Các giả thuyết mới đã được đưa ra về việc ai thực sự đứng sau vụ tấn công đồng loạt bằng máy bay không người lái công nghệ cao nhằm vào căn cứ không quân và hải quân của Nga ở Syria đêm 6/1.
Bên trong căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở Syria. (Ảnh: AP) |
Vụ tấn công chưa từng có
Thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, đêm 6/1, 13 máy bay không người lái đồng loạt tấn công vào căn cứ không quân Hmeimim và căn cứ hải quân Tartus của Nga ở Syria.
Lực lượng của Nga đã nhanh chóng bắn hạ 7 máy bay không người lái, trong khi 6 máy bay còn lại bị khống chế.
Đây là lần đầu tiên khủng bố sử dụng công nghệ máy bay không người lái hiện đại tấn công căn cứ quân sự của Nga ở Syria.
Nga không cáo buộc cụ thể lực lượng nào đứng sau các cuộc tấn công trên, song chỉ ra rằng công nghệ sử dụng cho vụ tấn công là điều đáng nói. Moscow cho rằng, công nghệ này xuất phát từ “một quốc gia phát triển”.
Vụ tấn công xảy ra chỉ khoảng 1 tuần kể từ sau vụ căn cứ Hmeimim bị tấn công bằng pháo cối hôm 31/12 khiến 2 binh sĩ Nga thiệt mạng. Đây có thể coi là hai vụ tấn công mạnh nhất nhằm vào lực lượng Nga ở Syria kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch chống khủng bố ở quốc gia Trung Đông này.
Ai đứng sau vụ tấn công?
Đây là lần đầu tiên khủng bố dùng máy bay không người lái công nghệ cao tấn công căn cứ quân sự Nga ở Syria. (Ảnh: Aviationist) |
Căn cứ Hmeimim vốn được coi là trụ sở chỉ huy đầu não trong chiến dịch quân sự của Nga ở Syria. Trước khi xảy ra hai vụ tấn công nghiêm trọng nói trên, Hmeimim thậm chí được tin là “miễn nhiễm” với các nguy cơ bị tấn công từ bên ngoài.
Ông Maxim Suchkov thuộc Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga nói: “Họ nghĩ rằng căn cứ này an toàn tuyệt đối, nhưng hiện giờ nó cũng dễ bị tổn thương. Một câu hỏi đặt ra là liệu quân đội Nga đã có biện pháp bảo vệ đầy đủ cho căn cứ này và tại sao Nga đã thất bại trong việc ứng phó trước công nghệ mới của đối phương”.
Trong khi đó, Jennifer Cafarella, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu chiến tranh có trụ sở tại Washington, cho rằng vụ tấn công cũng làm dấy lên hoài nghi về tính bền vững của những thành tựu mà Nga đã đạt được ở Syria. "Những vụ tấn công gần đây cho thấy rất nhiều thế lực vẫn có thể thâm nhập đến cả những vùng kiểm soát chặt chẽ nhất của Nga. Những thành tựu mà họ đạt được có thể đang bị đe dọa", nữ chuyên gia này nhận định.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất có lẽ là liệu ai đứng sau vụ tấn công “chưa từng có” nhằm vào căn cứ quân sự Nga khi Moscow chỉ mới tuyên bố rút phần lớn lực lượng khỏi Syria chưa đầy 1 tháng.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 9/1 cáo buộc Mỹ có thể đã cung cấp công nghệ cho vụ tấn công này. Moscow cho rằng, vụ tấn công đòi hỏi năng lực công nghệ mà không một nhóm phiến quân nào ở Syria có thể sở hữu. Để củng cố cho nghi ngờ này, Nga cũng đưa ra dẫn chứng về sự xuất hiện “trùng hợp kỳ lạ” của máy bay trinh sát Mỹ tại khu vực tấn công.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Eric Pahon nói rằng, cáo buộc đó là “hoàn toàn sai”. Ông Pahon nói, khủng bố Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thường xuyên sử dụng máy bay không người lái để chống lực lượng của Mỹ và đồng minh ở Syria và các thiết bị này có thể dễ dàng mua trên thị trường.
Liên quan đến bình luận này, phân tích của tổ chức tư vấn quốc phòng IHS Markit chỉ ra, hầu hết máy bay không người lái mà IS dùng để chống lại liên minh do Mỹ dẫn đầu có tầm hoạt động chỉ 1-2km. Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, máy bay không người lái tấn công Hmeimim xuất phát từ vị trí cách xa 50-100km.
Một giả thuyết đặt ra là phe đối lập Syria có thể là nghi phạm bởi lực lượng này hoạt động gần căn cứ. Điều đáng nói là, nhóm này thường lên tiếng nhận trách nhiệm cho mọi hoạt động của mình, nhưng lần này thì không.
Trong khi sự chú ý hướng về phía Mỹ và các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn ở Syria, báo Krasnaya Zvezda của Nga dẫn tin từ Bộ Quốc phòng Nga nói rằng, các máy bay không người lái trong vụ tấn công được phóng đi từ khu định cư Muazar nằm ở phía tây nam khu vực leo thang Idlib do các lực lượng vũ trang đối lập ôn hòa kiểm soát. Nguồn tin cũng nói rằng, Bộ Quốc phòng Nga đã gửi thư cho Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang và Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ để phản ánh vụ việc.
“Ankara cần hoàn thành nghĩa vụ đảm bảo các tổ chức vũ trang dưới sự kiểm soát tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn đồng thời cần đẩy mạnh lắp đặt các trạm quan sát ở khu vực giảm leo thang xung đột Idlib nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào bất kỳ mục tiêu nào", Bộ Quốc phòng Nga nói.
Vậy ai là “thủ phạm” thực sự, đó vẫn là một câu hỏi để ngỏ.
Minh Phương
Nguồn: Dân trí