Thành công của tập đoàn Alibaba và Jack Ma được cho rằng không chỉ mang tính chất kinh doanh thuần túy.
Trụ sở tập đoàn Alibaba tại Trung Quốc - Ảnh: Globe |
Được thành lập vào năm 1999 – thời điểm châu Á vừa trải qua khủng hoảng kinh tế lớn, Alibaba là một cái tên không được nhiều người chú ý.
Chợ điện tử Alibaba trong 15 năm đã phải cạnh tranh khốc liệt với các ứng dụng tương tự trên thị trường để giành được sự chú ý của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2013. Thành công ấy không chỉ là lối kinh doanh của tập đoàn mà còn nằm ở người đứng đầu – tỷ phú Jack Ma – thương nhân hội tụ những yếu tố của một con át chủ bài địa chính trị.
Sự hỗ trợ từ chính phủ
Năm 2014, Alibaba đã có màn “chào sân” ấn tượng trên sàn chứng khoán, đạt con số kỷ lục 231 tỷ USD cho giá trị một công ty công nghệ Trung Quốc với ứng dụng chỉ sử dụng tiếng bản địa. Bloomberg lập tức đăng tải một bài chỉ trích cho rằng đây là thành công được hỗ trợ phần lớn bởi chính phủ. Họ đã đúng.
Ở thị trường nội địa, tập đoàn này không phải cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế như Amazon, Ebay… và hoàn toàn sở hữu những nguồn cung cấp hàng hóa từ thượng nguồn tới hạ nguồn trong chuỗi cung ứng do tính độc quyền. Lợi nhuận từ thị trường 500 triệu dân cho họ tiềm lực kinh tế và thương mại to lớn để cải tiến các công nghệ mới và tập trung tấn công thị trường quốc tế.
Nếu các sản phẩm của Alibaba thỏa sức chinh phục được thị trường châu Á vốn nhạy cảm về giá thì cách thức vận chuyển nhanh chóng và các chiến dịch khuyến mại của họ bắt đầu khiến khách hàng châu Âu lưu tâm. Rào cản duy nhất của Alibaba ở đây là chưa hoàn thành nền tảng ngoại ngữ. Tuy nhiên, tháng 7/2017, trang web dành cho các nhà đầu tư Institutional Investor đã thẳng thắn tuyên bố chiến thắng ấn tượng về doanh thu giữa “kẻ đến sau” Alibaba và ông lớn Amazon – người vẫn đang lớn tiếng cho rằng “đó là bắt chước”.
Chiến lược cạnh tranh trực tiếp với Mỹ
Không phải là một sự lựa chọn ngẫu nhiên khi Jack Ma nhắm tới thị trường Mỹ - nơi mơ ước của hầu hết các thương hiệu cao cấp. Những chiến dịch quảng cáo, giảm giá đều được cân nhắc tỉ mỉ để tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp với Amazon của tỷ phú Jeff Bezos. Trong bối cảnh Huawei đã thất bại trong nhiều thương vụ với nhà mạng Mỹ, Alibaba nổi lên như một cái tên mới thách thức doanh nghiệp bán lẻ đứng đầu xứ cờ hoa.
Ở các quốc gia khác, Jack Ma trở thành một cố vấn kinh tế hàng đầu cho các quốc gia đang trải qua biến chuyển lớn về chính trị. Thủ tướng Malaysia Mahathir sau khi tái đắc cử vào tháng 5 đã có buổi trò chuyện riêng với tỷ phú Trung Quốc về đường lối phát triển thương mại xuất khẩu trong khi Thủ tướng Anh Theresa May đã hướng về phương Bắc sau bê bối Brexit.
Tất cả những cuộc gặp với các nguyên thủ quốc gia, xúc tiến thương mại khu vực không chỉ mang tính chất kinh doanh thuần túy, đó còn là nền tảng vững chắc cho chiến dịch Made in China 2025 đưa hàng hóa Trung Quốc ra toàn thế giới của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chủ tịch Tập Cận Bình và tỷ phú Jack Ma tại một hội thảo về công nghệ tháng 12/2015 - Ảnh: Xinhua |
Thay đổi hoàn toàn thói quen tiêu dùng đại chúng
Trung Quốc phát triển kinh tế muộn hơn so với những quốc gia ở Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… và theo đó, tư duy, văn hóa đại chúng còn nhiều điểm khác biệt. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, Alibaba với các ứng dụng thanh toán trực tuyến và chợ điện tử đã thay đổi hoàn toàn thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc đại lục.
Chỉ trong 8 năm, ứng dụng này đã kết nối với hàng chục nghìn doanh nghiệp, hãng bán lẻ và đại lý dịch vụ trên 36 quốc gia, thu hút 520 triệu người dùng nhờ tính năng ưu việt và thâu tóm 54% thị trường thanh toán điện tử nội địa, theo thống kê của China Daily. Những du khách lần đầu tới các khu chợ ở Thượng Hải có thể ngạc nhiên thấy thông báo chấp nhận thanh toán điện tử ở một sạp rau hoặc đồ khô bình dân.
Thay đổi thói quen thanh toán đưa người dân Trung Quốc tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ du lịch nước ngoài, cách thức sử dụng hệ thống tín dụng điện tử và trong tương lai, trở thành công dân toàn cầu hóa.
Tất cả những đặc điểm cho thấy thành công của tập đoàn Alibaba hội tụ mọi yếu tố về nhân lực, chính phủ, con người và một dân tộc đã sẵn sàng “hóa rồng” trong thập kỷ tới.
Thu Phương