Trung bình một hộ dân có tới... 10 khẩu. Nhiều gia đình có từ 10 - 13 con. Đó là thực tế ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đăk Lăk). Cái nghèo không chỉ khiến những đứa trẻ phải lam lũ mà tương lai của chúng cũng mịt mờ…
9 - 10 con là phổ biến
Ở tuổi 40 nhưng Lầu Chờ Thào, thôn Ea Uôl, xã Cư Pui đã có đến 10 đứa con. Từ lúc lấy nhau, vợ Thào gần như sinh nở triền miên. Cuộc mưu sinh cho cả gia đình cứ thế ngày càng đè nặng lên vai Thào. Từ Hà Giang, cái nghèo “đuổi” vợ chồng Thào vào tận Cư Pui.
Nhưng ở xứ người, không mảnh đất trong tay, cuộc sống của gia đình này vẫn chỉ dựa vào những đồng tiền công làm thuê ít ỏi... Gần nhà Chờ Thào, ông Sùng Pa Thào cũng có đến 9 đứa con.
“Nặn” mãi cho đến lần sinh thứ 8, vợ ông Pa Thào mới đẻ được mụn con trai. Nhưng thằng nhỏ còi cọc nên bụng ông Pa Thào vẫn chẳng yên. Vậy là dù đã quá 50, cuộc sống túng thiếu trăm bề ông vẫn ép vợ “nặn” thêm thằng nữa...
Cái nghèo đã khiến những “mầm non tương lai” này phải đi làm thuê kiếm sống từ khi còn rất nhỏ. Ảnh: D.H |
Ở Cư Pui, các thôn như Ea Lang, Ea Uôl, Ea Bar, Cư Rang, Cư Tê, Ea Rớt… những nhà đông con như 2 ông Thào nói trên chẳng hiếm. Thậm chí như ở Ea Rớt, ông Sùng A Páo còn có đến 13 đứa; ông Lò Khải Phù (nguyên trưởng thôn) mới hơn 50 tuổi đã có hơn 20 đứa cháu…
Ở cái xã nghèo này, tìm một phụ nữ ở tuổi 30 đã lên chức “bà” chẳng mấy khó khăn. Họ lấy chồng từ tuổi 13 và con gái họ cũng nối gót. Mật độ dân số Cư Pui, nếu lấy số khẩu các thôn chia cho số hộ sẽ có kết quả lớn hơn 10 - nghĩa là trung bình mỗi hộ dân ở đây có đến hơn 10 người…
Trong khi đó hầu như tất cả số hộ đồng bào dân tộc Mông di cư tự do vào Cư Pui đều có cuộc sống hết sức khó khăn. Dù được chính quyền chăm lo nhưng đông con, thiếu đất sản xuất, phương thức canh tác lạc hậu… khiến cái nghèo cứ đeo bám mãi. Nghèo đói đã kéo theo nhiều hệ lụy, điều lo nhất là hàng ngàn đứa trẻ- những mầm non tương lai- bị thất học, mịt mờ tương lai…
Tha hương để kiếm… con trai
"Nhìn các chị mới ba, bốn mươi tuổi đầu mà đã như bà cụ, những đứa trẻ mới vài tuổi đầu đã lam lũ kiếm tiền chẳng lòng nào không khỏi xót xa. Nhưng ngoài cách tỉ tê với từng người, chúng tôi chẳng biết cách nào tốt hơn để làm đổi thay cách nghĩ của họ”. Chị Nguyễn Thị Ly |
Trong nhiều nguyên nhân khiến đồng bào Mông ở Cư Pui đẻ nhiều, thói gia trưởng có thể nói đã “đóng vai trò” chính yếu. Chị Nguyễn Thị Ly, cán bộ chuyên trách dân số của xã Cư Pui cho biết, hầu như tuần nào các chị cũng đi tuyên truyền, vận động chị em nhưng hiệu quả gần như bằng không. Phận “chiếu dưới”, mang nhiều mặc cảm nên phụ nữ Mông gần như không tiếp xúc với bên ngoài.
Với vốn tiếng Kinh ít ỏi, họ đôi khi chẳng hiểu cán bộ dân số nói gì. Trong khi đó, thói gia trưởng, trọng nam khinh nữ vẫn đè nặng trong tư tưởng của đàn ông người Mông. Tư tưởng ấy khiến họ chẳng những không nghe lời vợ mà lời các “bà dân số” cũng “đâu đáng nghe”. “Nhiều chị tâm sự rằng muốn không đẻ nữa cho nó khỏe nhưng chồng không đồng ý cũng chịu”, chị Ly thở dài.
Chị Ly kể: Có gia đình ở Ea Uôl đã có đến 7 đứa con nhưng họ vẫn tiếp tục sinh. Hỏi ra mới vỡ lẽ, do ở quê sợ bị phạt thóc nếu sinh nhiều con nên họ dắt díu đi di cư. Họ tha hương chẳng vì cuộc sống khó khăn mà chỉ là đi “trốn” để kiếm… con trai.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch xã Cư Pui cho hay: Hầu hết các gia đình ở đây khó khăn, hàng ngàn trẻ em bỏ học từ rất sớm; Hàng trăm trẻ em thậm chí chẳng được khai sinh, hàng trăm gia đình không có đăng ký hết hôn; tình trạng tảo hôn cũng là một khối u khó chữa…
C.P(theo Dân việt)