Theo Yahoo News, cảnh sát Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng, đây là một vụ lừa đảo rất phức tạp khi nhân viên tài chính nói trên bị lừa tham gia vào một cuộc họp trực tuyến.
Theo SCMP, mọi người có mặt trong cuộc gọi video này, ngoại trừ nạn nhân, đều chỉ là sản phẩm giả mạo của deepfake. Những kẻ lừa đảo đã áp dụng công nghệ để biến video có sẵn trên Internet thành phiên bản video giả nhưng hệt như thật của những người tham gia cuộc họp.
Công nghệ này sử dụng trí tuệ nhân tạo để bắt chước hình ảnh, cử chỉ, giọng nói của người thật.
Tại cuộc họp, những kẻ lừa đảo đã tạo ra một "giám đốc tài chính" phiên bản giả và chỉ đạo nhân viên trên chuyển 25 triệu USD.
"Trong cuộc trao đổi, hóa ra tất cả những người (nạn nhân nhìn thấy) đều là giả", đại diện cơ quan cảnh sát Hong Kong Baron Chan Shun-ching cho biết.
Ông Chan cho biết nhân viên này ban đầu đã nghi ngờ sau khi anh ta nhận được một tin nhắn được cho là từ giám đốc tài chính của công ty đa quốc gia có trụ sở tại Anh. Ban đầu, nhân viên này nghi ngờ đó là một email lừa đảo vì trong đó có mệnh lệnh chuyển tiền bí mật.
Tuy nhiên, nạn nhân đã không còn ngờ vực sau khi nhận được cuộc gọi video giả mạo vì tất cả những "người tham gia" đều trông giống và có tiếng nói giống các đồng nghiệp mà anh từng tiếp xúc.
Tin rằng những người khác trong cuộc gọi là có thật, nhân viên này đã đồng ý chuyển tổng cộng 200 triệu đô la Hong Kong (Trung Quốc) , khoảng 25,6 triệu USD.
Toàn bộ sự việc kéo dài khoảng một tuần kể từ khi nhân viên được liên lạc, cho đến khi nhận ra đó là trò lừa đảo. Anh đã phát hiện khi đến trụ sở chính của công ty để điều tra.
Khi công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh chóng, những kẻ lừa đảo ngày càng ứng dụng công nghệ deepfake tinh vi để sửa đổi video có sẵn nhằm tạo ra thông điệp lừa đảo mọi người.
Các nhà chức trách trên khắp thế giới ngày càng lo ngại về sự phức tạp của công nghệ deepfake và những mục đích bất chính mà nó có thể gây ra.
Nguyễn Linh(T/h)