+Aa-
    Zalo

    Ám ảnh những vụ tai nạn kinh hoàng gắn mác 115

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Xe cứu thương đã khẳng định được sự ưu việt trong vận chuyển bệnh nhân. Thế nhưng, vấn đề tổ chức, hoạt động xe cứu thương thời gian qua có không ít bất cập.

    (ĐSPL)- Xe cứu thương đã khẳng định được sự ưu việt trong vận chuyển bệnh nhân. Thế nhưng, vấn đề tổ chức, hoạt động xe cứu thương thời gian qua có không ít bất cập. Những vụ tai nạn xảy ra không chỉ khiến người bệnh qua đời mà chính người thân của họ cũng gặp bất hạnh. Câu chuyện về sự an toàn của xe cấp cứu một lần nữa được đặt ra khi mà không ít kẻ bất lương trục lợi từ xe cứu thương “dù”. PV báo ĐS&PL đã tìm hiểu và nhận thấy không ít bất cập...

    Thương tâm các vụ xe cấp cứu gặp nạn

    Ngày 8/7, xe cấp cứu của bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Trà Vinh chở 5 người gồm tài xế, nữ điều dưỡng, bệnh nhi 7 tuổi cùng 2 người nhà (cha và bà nội của bệnh nhi) chạy trên quốc lộ 60, hướng từ Trà Vinh đi TP.HCM. Vừa xuống dốc cầu Cổ Chiên, ô tô cấp cứu tông xe máy của một người đàn ông bay xuống lề đường. Sau cú tông mạnh, xe cấp cứu lộn nhiều vòng, nằm lật ngược trên quốc lộ.

    Người đàn ông đi xe máy và bệnh nhi trên xe cấp cứu tử vong tại chỗ, 4 người còn lại được người dân kịp kéo ra ngoài, đưa đi cấp cứu. Theo tìm hiểu của PV, bệnh nhân nhi xấu số này được 7 tuổi. Em bị ung thư máu và tử vong trên đường lên bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) điều trị.

    Ngày 3/8 vừa qua, một chiếc xe cứu thương đang chở bệnh nhân hấp hối từ TP.HCM về nhà tại Bình Phước trên đường bất ngờ đụng nhau với một chiếc xe 4 chỗ tại ngã tư Tân Lập (giao quốc lộ 13 và đường Thích Quảng Đức, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

    Hình ảnh chiếc xe cấp cứu bốc cháy còn trơ khung sau vụ va chạm khiến bệnh nhân nhi tử vong xảy ra tại tỉnh Bến Tre. Ảnh: Internet.

    Hậu quả, hai xe bị hư hỏng nặng, bệnh nhân phải chuyển xe cứu thương khác. Tháng 5/2015, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra giữa xe cấp cứu và một xe đầu kéo vào khoảng 1h sáng (ngày 28/5) tại Km 209 + 700, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ thuộc địa bàn xã Phúc Tiến (huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội).

    Hậu quả, người bệnh và 2 người thân trong gia đình đều tử vong.

    Vào hồi 16h ngày 9/5/2015, xe cấp cứu của bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) mang biển kiểm soát 83M-001.90, đang trên đường đưa bệnh nhân hôn mê từ Mỹ Xuyên lên bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng cấp cứu, khi lưu thông đến đường Lê Hồng Phong, phường 3, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng thì bất ngờ va chạm với xe mô tô biển kiểm soát 83P1-743.11, do ông Hồng Gia Bảo (ngụ ấp Hòa Mỹ, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên) điều khiển theo hướng ngược lại.

    Hiện trường vụ tai nạn xe cấp cứu gây tai nạn khiến một người tử vong trên đường Lê Hồng Phong, phường 3, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, ông Bảo chấn thương nặng. Ngay sau đó, ông Bảo được người dân địa phương và lực lượng chức năng nhanh chóng đưa đi cấp cứu, nhưng do chấn thương quá nặng, ông đã tử vong ngay sau đó.

