước, chiếm hưởng trên 770 triệu đồng, bị tuyên mức án 6 năm tù. Hai người em trai của Sơn là Lương Cao Phong và Lương Cao Phi cùng lĩnh mức án 30 tháng tù giam về tội lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Được biết đây cũng là gia đình có ba người con trai.