Một con đường rộng 4-5m được máy móc san ủi băng vào khu rừng nguyên sinh thuộc vùng biên giới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế mà lãnh đạo xã sở tại lại tỏ ra khá bất ngờ. Ai đứng đằng sau việc này?
Những biểu hiện bất thường
A Lưới là một huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên-Huế, có tổng diện tích tự nhiên 122.521,5 ha với khoảng 70 % tổng diện tích là rừng tự nhiên. Cụ thể, rừng tự nhiên là 81.334,67 ha, rừng trồng: 9.461,51 ha, đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp 19.813,84 ha, phân bố rộng trên địa bàn 21 xã, thị trấn trải dài trên 100km đường Hồ Chí Minh và 30km đường Quốc lộ 49, độ che phủ rừng của huyện đạt 74,1%.
Phần diện tích rừng tự nhiên ở đây đã được ghi nhận phân bố nhiều loại gỗ, tài nguyên rừng phong phú. Bởi vậy, đây luôn trở thành điểm nóng và là “miếng mồi béo bở” cho hoạt động khai thác lâm sản trái phép mà các đối tượng lâm tặc hướng đến.
Con đường được san ủi với nhiều dấu vết của hoạt động xe cơ giới. |
Thời gian gần đây, dù lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế liên tục truy quét, vào cuộc xử lý quyết liệt các vụ khai thác gỗ lậu. Thế nhưng, ngoài một phần vì đối tượng phá rừng "vất vưởng" kế mưu sinh, thêm phần nhu cầu sử dụng nguyên liệu gỗ đang ngày càng mạnh góp phần đẩy lợi nhuận từ việc khai thác gỗ tăng cao khiến nhiều người dù biết phạm pháp nhưng vẫn luôn muốn “hóa” lâm tặc.
Mới đây, từ phản ánh của người dân huyện A Lưới về hoạt động ngang nhiên của các đối tượng phá rừng trên địa bàn, PV báo ĐS&PL đã nhanh chóng vào cuộc tìm hiểu.
Theo phản ánh, tại khu vực rừng nguyên sinh giáp biên giới Việt - Lào thuộc địa bàn xã Nhâm, huyện A Lưới, thời gian gần đây có nhiều người lạ thường xuyên xuất hiện ở đây. Đi cùng những người này là nhiều xe cơ giới được đưa vào san ủi, làm hàng trăm mét đường vào sâu trong khu vực rừng nguyên sinh, thượng nguồn sông A Sáp.
Lần theo thông tin của người dân phản ánh, từ đập chặn dòng A Sáp của thủy điện A Lưới, PV ngược theo tuyến đường khai thác keo tràm của người dân khoảng 1,5km thì hết khu vực rừng sản xuất.
Tiếp đó khi bắt đầu đặt chân vào khu vực rừng nguyên sinh, ghi nhận của PV, xuất hiện nhiều chỉ dấu cho thấy hoạt động của xe cơ giới làm đường và xe vận chuyển còn rất mới.
Qua quan sát, con đường này rộng 4- 5m, tiến sâu vào rừng khu vực biên giới thuộc tiểu khu 296 địa bàn xã Nhâm.
Những dấu vết xẻ núi, san ủi vẫn còn rất mới. Hai bên vệ đường, nhiều cây rừng bị đốn hạ để phóng tuyến vẫn còn nằm rải rác.
Đặc biệt, trên con đường này, có nhánh rẽ đã thi công được khoảng 20- 30m xuyên thẳng vạt rừng già với nhiều cây gỗ lớn cao hàng chục mét.
Đi sâu vào bên trong, PV phát hiện nhiều lán trại của các đối tượng được dựng lên phục vụ cho khoảng hàng chục người. Tại đây, nhiều dụng cụ nấu ăn, ngủ nghỉ như bạt, chăn, gối vẫn còn. Đặc biệt, dấu vết thức ăn để lại cho thấy đoàn người này vừa rời đi không lâu.
Cơ quan chức năng liên quan nói gì?
“Nếu con đường này tồn tại thì sẽ là điều kiện rất thuận lợi cho các hoạt động xâm hại rừng tự nhiên. Rõ ràng việc đưa xe cơ giới vào thi công cả một tuyến đường hàng trăm mét trong rừng già là một biểu hiện bất thường, đặc biệt đây lại là khu vực biên giới, không thể ra vào tùy tiện được”, một người dân đi cùng nói.
Lạ hơn, trao đổi với PV, ông Phạm Minh Cải, chủ tịch UBND xã Nhâm tỏ ra khá bất ngờ trước sự xuất hiện của một tuyến đường trong khu vực này bởi lâu nay, việc vào khai thác mây chỉ cần những tuyến đường mòn băng rừng.
“Trước thời điểm PV có mặt tại hiện trường, đoàn kiểm tra liên ngành gồm công an xã, đồn biên phòng Nhâm, kiểm lâm địa bàn, xã đội, địa chính và môi trường cùng lực lượng dân quân tự vệ đã tiến hành đợt truy quét các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng, đồng thời phát hiện và lập biên bản 8 đối tượng thuộc xã Hồng Bắc vào khai thác... mây”, lãnh đạo xã Nhâm này nói.
Liên quan đến vấn đề này, thông tin nhanh với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho hay, đã nắm được phản ánh của báo và đang cho các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ.
Qua điện thoại, ông Lê Nhân Đức, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm A Lưới thông tin ban đầu, con đường này trước đây là đường vận chuyển keo tràm của người dân. Sau đó, người dân tự ý mở rộng dài thêm vài khúc để vận chuyển keo tràm và chở mây dưới suối lên.
Trước thắc mắc của PV, về việc tại sao rừng nguyên sinh lại khu vực biên giới lại ngang nhiên mở đường, đốn hạ nhiều cây rừng? Ông Đức nói, chỉ đôi ba cây to bằng bắp chân nằm bên đường.
“Hiện tôi đang cho anh em đang tiếp tục rà soát, kiểm tra phản ánh và sẽ có báo cáo gửi các đơn vị liên quan”, ông Đức cho hay.
Ở một diễn biến khác, một nguồn tin của PV, cùng với việc phong tỏa tuyến đường này thì các lực lượng cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, Hạt kiểm lâm A Lưới, và đồn Biên phòng Nhâm cũng đang khẩn trương tiến hành các cuộc kiểm tra, đánh giá độc lập để làm rõ những biểu hiện bất thường tại khu vực này.
Lê Kông
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 172