    Nhập nhèm xe cứu thương và xe vận chuyển người bệnh

    Không chỉ tồn tại những nguy cơ rủi ro cao từ việc xe cấp cứu có thể gặp tai nạn giao thông, vấn đề đảm bảo chất lượng cấp cứu còn được đặt ra khi có sự nhập nhèm giữa xe cứu thương và xe vận chuyển người bệnh, những chiếc xe cứu thương hoạt động không phép.

    Những chiếc xe này chủ yếu được hoán cải, chuyển đổi từ xe chở khách, loại 14, 16 chỗ, nhưng được lắp thêm một số bộ phận tương tự xe cứu thương. Theo khảo sát của PV, tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, nhu cầu thuê xe cứu thương để vận chuyển người bệnh là rất lớn.

    Xe của bệnh viện và các trung tâm cấp cứu được cấp phép không đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, dịch vụ cung cấp xe cứu thương còn nhiều bất cập với chi phí vận chuyển mập mờ, thu thêm phí phụ bên ngoài.

    Tại một số bệnh viện lớn như Việt Đức, Phụ sản Trung ương..., xuất hiện một số xe cứu thương biển trắng đậu rải rác trong, hoặc ngoài khuôn viên bệnh viện. Ở những xe này, không có lô gô của bệnh viện, trung tâm cấp cứu, phòng khám hay công ty vận tải. Xe được gắn còi hụ, đèn xoay, được dán biểu tượng chữ thập đỏ bề ngoài trông rất chuyên nghiệp.

    Tuy nhiên, số điện thoại đường dây nóng của trung tâm không được cung cấp, mà lái xe tự làm một biển tên riêng có ghi số điện thoại cá nhân để người nhà bệnh nhân có nhu cầu sẽ liên lạc trực tiếp với lái xe chứ không thông qua tổng đài.

    Trong vai người nhà một bệnh nhân có nhu cầu thuê xe chở người bệnh về nhà, chúng tôi được biết, giá cho một lần vận chuyển từ Hà Nội về TP. Bắc Ninh (Bắc Ninh) khoảng 40km, tài xế lấy 600.000 đồng. Anh này còn nói thêm: “Đây là tiện đường đưa người bệnh từ Bắc Ninh lên thì chở về với giá đó, chứ không sẽ phải khoảng 800 nghìn đến 1 triệu đồng. Nếu thuê nhân viên y tế đi kèm thì phải chi trả thêm 350.000 đồng, bình oxy 150.000 đồng”.

    TS.BS Nguyễn Đình Phú, Giám đốc bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) cho biết: “Nhu cầu xe cấp cứu, vận chuyển người bệnh rất lớn, nên nhiều bệnh viện không thể đáp ứng được. Các bệnh viện phần lớn chỉ lo xe cấp cứu bệnh nhân khi cần thiết, đưa người bệnh đi hội chẩn... chứ không thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển khác của người bệnh”. Một lãnh đạo của bệnh viện Nguyễn Trãi cũng cho rằng, xe cấp cứu, xe vận chuyển bệnh nhân ở các bệnh viện công hạn chế, khó đáp ứng nhu cầu người bệnh. Do vậy một số bệnh viện phối hợp với xe của các đơn vị ngoài bệnh viện.     

    Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh, bộ Y tế: Có sự nhập nhèm vì thế cần phải kiểm tra

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh, bộ Y tế cho rằng: “Thông thường, xe cấp cứu của các bệnh viện sẽ có lô gô ghi cụ thể tên của bệnh viện đó. Đương nhiên không có biển tên thì không phải là xe của bệnh viện. Nhiều xe chỉ đăng ký vận chuyển người bệnh chứ không phải vận chuyển cấp cứu. Có hai loại: Vận chuyển người bệnh và vận chuyển cấp cứu. Cũng có thể có sự nhập nhèm vì thế cần phải có sự kiểm tra, giám sát của đơn vị quản lý. Thông thường theo quy chế về cấp cứu: Ê-kíp cấp cứu sẽ có một bác sỹ, một điều dưỡng đi kèm cùng với các phương tiện cấp cứu hỗ trợ bệnh nhân như ô xy, đường truyền...”.

    Trả lời câu hỏi về đảm bảo an toàn cho xe cấp cứu, ông Khoa nhận định: “Thực ra, bản thân xe cấp cứu nguy cơ rủi ro cao hơn xe khác. Nguyên nhân, thứ nhất là do tốc độ chạy nhanh hơn các xe khác. Thứ hai là các xe cấp cứu được phép đi ngược đường, đường cấm, dù được phép nhưng nguy cơ tai nạn cũng cao hơn, vì các quy tắc về an toàn giao thông đã bị ảnh hưởng do tính ưu tiên nên đã giảm bớt độ an toàn và văn hoá nhường đường cho xe ưu tiên của nhiều người không phải ai cũng tốt. Chính vì thế, kinh nghiệm của lái xe, kỹ thuật lái, nhận định tình hình khi tham gia giao thông ít hơn.

    Bộ Y tế gửi công văn khẩn yêu cầu báo về quản lý xe cứu thương trước ngày 30/8/2015

    Cục Quản lý Khám chữa bệnh, bộ Y tế đã gửi công văn khẩn số 814/KCB – BVSK yêu cầu các Vụ, Viện trực thuộc bộ Y tế, sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, y tế các Bộ, ngành báo cáo về việc quản lý xe cứu thương. Công văn nêu rõ: “Thực tế trong thời gian qua, các đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng xe ô tô cứu thương cơ bản đã chấp hành đúng các quy định trong việc cấp phép lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên khi đi thực hành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân không thực hiện đúng các quy định của pháp luật như...”. Công văn cũng nêu rõ, các đơn vị phải rà soát báo cáo rõ nguồn gốc, tình trạng xe, chuyển đổi công năng sử dụng của các xe cứu thương do đơn vị mình quản lý về bộ Y tế trước ngày 30/8/2015.

    Ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Giám đốc trung tâm Cấp cứu 115 (Hà Nội):Cần trực tiếp đến điểm cung cấp dịch vụ xe cứu thương trong các bệnh viện.

    Ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Giám đốc trung tâm Cấp cứu 115 (Hà Nội) cho biết: “Các xe cứu thương trực thuộc quản lý của đơn vị đều được kiểm tra thường xuyên. Các lái xe phải kiểm tra xe trước khi nhận xem có vấn đề gì không, có vấn đề về hỏng hóc, kỹ thuật phải báo cáo lại.

    Để tránh thuê phải những chiếc xe gắn mác xe cứu thương không được cấp phép hoạt động, bệnh nhân và người nhà khi có nhu cầu cần trực tiếp đến điểm cung cấp dịch vụ xe cứu thương trong các bệnh viện để liên hệ, tránh tin theo những lời quảng cáo, giới thiệu của các đối tượng bên ngoài.

    Khi thuê nhầm những chiếc xe này, người bệnh và người nhà của họ có nguy cơ mất an toàn cao bởi đây hầu hết là xe cũ được tân trang lại, trang thiết bị cấp cứu trên xe thường không đầy đủ và không có nhân viên y tế đi kèm.

    Những xe cứu thương được cấp phép hoạt động hầu hết mang biển xanh, trên xe thường ghi đầy đủ các thông tin như biển hiệu, tên đơn vị vận chuyển, số điện thoại liên hệ… nên người dân có thể căn cứ vào những dấu hiệu này để nhận biết”.

     Đỗ Thơm - Nguyễn Nhinh

    Xem thêm video:

    [mecloud]f4m0sDupiP[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/am-anh-nhung-vu-tai-nan-kinh-hoang-gan-mac-115-a108321.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.